Cán cân thương mại sẽ cân bằng vào cuối năm nay?

  • 30/09/2021 05:46:00
  • Nguyễn Quỳnh
  • Kinh tế
  • 0

Nhiều khả năng đến cuối năm 2021, cán cân thương mại của Việt Nam có thể cân bằng và nếu tình hình lạc quan hơn còn có thể xuất siêu nhưng ở mức thấp.

 

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng.

Trước những tác động kể trên, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 ước tăng 9,5%. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD).

Họp báo thường kỳ Quý III của Bộ Công Thương ngày 30/9.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 9 tháng năm 2021 là do kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp trong nước đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất. Giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu.

Cùng với đó, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu nhưng xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay. Trong đó, tháng 6 do dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7, 8, 9 dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Liên quan đến hoạt động thương mại 9 tháng qua, tại buổi hợp báo thường kỳ Quý III do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/9, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu gắn chặt với hoạt động sản xuất, kinh doanh bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động khai thác khác.

Nếu nhìn vào đặc điểm của năm 2021 cho thấy, quý II và quý III là thời điểm dịch Covid 19 bùng phát rất mạnh, đặc biệt đã tác động trực tiếp đến các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn như khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và 13 tỉnh thành ở ĐBSCL.

"Chỉ tính riêng khu vực 19 tỉnh thành phía Nam đã tương đương 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều đó cho thấy, các tỉnh, thành phố này thời gian qua bị tác động của dịch và áp dụng các biện pháp dãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và cao hơn Chỉ thị 16, điều này đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và qua đó tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu của nước ta", ông Hải phân tích.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, thời điểm tháng 6 và tháng 7 vừa qua, khi nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng sâu bởi Covid-19, nhập siêu đã quay trở lại với mức nhập siêu khá lớn khoảng hơn 2 tỷ USD, song đến tháng 8 tình hình đã được cải thiện hơn với con số nhập siêu khoảng hơn 100 triệu USD. Đến tháng 9, dự kiến cán cân đã xoay ngược trở lại với kim ngạch xuất siêu khoảng 500 triệu USD.

"Nhìn chung 9 tháng Việt Nam nhập siêu khoảng 2,13 tỷ USD, nếu so với kim ngạch xuất khẩu chỉ tương đương 0,8%, đây khoảng cách không phải quá lớn. Trong khi đó, chúng ta vẫn còn 3 tháng trước mắt của quý IV và nếu như không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh, các doanh nghiệp phía Nam lấy lại được đà phục hồi tăng trưởng, nhiều khả năng đến cuối năm 2021, cán cân thương mại của Việt Nam có thể cân bằng và nếu tình hình lạc quan hơn, Việt Nam có thể xuất siêu ở mức thấp", ông Trần Thanh Hải cho biết.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi đang khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA, cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng ta có lợi thế.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, logistics chưa bình thường trở lại. Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng được các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến”.

Cùng với đó, nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử… Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Trước tình hình khó khăn kể trên, đại diện Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến cuối năm để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

Đồng thời, Bộ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 23/8/2021 về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

Trong 9 tháng năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3%. Thị trường EU ước đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,5%. Thị trường ASEAN ước đạt 20,6 tỷ USD, tăng 20,8%. Hàn Quốc ước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 11,4%. Nhật Bản ước đạt 14,7 tỷ USD, tăng 5,1%.

Trong 9 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,2 tỷ USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 39,8 tỷ USD, tăng 20,6%. Thị trường ASEAN đạt 30,3 tỷ USD, tăng 39,7%; Nhật Bản đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11,4%; thị trường EU đạt 12,43 tỷ USD, tăng 17,5%; Hoa Kỳ đạt 11,6 tỷ USD, tăng 12,2%./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận