Đẩy nhanh số hóa để tồn tại trong chuỗi cung ứng toàn cầu

  • 30/09/2021 11:41:39
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Đại dịch Covid-19 đã tấn công chuỗi cung ứng toàn cầu với tốc độ và quy mô chưa từng có. Việt Nam - mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu - đang phải đối mặt với sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Để tồn tại trong bối cảnh này, doanh nghiệp phải đẩy nhanh tự động hóa và sử dụng các nền tảng trực tuyến…

 

Đối mặt với sự đứt gãy chuỗi cung ứng

Có thể nói, các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt và kéo dài ở Việt Nam đã khiến năng lực sản xuất giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các thương hiệu toàn cầu. Nhiều công ty đa quốc gia tại Việt Nam đã phải đóng cửa gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng là một cú giáng mạnh vào Việt Nam, khi mà năm 2020, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế của châu Á có tăng trưởng dương và vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài bất chấp đại dịch. Trong tháng 7, khi các tỉnh miền Nam bị phong tỏa, công ty Pouchen của Đài Loan và công ty Chang Shin của Hàn Quốc chuyên sản xuất giày Adidas và Nike, đã phải ngưng hoạt động khi có hơn 33.000 công nhân Pouchen và 42.000 công nhân Công ty Changshin Việt Nam tạm nghỉ việc. Trong khi đó, năm 2020, Pouchen đã xuất xưởng 244 triệu đôi giày với 44% sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam. Theo ước tính của BTIG, Nike đã sản xuất khoảng 350 triệu đôi giày thể thao ở Việt Nam trong năm 2020. Nhưng khả năng năm 2021, sẽ có tới 160 triệu đôi giày Nike không được sản xuất ở Việt Nam vì giãn cách xã hội.

Tương tự, ngành dệt may cũng chịu tác động lớn từ đại dịch. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho biết có đến 35% các nhà máy dệt may trên cả nước phải đóng cửa giữa làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4.

Không chỉ có da dày và dệt may, sự thiếu hụt chip và các linh kiện điện tử cũng đã tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều nhà máy ở Việt Nam không có đủ linh kiện để sản xuất. Trả lời báo chí, bà Hoàng Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Bộ phận Mua hàng toàn cầu, Panasonic Việt Nam cho biết: “Covid-19 có ảnh hưởng đáng kể đối với sản phẩm sản xuất của chúng tôi tại Việt Nam. Đại dịch này ảnh hưởng đến đầu vào cả về nguyên liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt từ các nước Châu Á”.

Theo Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 9/2021 của WB, trong số các mặt hàng xuất khẩu chính, đồ gỗ và giày dép bị ảnh hưởng nặng nề nhất (giảm lần lượt 38% và 26% so với cùng kỳ năm trước), tiếp theo là máy tính và sản phẩm điện tử (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước), dệt may (giảm 9% so với cùng kỳ năm trước).

Lòng tin vào nền kinh tế vẫn được duy trì

Đại dịch khiến các công ty đa quốc gia phải đối mặt với cú sốc nguồn cung nguyên liệu, đồng thời đối mặt với sự mong manh của chuỗi cung ứng hiện tại. Sự đình trệ trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp phải khẩn trương tìm hướng ra tại các quốc gia khác. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ước tính, 18% số thành viên đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang các nước khác để bảo vệ chuỗi cung ứng của mình, trong khi 16% khác cũng đang xem xét các động thái tương tự, dù chưa có doanh nghiệp nào rời khỏi Việt Nam. Hãng bán lẻ quần áo và phụ kiện nữ có trụ sở ở Mỹ, Chico’s FAS, cho biết đã có kế hoạch chuyển hướng khỏi Việt Nam. Chico’s hiện đã chuyển 9% tổng sản lượng của mình từ Việt Nam sang các nước khác.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong ít doanh nghiệp chuyển hướng khỏi Việt Nam.  Bởi Việt Nam đã thiết lập được một vị trí tương đối vững chắc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ. Do vậy, các khách hàng lớn có thể tạm thời chuyển đơn hàng đi nước khác, nhưng họ sẽ không dễ rời bỏ Việt Nam.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 9/2021 của WB cũng khẳng định, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, Việt Nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 8/2021, tăng 65% so với tháng trước. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Mặc dù vậy, giải ngân vốn FDI giảm trong tháng 8 - ở mức 14,3% so với tháng trước là 12,2%. Điều này cho thấy lòng tin vào nền kinh tế vẫn được duy trì.

Đẩy nhanh số hóa để tồn tại

Nhiều chuyên gia đánh giá, để thích nghi với tình trạng bình thường mới và tồn tại trong đại dịch với tình trạng bình thường mới, các doanh nghiệp Việt cần thay đổi mình, đẩy nhanh tốc độ số hóa trong quá trình sản xuất. Một điểm sáng của cuộc khủng hoảng này là việc đẩy mạnh số hóa trong ứng phó của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang mở rộng sử dụng số hóa trong quá trình sản xuất cũng như tiếp cận người tiêu dùng. Theo đại diện Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, với giải pháp tự động hóa quy trình bằng robot phần mềm, thay thế lao động thủ công, doanh nghiệp có thể cắt giảm 30% chi phí, tăng độ chính xác trong công việc lên đến 99% và tiết kiệm 70% chi phí về nhân sự. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tồn tại trong chuỗi cung ứng toàn cầu giai đoạn hiện nay.

Đánh giá về cơ hội của Việt Nam sau đại dịch trên blogs.worldbank.org, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho rằng, đại dịch cũng khuyến khích doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ mới và nâng cấp mô hình kinh doanh. Ví dụ, việc phong tỏa người lao động có thể khuyến khích doanh nghiệp tự động hóa một số chức năng nhất định, khuyến khích số hóa và sử dụng các nền tảng trực tuyến… và thúc đẩy thương mại điện tử.

Đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng vào nền kinh tế. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10.000 doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020 - Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, trong giai đoạn bình thường mới thì việc “sống chung với dịch” là lựa chọn tất yếu. Khi chúng ta chấp nhận chừng nào còn phải “sống chung với dịch” thì cũng sẽ phải chấp nhận những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Chẳng hạn các doanh nghiệp sẽ phải dành chi phí cho phòng dịch, điều trị, sự thiếu hụt lao động, bỏ lỡ chi phí cơ hội do phải mất thời gian xử lý dịch bệnh ở những thời điểm cụ thể... Đối với các ngành hàng sản xuất, nguồn cung nguyên liệu sẽ không thiếu vì nguyên vật liệu vẫn đang được các quốc gia duy trì sản xuất, tạo nguồn cung dồi dào, đa dạng. Vấn đề chỉ là khâu vận chuyển từ cảng đến doanh nghiệp và khả năng doanh nghiệp hoạt động trở lại để tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu đó. Việc khôi phục sản xuất, giảm thiệt hại do đứt gãy nguồn cung trong thời gian vừa qua phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phòng, chống dịch của chúng ta.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận