Thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc: Một số khía cạnh cần quan tâm

  • 26/08/2021 09:57:11
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Những năm gần đây, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thay đổi. Để ổn định và phát triển ngành gỗ, vấn đề đặt ra là thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, kiểm soát kỹ lưỡng luồng cung nhập khẩu và hồ sơ nguồn gốc ván bóc xuất khẩu…

 

Xuất khẩu đồ gỗ chiếm tỷ lệ nhỏ

Báo cáo “Thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc 2015 - 2020: Thực trạng và xu hướng” vừa được nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Tổ chức Forest Trends công bố, xét trong cả giai đoạn 2015-2020 đánh giá, quan hệ thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì tốc độ tăng tốt. Kim ngạch 2 chiều tăng từ 1,24 tỷ USD năm 2015 lên 2,05 tỷ năm 2020. Việt Nam duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với mức tăng trung bình 4,3%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 986 triệu USD năm 2015 lên 1,227 tỷ USD năm 2019, sau đó giảm còn khoảng 1,208 tỷ USD năm 2020.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là gỗ nguyên liệu với kim ngạch chiếm 86,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nhóm đồ gỗ chỉ chiếm 13,8%.

Ông Trần Lê Huy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký FPA Bình Định cho biết, năm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu thấp nhất là 2016 thì cũng chiếm tới 82,3%; năm cao nhất là 2020 chiếm 92%. Đáng chú ý, trong 2 năm gần đây (2019 - 2020) kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu tăng mạnh. Điều này cho thấy Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ các mặt hàng nhóm gỗ nguyên liệu của Việt Nam mà không phải là thị trường đầu ra cho các sản phẩm gỗ. Ngoài việc Trung Quốc là thị trường khổng lồ về đồ gỗ nguyên liệu để phục vụ chế biến tiêu dùng nội địa thì một phần cũng có thể là do các sản phẩm gỗ Việt chưa đáp ứng được thị hiếu, chưa cạnh tranh được với các sản phẩm của nước này.

Cần rà soát kỹ lưỡng toàn bộ  luồng cung nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc Ảnh: Hà Nguyên

Báo cáo còn chỉ ra việc xuất khẩu các mặt hàng ván bóc từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian vừa qua có dấu hiện của gian lận về giá. Ngày 16/04/2021, Chi hội gỗ dán có công văn kiến nghị gửi cho Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam trong đó ra thông tin rõ các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang Trung Quốc sử dụng giá xuất khẩu dưới giá thành nhằm lẩn tránh thuế xuất khẩu.

Ở chiều nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng trong nhập khẩu lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, đạt con số khoảng 27%/năm, tăng 3,3 lần từ 258 triệu USD năm 2015 lên 846 triệu năm 2020, và cũng tiền ẩn nguy cơ gian lận thương mại. Điều này được cảnh báo ở nhóm mặt hàng nhập khẩu có mức tăng trưởng cao như gỗ nguyên liệu, gỗ ván, đồ gỗ nội thất và ghế ngồi. Đây là 2 nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam có tốc độ tăng trưởng lớn nhất. Kim ngạch nhập khẩu của đồ nội thất từ nguồn này tăng từ dưới 6% năm 2018 lên 14% năm 2019 và 18,7% năm 2020 trong tổng kim ngạch nhập khẩu tất cả các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam theo năm tương ứng.

Ưu tiên các giải pháp công cụ “củ cà rốt”

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends phân tích, Chính phủ Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Chính sách của Chính phủ cũng đi theo hướng hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô thông qua việc áp dụng thuế xuất khẩu. Hiện mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dăm và các loại ván lần lượt là 2% và 10%. Chính phủ kỳ vọng áp dụng thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng này sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, dựa trên các nguồn nguyên liệu này. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu các mặt hàng này liên tục tăng trong những năm vừa qua là minh chứng điển hình cho thấy sự vận hành thực tế của thị trường không giống như kỳ vọng.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu thông qua “cây gậy” là chưa đủ. Vì thế, cần các công cụ là “củ cà rốt”, như cơ chế chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, thúc đẩy chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp và hộ trồng rừng, tạo môi trường thu hút đầu tư sâu, môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Ưu tiên thực hiện các giải pháp công cụ “củ cà rốt” nên tập trung vào các vùng nguyên liệu với quy mô xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô lớn hiện nay như vùng Bắc Trung bộ và Đông Bắc.

Ông Trần Lê Huy cho rằng, kiểm soát hiệu quả rủi ro trong thương mại về gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là về gian lận và lẩn tránh xuất xứ đối với các mặt hàng gỗ của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngành gỗ Việt Nam. Làm được điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý rà soát kỹ lưỡng toàn bộ các luồng cung nhập khẩu từ Trung Quốc, tập trung vào các mặt hàng có tín hiệu rủi ro cao. Các Hiệp hội gỗ có vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin, bằng chứng về các đơn vị, cá nhân, các mặt hàng.

Đối với ván bóc, các doanh nghiệp sản xuất kiến nghị Bộ Tài chính áp giá tối thiểu sản phẩm ván bóc xuất khẩu làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn, gỗ mỡ, gỗ bồ đề rừng trồng. Đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ hồ sơ nguồn gốc ván bóc xuất khẩu để bảo vệ nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước, tạo đà phát triển ngành gỗ dán.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận