Chống đứt gãy chuỗi cung ứng, ổn định kinh tế

  • 12/08/2021 09:06:53
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và 'bật' khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Trước thực trạng này, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng, chống dịch và phục hồi và phát triển kinh tế.

Đứt gãy chuỗi cung ứng

Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 70.200 doanh nghiệp đã phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Con số này tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.Có 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 22% so với cùng kỳ và chiếm xấp xỉ 51% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021.

Kết quả khảo sát nhanh do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) tiến hành trên 100 doanh nghiệp qua hình thức trực tuyến, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong đợt dịch thứ 4 này.Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; 80% thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp; 52% phải cắt giảm lao động; 14% bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu; hơn 50% bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch...

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)cho thấy, tại thời điểm này có đến 97% số doanh nghiệp trong ngành dệt may tại các tỉnh phía Nam phải đóng cửa vì dịch.Còn lại khoảng 3% hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, chủ yếu phục vụ khâu phát triển mẫu hoặc do có các đơn hàng gấp, nếu dừng sản xuất thì thiệt hại rất lớn. Điều này sẽ dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước.

97% số doanh nghiệp dệt may tại các tỉnh phía Nam đang phải đóng cửa.

Ngoài ra, việc áp dụng các quy định về phòng dịch, trong đó có yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với các tài xế vận chuyển hàng hóa - đặc biệt là vận chuyển liên tỉnh còn phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương; làm phát sinh thêm nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tình trạng trên gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.Hiện có một số đối tác lo ngại chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ bị đứt gãy, nên có động thái dịch chuyển đơn hàng sang các nước khống chế dịch tốt hơn.

Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, có thể gây ra sự đứt gãy của chuỗi sản xuất.

Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình. Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... và đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan. Việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất trong nước do đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn.

Nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, giao thương trực tiếp của các doanh nghiệp với đối tác nước ngoài, Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu thực hiện đa dạng các phương thức kết nối doanh nghiệp như tổ chức các buổi làm việc và hội thảo - giao thương trực tuyến, xây dựng website B2B phục vụ kết nối giao thương, kêu gọi doanh nghiệp cung cấp thông tin và gửi hàng mẫu...

Nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã và đang đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản, thực phẩm của Việt Nam với các nhà nhập khẩu và chuỗi phân phối của nước sở tại.

Đồng thời Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như ưu tiên tiêm vaccine cho lao động trong ngành vận tải - đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và lao động khác trong ngành logistics.Sửa đổi mức ưu tiên đối với đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.Đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa…

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương,Thủ tướng Chính phủPhạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ đã và đang nghiên cứu ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì sản xuất ở những nơi an toàn và đảm bảo an dân. Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành chính sách giảm một số loại thuế cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong năm 2021, dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhiều giải pháp cụ thể như xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp ưu tiên; giải pháp dài hạn và bền vững về đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chế tạo; phát triển chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm nhằm tạo giá trị gia tăng cao. Nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên.

Ngoài ra, những giải pháp thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng có tác động tích cực; cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số; các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận