Chủ động, sẵn sàng nguồn cung lương thực, thực phẩm

  • 05/08/2021 05:22:00
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Sau chuỗi hoạt động hiệu quả của Tổ công tác phía Nam, Bộ NN&PTNN tiếp tục thành lập Tổ công tác phía Bắc do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến làm Tổ trưởng nhằm kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19.

Đẩy mạnh sản xuất

Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp với các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) chỉ đạo các Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan xây dựng các phương án duy trì sản xuất tại những địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và các quy định khác của Chính phủ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại phía Bắc có biến động nhưng không lớn, vì thế một trong những mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh sản xuất, xây dựng phương án bảo đảm an toàn cao nhất trong khu vực sản xuất nhằm tăng nguồn cung phục vụ nhu cầu tại chỗ đồng thời cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm cho các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tổ công tác cũng có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho việc lưu thông, cung ứng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản; nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc nếu vượt thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức rà soát tình hình sản xuất, nhu cầu lương thực thực phẩm, đánh giá tình hình tiêu thụ các loại nông sản chính tại địa phương theo từng tháng và tình hình lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp bao gồm cả vật tư phục vụ sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Các địa phương cần tổng hợp, cung cấp danh sách các đầu mối cung ứng nông sản trên địa bàn tỉnh, thành phố theo từng nhóm: lương thực, rau củ, trái cây, thủy hải sản, thịt, trứng, sữa đồng thời cập nhật thông tin khó khăn, vướng mắc hàng tuần trong thời gian giãn cách.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương phân công cán bộ đầu mối gửi thông tin liên hệ để báo cáo với Tổ Công tác của Bộ trước ngày 24 hàng tháng. Bộ tổ chức họp trực tuyến với các địa phương theo định kỳ, để đánh giá tình hình, đồng thời kết hợp khảo sát trực tiếp tại một số địa phương nắm bắt thực tiễn, giải quyết các vướng mắc, khó khăn kịp thời.

“Không để Thủ đô xảy ra biến động lớn”

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhu cầu sản xuất và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho khoảng 10,33 triệu người hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây, nhất là gạo, thịt trâu, bò, rau, củ, quả và sản phẩm chế biến…

Cụ thể, sản lượng sản xuất gạo chỉ đáp ứng được 65,6% nhu cầu, sản lượng thịt lợn chỉ đáp ứng 94,1% nhu cầu, sản lượng thịt trâu bò chỉ đáp ứng 19,3% nhu cầu; thực phẩm chế biến chỉ đáp ứng 19% nhu cầu, sản lượng tự sản xuất rau củ chỉ đáp ứng 65,1% tổng nhu cầu...

Trong khi đó, hàng loạt chợ đầu mối tại Hà Nội đã bị phong tỏa tạm thời do xuất hiện các trường hợp ca nhiễm Covid-19 dịch đã làm gia tăng việc đứt gãy chuỗi cung ứng…

Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, việc vận chuyển lưu thông các sản phẩm gia cầm gặp trở ngại do yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương, đặc biệt nhiều thôn, xã có quy định riêng rất khắt khe. Tuy nhiên, qua khảo sát nguồn cung cho Hà Nội và cá tỉnh có nhu cầu cao như Qunagr Ninh, Hải Phòng ..vẫn tương đối dồi dào.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản đề nghị Hà Nội cần rà soát lại sản xuất nông nghiệp từng huyện cung ứng lương thực, thực phẩm cho khu vực nội đô. Với nguồn cung tại chỗ, hiện nay, mới có 113 kho lạnh để dự trữ, trong điều kiện dịch diễn biến xấu hơn thì việc tập kết nông sản vào các kho này và và bố trí hàng trung chuyển ven khu vực nội đô là kịch bản đầu tiên phải quan tâm. Hà Nội đã có 786 chuỗi an toàn thực phẩm liên kết với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc, cần rà soát năng lực cung ứng chuỗi an toàn thực phẩm này.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh "Trong bất kì tình huống nào chúng ta cũng không được để Thủ đô xảy ra biến động lớn. Với tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, việc đảm bảo an ninh, chất lượng lương thực thực phẩm sẽ giúp TP Hà Nội thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội".

Bộ NN&PTNT sẽ tiên phong và sát cánh cùng Hà Nội bảo đảm lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống. Trong trường hợp xấu nhất Bộ sẽ dùng các trường của Bộ làm nơi cách ly và nơi trung chuyển nông sản an toàn./.

Bình luận

    Chưa có bình luận