Dự trữ Nhà nước - sẵn sàng trong mọi tình huống

Đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục phát huy truyền thống sẵn sàng trong mọi tình huống

 

Được thành lập sớm sau ngày hòa bình lập lại, ngày 7/8/1956, trong bối cảnh cả nước đang căng mình phòng chống đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục phát huy truyền thống sẵn sàng trong mọi tình huống

Đảm bảo đủ nguồn trong tình huống bất thường

Mới đây, Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức thực hiện xuất cấp trang bị cứu hộ, cứu nạn từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) để phục vụ công tác phòng thủ dân sự, cứu hộ cứu nạn và phòng chống dịch bệnh Covid-19, bao gồm: nhà bạt cứu sinh và máy phát điện loại 30KVA với đầy đủ các phụ kiện và hướng dẫn sử dụng đi kèm. Để đảm bảo việc sử dụng các trang thiết bị đạt hiệu quả, các cán bộ kỹ thuật của đã hướng dẫn chiến sĩ của Quân khu 7 - đơn vị tiếp nhận hàng cách sử dụng máy móc, chạy thử máy phát điện, lắp dựng nhà bạt.

Bàn giao hàng DTQG cho Quân khu 7 để phòng chống dịch Covid-19

Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động của DTNN nhằm ứng phó khẩn cấp với thiên tai, sự cố. Năm 2020, để hỗ trợ kịp thời người dân vùng lũ miền Trung vượt qua khó khăn chồng chất, Tổng cục DTNN chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động kế hoạch xuất khẩn cấp hàng DTQG cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Nhờ vậy, hàng dự trữ quốc gia đến kịp với người dân vùng lũ. Năm 2020, Tổng cục DTNN đã xuất cấp trên 132.000 tấn gạo, giá trị gần 1.400 tỷ đồng; xuất cấp vật tư, thiết bị cho bộ, ngành, địa phương để phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng.

Ngành DTNN đã cho thấy được vai trò quan trọng của mình khi tham mưu cho Chính phủ kịp thời xuất cấp vật tư, thiết bị, lương thực, hóa chất khử trùng, khử khuẩn,… để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ công tác an sinh xã hội. Hằng năm, ngành DTNN đã xuất cấp hàng trăm nghìn tấn lương thực, hàng nghìn nhà bạt, phao cứu sinh, hàng triệu liều vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho động vật nuôi, hàng chục tấn giống cây trồng các loại, hàng trăm nghìn lít thuốc sát trùng và phương tiện tiêu tẩy khử trùng… Đồng thời, còn thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao như: xuất gạo hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dự án trồng rừng, hỗ trợ các địa phương dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, góp phần thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Hàng DTQG đã xuất cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, vận chuyển kịp thời đến các địa phương. Nguồn lực DTQG được sử dụng, phát huy có hiệu quả trong việc hỗ trợ cho nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tạo được sự tin tưởng và đánh giá cao của nhân dân - Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Trong nửa đầu năm 2021, ngành DTNN đã đóng góp tích cực vào trong công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua xuất cấp hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh; xuất cấp hàng hóa của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành DTNN đã từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách về DTQG, đưa mặt hàng y tế vào danh mục hàng DTQG. 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, Tổng cục DTNN đã xuất cấp kịp thời các mặt hàng với tổng trị giá khoảng 650 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, truyền thống này xuất phát từ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Tuần lễ vàng”, “muối quý hơn vàng”... nhằm tạo lập nguồn lực quan trọng đáp ứng yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ. Sau 65 năm, dù trải qua những giai đoạn lịch sử với các hình thức tổ chức khác nhau, nhưng ngành DTNN luôn đảm bảo nguồn hàng dự trữ thiết yếu sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu cấp bách của quốc gia trong kháng chiến cũng như trong thời bình. Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng ngành DTQG 01 Huân chương Hồ Chí Minh, 01 Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quỹ khác cho tập thể và cá nhân có nhiêu thành tích xuất sắc trong công tác dự trữ.

Xe chở lương thực cứu trợ

Hiện đại hóa để sẵn sàng trong mọi tình huống

Ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, cho rằng: việc ban hành Luật Dự trữ quốc gia thực sự tạo ra hành lang pháp lý giúp cho công tác quản lý DTQG ngày càng hiệu lực và hiệu quả. Đồng thời, hệ thống cơ sở vật chất, kho tàng dự trữ quốc gia đã được quan tâm đầu tư phát triển theo hướng quy hoạch hệ thống kho tại 8 vùng chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên cả nước với quy mô đủ lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Trong giai đoạn tiếp theo, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: "Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh", thì trước mắt cần hoàn thiện thể chế chính sách về DTQG, làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

Xuồng máy xuất cấp cho các tỉnh miền Trung

Tập trung xây dựng Chiến lược DTQG giai đoạn 2021 - 2030; quy hoạch tổng thể và chi tiết hệ thống mạng lưới kho DTQG giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phục vụ cho công tác quản lý. "Tăng cường nguồn lực DTQG theo hướng ưu tiên tăng dự toán chi NSNN hàng năm cho DTQG sẵn sàng mọi nguồn lực ứng cứu khi có tình huống cấp bách xảy ra. Tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá tình hình dự báo, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính để có các kịch bản ứng phó với các tình huống đột xuất, cấp bách. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của công chức, viên chức trong hệ thống DTQG" - Ông Đỗ Việt Đức phân tích.

Ông Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

Hệ thống DTQG trong cả nước cần chủ động theo dõi những thay đổi của tình hình quốc tế để đổi mới tư duy hoạt động của công tác dự trữ. Đặc biệt nhấn mạnh công tác nghiên cứu, dự báo và hoạch định chiến lược để tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia về số lượng, chủng loại và chất lượng. Chủ động nghiên cứu các mục tiêu an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các khu vực khó khăn để xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn lực phù hợp. Xây dựng và nâng cấp hệ thống kho tàng dự trữ quốc gia theo hướng hiện đại tại các địa bàn chiến lược đã được xác định trong quy hoạch của ngành. Chuẩn bị tốt các phương án cứu trợ, ứng cứu với phương châm “4 tại chỗ” để đối phó kịp thời các tình huống khẩn cấp về thiên tai, bão lụt cũng như an ninh, quốc phòng.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận