'Quyền lực' bán lẻ thời đại dịch

Giá tăng, hàng hóa khan hiếm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Một lần nữa, "quyền lực" bán lẻ được thể hiện mạnh mẽ.

 

"Ai nắm được sản phẩm, người đó có quyền lực"

PGS.TS. Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương - từng nhận định: "Thời bao cấp, ai nắm được sản phẩm thì người đó có quyền lực. Chính vì vậy, cô mậu dịch viên rất có giá, được mọi người săn đón, trọng vọng. Nhưng trong kinh tế thị trường, quyền lực thuộc về người tiêu dùng, việc “mua” hay “không mua” của họ quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp". Ấy vậy mà đại dịch Covid-19 bỗng đưa người tiêu dùng trở lại cái thời đã lùi xa gần 4 thập kỷ.

PGS.TS Phạm Tất Thắng

Bất chấp việc Bộ Công Thương và chính quyền các địa phương tuyên bố không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong điều kiện giãn cách, người tiêu dùng vẫn nơm nớp lo cảnh thiếu thốn hoặc nhu yếu phẩm tăng giá chóng mặt. Mặc dù lo lắng này có vẻ không hợp lý khi Việt Nam đang là nước xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, nhưng hóa ra lại không thừa, bởi ngay trong những ngày đầu giãn cách ở TPHCM, một số cửa hàng mang danh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ đã thẳng tay nâng giá thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là rau xanh, khi nhu cầu tăng đột biến. Trong đó, chuỗi Bách Hóa Xanh với nhiều cửa hàng bị lập biên bản đã bị người tiêu dùng tẩy chay không chỉ trên mạng xã hội mà còn cả trên thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu công ty mẹ lao dốc.

Hà Nội ứng xử linh hoạt hơn bằng cách Chỉ thị 17 được thông báo muộn - khi các siêu thị đóng cửa, đa số người dân đã đi ngủ - và có hiệu lực ngay lập tức vào 6h sáng hôm sau. Nhờ vậy, siêu thị, trung tâm thương mại được giảm tải, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Dù Hà Nội cho phép các cửa hàng lương thực thực phẩm thiết yếu và chợ dân sinh hoạt động, nhưng cũng không ngăn được tình trạng lợi dụng đẩy giá hàng hóa tăng lên ở các chợ này. Mua 1 mớ rau cải và 1 mớ mùng tơi mất 27.000 đồng (đắt gần gấp 3 lần giá ngày thường) hay 1 kg bí xanh giá 40.000 đồng ở chợ dân sinh là chuyện không còn hiếm tại Hà Nội.

Thực tế là dù các địa phương đã áp dụng biện pháp để đảm bảo nguồn cung ổn định trong bối cảnh dịch dã, nhưng việc lưu thông hàng hóa trong điều kiện giãn cách sẽ gặp khó khăn hơn, như câu chuyện "luồng xanh", "làn đỏ" đối với hàng hóa ra vào Hà Nội gây xôn xao mấy ngày qua.

Hệ thống bán lẻ hiện đại đnag ngày càng phát triển

 

Cần nâng cao năng lực của hệ thống phân phối

Thực trạng xảy ra ở Hà Nội, TPHCM và cả một số địa phương khác cho thấy: dù đã phát triển hệ thống thương mại hiện đại với nhiều quy mô khác nhau, nhưng trong tình huống đặc biệt chúng ta vẫn chưa có được sự chủ động cần thiết. Bởi vậy, giải pháp lâu dài phải là nâng cao năng lực của hệ thống phân phối nhằm chuẩn bị sẵn tinh thần ứng phó trong các tình huống bất thường khác nhau.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kinh nghiệm cần rút ra từ TPHCM là không nên đóng cửa các chợ truyền thống, chợ đầu mối để tránh tạo áp lực lên hệ thống siêu thị. “Nếu chúng ta không làm tốt, không mở lại các chợ truyền thống cũng như là chợ đầu mối thì chắc chắn sẽ thiếu hàng mà không thể khắc phục được. Qua kinh nghiệm của TP.HCM vừa qua cũng đề nghị là không đóng cửa tất cả các chợ truyền thống và các chợ đầu mối, phải tăng cường đảm bảo các điều kiện chống dịch. Các tỉnh, thành phố khác cần cân nhắc việc đóng cửa chợ đầu mối, chợ truyền thống, tránh trường hợp người dân khó tiếp cận nguồn hàng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị.

Tuy nhiên, song song với việc tổ chức phân phối, công tác phòng chống dịch ở môi trường bán lẻ cần phải nâng lên và ưu tiên tiêm vaccine cho những người đang làm việc trong hệ thống bán lẻ, bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu có F0.

Trước đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam tính chuyện vươn ra thị trường thế giới và đôi lúc bỏ quên thị trường trong nước. Khi đại dịch xảy ra vào đầu năm 2020, tất cả các quốc gia đều đóng cửa phòng chống dịch, thị trường trong nước trở thành nơi "giải cứu" cho doanh nghiệp. Vậy bây giờ, người tiêu dùng gặp khó khăn bởi dịch bệnh, giãn cách, thu nhập giảm sút, hàng hóa khan hiếm, doanh nghiệp có cùng chung tay để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng và kìm hãm sự tăng giá bất hợp lý? Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, để trả lời câu hỏi này, doanh nghiệp cần nhớ: "Bên cạnh mục tiêu săn tìm lợi nhuận phải đặc biệt chú ý tới “trách nhiệm xã hội”. Trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp được thể hiện trước hết qua chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp ra thị trường".

Nhưng vẫn không thay thế được chợ truyền thống

Tương lai lâu dài của ngành bán lẻ

Diễn biến khó lường của biến chủng Delta trong đợt dịch lần thứ tư này có thể khiến các toan tính phát triển của doanh nghiệp - trong đó có doanh nghiệp bán lẻ - phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Nhưng về lâu dài, mục tiêu hướng đến vẫn là thúc đẩy phát triển bán lẻ trong nước một cách chuyên nghiệp, đủ khả năng ứng phó với những tình huống bất thường như thiên tai, dịch bệnh, và vươn ra thế giới. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú đã từng đề xuất doanh nghiệp Việt mạnh dạn vẽ lại bản đồ bán lẻ. Cơ sở mà ông Vũ Vinh Phú đưa ra đề xuất này là: Liên tục 1-2 năm gần đây, các DN Việt đã vươn lên để mở rộng thị phần bán lẻ. Cụ thể giữa năm 2018, SG Co-op đã mua lại toàn bộ hệ thống Auchan của Pháp khi họ ngừng kinh doanh tại Việt Nam; Tập đoàn Emart (Hàn Quốc) đã nhượng lại thương hiệu của mình trong 10 năm cho Thaco Trường Hải; Shop&Go của Singapore cũng đã nhượng bán cho VinCommerce.v.v. Song ông Vũ Vinh Phú cho rằng: "Giành được trận địa đã khó, giữ được trận địa còn khó hơn. Bán lẻ phải luôn luôn gắn kết với vùng sản xuất hàng hóa Việt, nhất là hàng nông sản thực phẩm đang có thế mạnh, đó cũng chính là đảm bảo ổn định cho đầu vào của hệ thống phân phối Việt. Giữa sản xuất và nhà bán lẻ phải giao dịch mua bán một cách minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, gây dựng niềm tin lâu dài cho người tiêu dùng".

Ông Vũ Vinh Phú

Hệ thống bán lẻ Việt đóng góp khoảng 14% GDP và giải quyết công ăn việc làm cho 6-7 triệu người, đóng góp phần quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - đánh giá: Các nguy cơ khủng hoảng có thể tồi tệ nhất do đại dịch Covid - 19 gây ra cho từng quốc gia, vấn đề thị trường nội địa cần được xem xét với tư duy mới và chiến lược mới. Đại dịch Covid - 19 thúc đẩy sự bùng nổ của thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến cùng dịch vụ giao hàng tận nhà và bán lẻ đa kênh lên ngôi. Đây là lợi thế mà các nhà bán lẻ đang tập trung khai thác. Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan phân tích: "Trong và sau đại dịch Covid - 19, khi khủng hoảng cả cung lẫn cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như của từng quốc gia bị đứt gãy… doanh nghiệp phải đối mặt với một loạt ẩn số phức tạp hơn khi trật tự thế giới được định hình trong nhiều thập kỷ dường như đang thay đổi. Thuế quan và các rào cản phi thuế quan sẽ tiếp tục tăng, đảo ngược hàng thập kỷ tự do hóa thương mại. Chúng ta đều thấy những tác động ghê gớm của đại dịch Covid-19, thậm chí còn kéo dài và khó đoán định trong thời gian dài sau đại dịch. Việc trở lại và chiếm lĩnh thị trường nội địa càng trở nên quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh mới này".

Bà Đinh Thị Mỹ Loan

Bản đồ về nhu cầu toàn cầu đang được vẽ lại với việc các nước đang phát triển tiêu thụ nhiều hơn những gì họ sản xuất và sự tăng trưởng của chuỗi cung ứng nội địa toàn diện hơn ở các quốc gia này, làm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa trung gian; và tác động của các công nghệ mới - Nghiên cứu của McKinsey Global Institute.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận