Doanh nghiệp ứng phó và vượt qua đại dịch

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đòi hỏi DN có những giải pháp để hạn chế rủi ro của dịch bệnh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý và bền vững trong những năm tới.

 

Phục hồi tích cực

Sáu tháng đầu năm 2021 ghi nhận những phục hồi tích cực của tổng cầu trên thị trường thế giới. Nhiều ngành hàng của Việt Nam đã có sự hồi phục ngoạn mục. Đơn cử như sau 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu Dệt May Việt Nam đã đạt gần 19 tỷ USD, tăng trên 20% so với 2020, đặc biệt đã vượt qua cả con số của cùng kỳ 2019, chứng tỏ sự phục hồi khá sớm so với dự báo phải hết 2021 mới quay lại ngưỡng 2019, thậm chí đến quý 3/2022. Sự phục hồi này ngoài yếu tố cầu, còn có cả yếu tố dịch chuyển cung, do nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Cambodia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, doanh nghiệp không thể hoạt động, trong khi ở Việt Nam đến hết tháng 4, tình hình kiểm soát dịch bệnh khá tốt, doanh nghiệp có thể phát huy hết tốc lực cho sản xuất.

Bên cạnh ngành May có đủ đơn hàng dù đơn giá còn thấp thì điểm sáng đặc biệt đến từ ngành Sợi. Sau 24 tháng liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành này đã sáng lên, cầu và cả giá bán tăng cao. Ước tính hiệu quả của 6 tháng đầu năm 2021 về cơ bản có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của 2 năm 2019, 2020; đưa ngành Sợi trở lại thành ngành có đóng góp trên 60% hiệu quả hợp nhất toàn Tập đoàn, dù chỉ ở 12 đơn vị với quy mô ~7000 lao động, chiếm dưới 10% lao động trực tiếp của Tập đoàn, và dưới 5% nếu tính đến cả các đơn vị may cấp 2. Lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn hoàn thành trên 70% kế hoạch cả năm trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng khoảng 190% so với cùng kỳ, đồng thời bằng 140% cùng kỳ 2019 trước đại dịch, với đóng góp lớn từ ngành Sợi và sự ổn định ở mức gần tương đương trước dịch của ngành May.

Nhiều doanh nghiệp có sự hồi phục ngoạn mục trong 6 tháng đầu năm 2021.

Song, dịch bệnh quay trở lại trong làn sóng thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, số lượng ca nhiễm đã gấp 4 lần so với tổng 18 tháng trước đó cộng lại, dịch bệnh trong các trung tâm công nghiệp từ Bắc Giang, Bắc Ninh, nay lan vào thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo lớn nhất của đất nước đã bị dịch bệnh càn quét. Muốn vượt qua được trận càn quét này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự quyết tâm, sáng tạo, đột phá trong cách hoạt động vận hành doanh nghiệp.

Sáng tạo, chia sẻ để vượt qua đại dịch

Đứng trước ảnh hưởng từ đại dịch Covid 19, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu một số tác động không nhỏ từ đại dịch. Tuy nhiên, với tâm thế sẵn sàng đón nhận và đưa ra các chiến lược kinh doanh mới, lấy công nghệ làm lõi chiến lược cũng như thực hiện tốt 5K nhiều doanh nghiệp đã đạt được kết quả khả quan. Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam cho biết, Tập đoàn Kim Nam liên tục duy trì và triển khai các hoạt động sản xuất thương mại, phát triển ngành công nghiệp vật liệu phụ trợ. Đồng thời, triển khai những dự án mang đậm tính đột phá như phát triển các sản phẩm công nghệ (Sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam-EU, Sàn thương mại điện tử Bắc Kạn, Nền tảng đào tạo trực tuyến 4.0 Eschool,...). Tập đoàn Kim Nam đang ứng dụng thực tiễn nền tảng quản trị doanh nghiệp Verco24. Nền tảng này được xây dựng nhằm số hóa các hoạt động quản lý, quản trị, vận hành nội bộ doanh nghiệp, và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trong công cuộc cách mạng 4.0. Ngoài xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp trên nền tảng số Verco24, Tập đoàn Kim Nam còn xây dựng, phát triển và cho ra mắt hệ thống đào tạo huấn luyện trực tuyến trên nền tảng E-school.

Với Vinatex, sau nửa đầu năm 2021 khả quan, thì 6 tháng cuối năm bắt đầu có những rủi ro mới như các doanh nghiệp trọng yếu Phong Phú, Việt Tiến, Việt Thắng, Nhà Bè, Hữu Nghị nằm trong vùng có dịch bệnh phải làm việc giãn cách, tỷ lệ lao động thấp; đã xuất hiện các ca bệnh trong DN của Vinatex hoặc trong cụm/khu công nghiệp có DN của Vinatex đóng quân như tại Đáp Cầu, Hữu Nghị,… Tính đến ngày 10/7/2021 đã có trên 10,000 lao động không thể đến nhà máy, chiếm 10% lực lượng lao động của toàn Tập đoàn và trên 20% lực lượng lượng lao động phía Nam (khu vực đóng góp trên 60% thu nhập cho Tập đoàn). Ông Lê Tiến Trường Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, trong bối cảnh đó, Tập đoàn và các đơn vị đã tập trung vào các cụm giải pháp chính như: Thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định về 5K, các hướng dẫn của ngành Y tế và chính quyền địa phương. Bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình cũng là bảo vệ doanh nghiệp.

Người lao động ủng hộ, hợp tác với cấp quản lý trong thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt là có tinh thần xung phong vào làm việc và ăn ở, sinh hoạt tại doanh nghiệp nếu có yêu cầu để giữ được tối đa khả năng sản xuất, không phải đóng cửa.

Các doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất và sinh hoạt tại chỗ, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để có thể thực hiện ngay khi tình huống xảy ra, kể cả với doanh nghiệp ở các vùng hiện chưa có diễn biến dịch bệnh ở miền Bắc và miền Trung. Nhất là với hệ thống sợi, dệt cần có phương án đảm bảo trên 80% lao động có thể làm việc và sinh hoạt tại chỗ.

“Đồng thời tập đoàn cũng kêu gọi toàn thể người lao động đoàn kết, sáng tạo, chia sẻ với nhau và với doanh nghiệp để cùng vượt qua thử thách, đảm bảo doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững”, ông Lê Tiến Trường cho hay./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận