Xuất khẩu tăng mạnh
Sáng 30-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, thời gian quan, Bộ NN&PTNT đã tổ chức phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển; phân phối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các loại nông sản vào mùa thu hoạch lớn, trong điều kiện dịch Covid-19, không để xảy ra tình trạng được mùa rớt giá đối với lúa, trái cây hoặc ùn ứ sản phẩm ở biên giới; tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước như: Peru, Australia,..chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ FTA để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như gạo, trái cây, thủy sản, gỗ... tại các thị trường trọng điểm; thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc…, để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường nông sản trong và sau đại dịch Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời.
Nhờ đó, mặc dù chịu tác động từ đại dịch bệnh Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó nông sản chính 10,40 tỷ USD, thủy sản 4,05 tỷ USD, lâm sản 8,7 tỷ USD.
Đóng góp vào thành công đó có những mặt hàng kim ngạch xuất khẩu tăng cao như: cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm… Trong đó, cao su, chè, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm nhưng nhờ giá tăng nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 40,5%. Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD; mây, tre, cói thảm đạt khoảng 447 triệu USD; tôm 1,66 tỷ USD.
Hỗ trợ phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử
Nửa cuối năm 2021, Bộ NN&PTNT phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chính như tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,2%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,2 - 3,5%, trong đó: sản lượng lúa trên 43,19 triệu tấn; sản lượng thịt lợn khoảng 4,1 triệu tấn, thịt gia cầm 1,9 triệu tấn; thủy sản 8,7 triệu tấn; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 3,75%...
Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2021 khoảng 45 tỷ USD (cao hơn kế hoạch Chính phủ giao 3 tỷ USD), ngành nông nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu nông sản chính 21,5 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 14 tỷ USD; thủy sản 8,5 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 1 tỷ USD.
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Bộ NN&PTNT tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp 3 nhóm sản phẩm chủ lực. Tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn trong nước và trên thế giới, có biện pháp kịp thời tránh để tình trạng tăng đột biến về giá cả và không đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp triển khai phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản./.