Vẫn 'nóng' hàng lậu, hàng giả

  • 30/06/2021 03:40:40
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Mặc dù cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng hàng giả, hàng lậu vẫn gia tăng, gây nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

 

Từ kem đánh răng giả mạo đến trà sữa không có nguồn gốc

Nhận được phản ánh của Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh đề nghị kiểm tra và xử lý đơn vị trưng bày, bán sản phẩm “Kem đánh răng Dược liệu Ngọc Châu” có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, không phải là hàng chính hãng, Đội QLTT số 1 đã tiến hành giám sát, thẩm tra xác minh và phát hiện nhà thuốc bán lẻ và nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đang bán hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu.

Sau khi kiểm tra đồng loạt Trung tâm dược phẩm Hapulico - số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội và một số nhà thuốc bán lẻ, cơ sở kinh doanh tại các quận huyện: Quốc Oai, Đông Anh, Cầu Giấy và Hà Đông, Đội QLTT số 1 phát hiện tổng số 1.663 sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số hàng giả mạo kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu đều được thể hiện số lô sản xuất là 303 và phần đuôi tuýp dập sóng song song, hai bên đuôi tuýp không bo viền (để sắc cạnh).

Đại diện Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh chính thức xác nhận, toàn bộ số hàng bị Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội thu giữ là hàng giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu, và đây là lô hàng giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu đầu tiên.

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 1 - cho biết, số hàng hóa này được tiêu thụ trên các kênh bán buôn, bán lẻ thông qua hoạt động kinh doanh truyền thống và kinh doanh online, qua gian hàng “Tổng kho gia dụng giá rẻ - Phan Thảo” trên sàn thương mại điện tử Lazada”.

Tương tự, ngày 24/6, Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường, Hà Nội chủ trì kiểm tra một cơ sở kinh doanh và 3 kho cất giấu hàng hoá thuộc Công ty TNHH Mr. Drink Việt Nam. Qua kiểm tra đã phát hiện hàng tấn nguyên liệu chế biến trà sữa như trân châu, siro hương vị đường đen và đường nâu, bột pha trà sữa mang thương hiệu royal tea, gongcha... không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không có mặt. Nhân viên tại cơ sở đã xuất trình được một số giấy tờ trong đó có giấy đăng ký kinh doanh, tờ khai hải quan và một số hoá đơn chứng từ của một vài chủng loại sản phẩm.

Hàng hoá tại cơ sở chủ yếu là nguyên liệu chế biến đồ uống, đặc biệt là nguyên liệu chế biến trà sữa như trân châu; siro hương vị đường đen và đường nâu, bột pha trà sữa mang thương hiệu Royal Tea, Gongcha... cùng hàng trăm ngàn nhãn phụ hàng hoá. Đây đều là những sản phẩm được giới trẻ ưu chuộng.

Theo quan sát, hàng hoá tại cơ sở kinh doanh và 3 kho hàng được đóng trong các thùng carton và bao tải dứa màu xanh. Nhiều thùng hàng đã bị bật tung, ẩm mốc, hàng đổ vương vãi. Đáng chú ý, dưới nền các kho hàng ngổn ngang rác và các tệp giấy in nhãn phụ.

Khiếu kiện thường dây dưa, kéo dài làm nhụt chí người dùng

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Đội trưởng Đội QLTT số 17, hàng hoá hiện nay chủ yếu được tiêu thụ thông qua nền tảng thương mại điện tử, giao hàng tận nơi. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động giao thương bị ngưng trệ, các hành vi vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại cũng giảm dần. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, số vụ vi phạm tăng lên, phương thức vi phạm cũng tinh vi hơn. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục QLTT Hà Nội, Đội QLTT số 17 đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Đội 17 đang tiếp tục phân loại sản phẩm, kiểm đếm hàng hóa, đối chiếu với hóa đơn chứng từ xuất trình để làm rõ các vi phạm. Ước tính, khối lượng hàng hóa vi phạm lên đến hàng tấn.

Các chuyên gia nhận định, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu còn nhiều đất sống bởi lẽ rất ít vụ người tiêu dùng khiếu nại được nơi bán, hay nơi sản xuất là hàng giả, hàng nhái. Trong khi không có cơ sở kinh doanh nào lại thừa nhận mình buôn bán hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, việc giám định một sản phẩm nghi là hàng giả phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng. Mặc khác khi mua phải hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng khiếu nại thường không thành công bởi nhiều lý do như: không có chứng từ  giao dịch, người kinh doanh không đến hoặc cố tình trốn tránh, không thực hiện hành vi bồi thường… Việc đưa ra tòa án xử thì lại càng hiếm bởi không người tiêu dùng nào muốn dính dáng đến pháp luật. Vả lại khi đưa ra tòa, người tiêu dùng phải nộp án phí, trong khi theo qui định của Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng thì không phải nộp án phí. Tòa cũng không xử theo thủ tục đơn giản nên các vụ khiếu kiện thường dây dưa kéo dài làm nhụt chí người dùng.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, nhiều hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả của các doanh nghiệp Việt Nam được sản xuất tại nước ngoài, thông qua các đường vận chuyển đưa vào tiêu thụ trong nước làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận