Chuyển đổi số không còn là xu thế mà đang khẳng định năng lực, hiệu quả thực tế, định vị giá trị-thương hiệu của những doanh nhân, doanh nghiệp sớm nhận diện và hiện thực hóa công cuộc này. Covid 19 tác động càng cho thấy hoạt động “số hóa” vô cùng quan trọng, và đối với nhiều doanh nghiệp chưa triển khai, đây là thời điểm thuận lợi để vạch rõ lộ trình hoặc tăng tốc chuyển đổi. Có gì cần lưu ý trong tiến trình này?
“Không phải đến nay số hóa hay chuyển đổi số mới xuất hiện ở Việt Nam. Số hóa đã và đang diễn ra trong đời sống thường ngày, trong hoạt động doanh nghiệp - trong toàn nền kinh tế xã hội mà nhiều người không biết, không nhận diện được” - đây là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Đường, Nguyên Phó Cục trưởng Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và truyền thông.
“Giá Grab thay đổi theo từng giờ. Buổi trưa giá khác, chiều giờ tan tầm giá đắt hơn. Giá Grab được quyết định dựa trên cung đường, dựa trên thời tiết và nhiều thứ khác. Không phải cô điện thoại viên quyết định giá mà là máy móc quyết định dựa trên dữ liệu họ thu thập được trên quá trình hoạt động. Khác với Mai Linh. Mai Linh cũng có 1 app nhưng giá không đổi vì họ không có những dữ liệu đấy để thay đổi. Đó chính là trí tuệ nhân tạo, là Data driven” - ông Nguyễn Trọng Đường nêu ví dụ.
Ông Nguyễn Trọng Đường đã nhắc lại ví dụ điển hình - gần gũi và dễ hiểu để chúng ta nhận diện điều gì đã tạo nên những mô hình kinh doanh mới - đó chính là sự sáng tạo. Những doanh nghiệp sáng tạo nên những mô hình kinh doanh mới hoàn toàn có thể nhận được những khoản siêu lợi nhuận, vì tiết giảm được rất nhiều nguồn lực hoạt động kinh doanh: đó là nhân lực, không gian, thời gian, tài chính.
Nhận diện xu hướng này, ở tầm vĩ mô, chỉ trong vòng 2 tháng, Bộ Chính trị ra Nghi quyết 52, Chính phủ ra Nghi quyết 50 về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tứơng Chính phủ ban hành Quyết định 749 về chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Nhiều hoạt động ở tầm vĩ mô đã và đang diễn ra nhằm đạt được những mục tiêu số hóa toàn nền kinh tế. Nhưng không thể phủ nhận, nếu như trong từng doanh nghiệp, từng ngành nghề lĩnh vực, chưa nhận diện được thì mục tiêu sẽ rất xa vời. Ở chiều ngược lại, với những doanh nghiệp nhận diện được và quyết tâm chuyển đổi số, họ nên thực hiện theo lộ trình như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin Đông Nam Á (SEATECH) cho rằng: “Để chuyển đổi số phải xác định được đối tượng người dùng là ai: 1 là người dử dụng nội bộ của bạn, 2 là đối tác khách hàng của bạn. Một dự án chuyển đổi số cần bóc tách rõ xem ứng dụng này nằm ở phần nào trong lộ trình chuyển đổi số, đó là dữ liệu, đó là vấn đề chia sẻ thông tin dữ liệu doanh nghiệp, thứ 3 là quản trị quy trình hoạt động doanh nghiệp. Khi đã xác định được thì sẽ biết cần chuyển đổi số thành phần nào trước và sau.
Với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên chuyển đổi số ở khía cạnh tự động hóa nhập liệu, ví dụ trước đây khi làm việc không số hóa dữ liệu phân tán rất nhiều, bây giờ cần nhập liệu tự động. Cần phải tính bài toán khai thác, chia sẻ dữ liệu đó như thế nào, với ai. Sau đó, tính đến xây dựng quy trình gì để cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đó, xử lý dữ liệu bằng những nghiệp vụ cụ thể của doanh nghiệp. Chuyển đổi số bản chất là quy trình lặp đi lặp lại, không phải làm 1 lần là xong nên cần xác định nhóm ưu tiên phù hợp với doanh nghiệp của mình”.
Không chỉ băn khoăn một lộ trình chuyển đổi số như thế nào là phù hợp, nhiều doanh còn lo lắng chi phí chuyển đổi số sẽ tốn kém bao nhiêu, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 đã tiêu tốn nhiều tiền của?
Ông Ngô Thanh Hiền - Giám đốc giải pháp đám mây và tự động hóa, Tập đoàn Công nghệ IBM, Mỹ, chi nhánh Việt Nam khẳng định, không có mẫu số chung về chi phí phải trả cho hoạt động số hóa này, bởi chuyển đổi số phụ thuộc 6 trụ cột: tệp khách hàng, dữ liệu, nền tảng công nghệ, chiến lược, vận hành và văn hóa doanh nghiệp. Có một điều chắc chắn là càng triển khai sớm, chi phi bỏ ra càng ít vì lợi nhuận thu được sẽ sớm hơn.
“Doanh nghiệp càng nhỏ chuyển đổi số càng dễ. Có những doanh nghiệp chỉ có khoảng 20 nhân công nhưng số hóa toàn bộ, từ văn phòng không giấy tờ cho đến mọi quy trình. Các dữ liệu vào ra doanh nghiệp đều tự động hóa. Cho nên, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có áp dụng chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, quản lý tập trung giấy tờ văn bản vào ra của doanh nghiệp. Và giúp chúng ta bố trí những người có kinh nghiệm vào những công việc quan trọng hơn” - ông Ngô Thanh Hiền nêu quan điểm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chọn lựa các đối tác có kinh nghiệm ngay từ đầu: đầu tiên, cần là những đối tác hiểu nghiệp vụ doanh nghiệp, để họ có thể triển khai xây dựng những hệ thống ứng dựng phù hợp. Kế đến, nên lựa chọn những đối tác hiểu biết về công nghệ, giúp doanh nghiệp thiết lập được những tính năng, công cụ hữu hiệu, vận hành đạt hiệu quả tốt.
Trong trường hợp chưa tiếp cận được với 2 điều kiện vừa nêu, hãy lựa chọn đối tác có cam kết đồng hành tốt nhất vì họ sẽ sẵn sàng đầu tư xây dựng dự án, để giúp doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu./.
Thu Trang/VOV1