Kích hoạt giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh Covid

  • 20/05/2021 11:24:40
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Covid - 19 bùng phát đúng vào thời điểm nông sản chủ lực đang vào vụ thu hoạch cao điểm, Bộ NN&PTNT đã kích hoạt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ 'nút thắt' trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

 

Nhiều “nút thắt” được điểm danh

Bộ NN&PTNT nhận định, bên cạnh kết quả tích cực ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể:

Thứ nhất, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN vừa và nhỏ, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp khó tiếp cận các gói tín dụng có lãi suất thấp. Nghiên cứu của TS Đỗ Liên Hương, Phó trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn cho thấy, tất cả doanh nghiệp, HTX được phỏng vấn đều trả lời không nhận được hỗ trợ, nguyên nhân chính là do thiếu thủ tục và điều kiện phức tạp. Điều kiện để DN được hưởng hỗ trợ về Bảo hiểm xã hội (BHXH) là “50% số lao động thuộc diện đóng BHXH của DN phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh”. Tuy nhiên, nếu DN đáp ứng điều kiện này thì gần như phá sản và không thể vực lại sau đại dịch Covid-19, do đó sẽ không tiếp cận hỗ trợ này. Ngoài ra, cũng không có tiêu chí hay thước đo cụ thể nào hướng dẫn DN chứng minh thiệt hại 50%. Thiệt hại có thể đều ở tương lai, ví dụ như hàng tồn kho, hợp đồng bị tạm ngưng và việc chứng minh thiệt hại có thể kéo dài hàng năm.

Chính sách cho phép DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chỉ áp dụng đối với khoản vay tiền VNĐ mà không áp dụng cho các khoản vay USD. Trong khi các DN xuất khẩu thì nhu cầu vay vốn bằng tiền USD rất nhiều.

Nhiều giải pháp đã được kích hoạt để gỡ “nút thắt” trong tiêu thụ nông sản.    Ảnh: Hà Nguyên

Thứ hai, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận suy giảm do đó áp lực chi phí, phí, thuế với DN rất lớn. Ngoài ra, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần, DN còn phải chịu chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn tồn do ứ đọng hàng hóa.

Thứ ba, hệ thống kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm.

Thứ tư, thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển. Một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật.

Thành lập các tổ liên Bộ

Tại Hội nghị Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngành nông nghiệp sẽ vừa tập trung sản xuất, vừa bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Thành lập các tổ liên Bộ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến sản xuất cũng như cửa khẩu.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề xuất: Bộ Công Thương chỉ đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường. Chỉ đạo các cơ quan chức năng về hải quan, kiểm dịch xem xét kéo dài thời gian làm việc trong ngày, tổ chức làm ngoài giờ nhằm hỗ trợ thực hiện cấp phép, thông quan hàng hóa, tránh tắc nghẽn tồn đọng lâu ngày. Các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… giảm chi phí bảo quản.

Bộ Tài chính triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các DN như: Miễn giảm tiền thuê đất và giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện; tham mưu Chính phủ có các gói kích cầu kịp thời nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước.

NHNN Việt Nam nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất...

Ở góc độ địa phương, một số tỉnh đã hỗ trợ đưa nông sản vào chế biến sâu, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tập huấn cách bán hàng trên chợ online. Nhiều mặt hàng nông sản được hỗ trợ lên sàn như đặc sản hành tím của xã Vĩnh Châu được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Viettel Post. Tiki triển khai thử nghiệm mô hình “từ nông trại đến bàn ăn”. Trên sàn Lazada, vải thiều trứng Thanh Hà (Hải Dương), loại vải tiến vua được trồng theo hướng hữu cơ, rao bán với giá 150.000 đồng/kg. Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ đưa nông sản vào chế biến sâu, hiện tỉnh đã ký cam kết với một số nhà máy chế biến rau quả trên địa bàn về việc đưa 20.000 tấn xoài vào chế biến.../.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận