Hỗ trợ doanh nghiệp khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao

Đại dịch Covid-19 khiến cho doanh nghiệp Việt Nam phải chịu khó khăn kép: vừa căng mình chống dịch vừa chịu giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Đại dịch Covid-19 khiến cho doanh nghiệp Việt Nam phải chịu khó khăn kép: ở trong nước, kinh tế chưa được phục hồi hoàn toàn đã căng mình chống dịch, nhiều địa phương phải ra những quyết định thận trọng để vừa chống dịch vừa không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, trừ một số ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao. Trong khi đó, ở bên ngoài, việc tiêm vaccine trên diện rộng cộng với gói kích thích kinh tế đã giúp cho nhiều quốc gia bắt đầu phục hồi nền kinh tế, dẫn tới giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Các báo cáo của  Bộ Công Thương cho biết, giá xăng nhập khẩu chu kỳ này lại tiếp tục tăng 3 USD/thùng so với 15 ngày trước đó, có lúc lên 78 USD, giá xăng dầu tăng sẽ có thể dẫn tới tăng giá một số loại chi phí, hàng hóa, dịch vụ. Ở các nhóm hàng khác, tăng giá nguyên liệu đầu vào là diễn biến chính khiến doanh nghiệp Việt càng thêm bất lợi. Cụ thể là giá thức ăn chăn nuôi tăng 15 - 30%, bao bì tăng 15 - 20%, giá gỗ nguyên liệu chưa qua xử lý cũng tăng 15 - 40%. Giá phế liệu và quặng sắt đã tăng hơn gấp đôi trong 6 tháng qua. Theo Bloomberg, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới bắt đầu tăng từ tháng 10 năm 2020, từ đầu năm 2021 tăng bình quân 30 - 35%.

Tổng cục Thống kê cho biết: giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (chiếm tỷ trọng 80 - 85% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam) và giá thành phẩm nhập khẩu đều tăng xấp xỉ 7%, gây sức ép lên ngành chăn nuôi trong nước kih mà lượng tiêu thụ vẫn trong chiều hướng giảm. Giá nguyên liệu đầu vào ngành gỗ ở thị trường nội địa đang tăng 15 - 20%, trong khi chi phí logistics tiếp tục ở mức cao nên dù doanh thu ngành gỗ tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận lại thấp.

Đáng chú ý nhất là giá thép đã tăng 40 - 50% khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn. Đây là mức tăng rất bất thường, đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Tại cuộc họp về điều hành giá mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước, đặc biệt là đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Tương tự, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên tăng sản lượng thép, đồng thời tổ chức lại hệ thống phân phối để ổn định nguồn cung trong nước, tiết giảm chi phí sản xuất, ưu tiên sử dụng nguyên liệu, thép thô trong nước, thay vì nhập khẩu giá cao. Mặc dù sản lượng thép 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2020 đã tăng 17,4% đối với thép thô và gần 62% với thép cán nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và kéo giá thép xuống.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp, bản thân cộng đồng doanh nghiệp của từng nhóm ngành đang tìm cách thoát khỏi khó khăn khi giá nguyên liệu tăng cao như tìm nguồn nguyên liệu trong nước và các nguyên liệu thay thế giá cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp nỗ lực mua nguyên liệu dự trữ để tránh tăng giá tiếp, nhưng đây cũng là quyết định có tính hai mặt bởi sẽ gặp rủi ro cao nếu giá đi xuống.

Tổng cục Thống kê nhìn nhận, đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, nên cùng với nỗ lực tự thân, họ rất cần cơ quan quản lý nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu, giảm chi phí vận chuyển, lưu kho bãi để giảm giá thành. Cần chính sách hỗ trợ thiết thực về thuế, về ưu đãi vốn vay, về thủ tục hành chính để có thể phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh; đồng thời có những biện pháp kiểm soát thị trường chặt chẽ để kịp thời phát hiện tình trạng “bắt tay làm giá” (nếu có) nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính./.

Bình luận

    Chưa có bình luận