Công nghiệp điện tử: Cần xác định sản phẩm cốt lõi

  • 20/05/2021 00:30:29
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Việt Nam nằm trong số các nước xuất khẩu điện tử lớn trên thế giới nhưng có đến 95% giá trị xuất khẩu thuộc doanh nghiệp FDI. Chính vì vậy, ngành công nghiệp điện tử cần xác định sản phẩm cốt lõi có sức đột phá để phát triển.

 

Tỷ lệ nội địa hóa mới đạt 5-10%

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, thời gian qua sản xuất kinh doanh sản phẩm điện tử nhìn chung tăng trưởng khá cao. Năm 2019, sản lượng điện thoại di động đạt 215,2 triệu cái; ti vi 14.626 nghìn. Năm 2019 hầu hết các sản phẩm ngành điện tử tăng trưởng khá cao, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong 9 tháng năm 2020, sản lượng điện thoại di động và ti vi sản xuất trong nước lần lượt là 163,4 triệu và 13.004,2 nghìn. Đáng chú ý, giá trị xuất ngành điện tử năm 2019 của Việt Nam đạt trên 87 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn từ 2010-2019 trên 50%, cao nhất thế giới. Tính hết tháng 9/2020, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử ước đạt khoảng 69 tỷ USD, trong đó điện thoại di động và linh kiện ước đạt hơn 36,6 tỷ USD, máy tính và linh kiện máy tính hơn 32,2 tỷ USD.

Báo cáo của Cục Công nghiệp cũng chỉ ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành thiết bị truyền thông với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2019 là 62%. Nhóm ngành thiết bị điện tử dân dụng tăng trưởng bình quân hơn 35%. Song, năng lực các doanh nghiệp nội địa còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Mặc dù trên thị trường nội địa gần đây xuất hiện một số thương hiệu điện thoại mới như BPhone, Vietel... tuy nhiên thị trường điện tử, điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh. Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%.

Năm 2014, khi Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện mà doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm GalaxyS4 và Tab. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các công ty Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ không thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của Samsung, dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất. Sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước có tham gia vào chuỗi giá trị, nhưng đa số chỉ cung cấp được các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghiệp thấp.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này này là do năng lực các doanh nghiệp nội địa còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt.

Những tín hiệu vui…

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, điện tử là sản phẩm mang hàm lượng công nghệ rất cao, các yếu tố cấu thành rất nhiều và phức tạp. Do vậy, chuỗi cung ứng của nó cũng sẽ trải dài đến một số quốc gia. Tại Việt Nam, từ trước đến nay, các doanh nghiệp sản xuất điện tử chủ yếu đến từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng những năm gần đây, Việt Nam đã có những nhà sản xuất là ODM (sản xuất theo đơn đặt hàng) của các doanh nghiệp điện tử lớn.

Việt Nam trở thành nơi đặt nhà máy của một số hãng công nghệ lớn như Samsung, LG, Canon, Intel... với số vốn hàng tỷ USD. Mới đây, Foxconn đã chính thức đầu tư dự án sản xuất iPad và MacBook trị giá 270 triệu USD tại Bắc Giang. Foxconn dự kiến tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và đặt mục tiêu doanh thu 40 tỷ USD tại Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành điện tử có cơ hội tăng trưởng và phát triển.

Thời gian qua, các nhà cung ứng nội địa và bản thân các DN trong nước cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Như Samsung Việt Nam, số nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt cho Samsung đã tăng đáng kể từ 4 nhà cung ứng năm 2014 lên 35 nhà cung ứng năm 2018. Panasonic Việt Nam hiện cũng có 4 doanh nghiệp Việt Nam cung ứng sản phẩm và giá trị cung ứng chiếm khoảng 10% giá trị linh kiện đầu vào. Canon Việt Nam cũng liên tục tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hoá.

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững ngành điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết sản xuất với các tập đoàn FDI công nghệ cao. Trong đó, các doanh nghiệp phải đáp ứng được ba điều kiện là chất lượng, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Cần tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử, tạo cơ hội dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng. Bên cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp điện tử cần chú trọng hơn tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả. Mỗi doanh nghiệp cần tự xác định những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp, đồng thời tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới, trên cơ sở đó tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận