Thách thức đối với nông sản Việt trong bối cảnh Covid - 19

  • 29/04/2021 12:31:44
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Bên cạnh những cơ hội đem lại nhờ kiểm soát tốt dịch Covid -19 việc mua bán nông sản Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách.

 

Chi phí đầu vào tăng ngoài tầm kiểm soát

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến sản xuất nông sản tại nhiều nước trên thế giới bị đứt gãy. Đặc biệt, một số cường quốc hàng đầu về cung ứng mặt hàng này như Braxin, Thái Lan, Ấn Độ…cũng gặp khó khăn. Tổng lượng cung trên thế giới đang không đáp ứng đủ cầu. Với lợi thế từ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhiều chuyên gia đánh giá đây là cơ hội để nông sản của Việt Nam lấp đầy khoảng trống này, lấy lại sân chơi đã bị bỏ ngỏ.

Bà Đỗ Liên Hương, Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), chia sẻ kết quả nghiên cứu về cơ hội và thách thức đối với thương mại nông sản Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đối với 3 ngành hàng gồm lúa gạo, thủy sản và trái cây, đó là: đại dịch là cơ hội cho ngành gạo, đặc biệt là cơ hội tiếp cận thị trường mới khi cung thế giới khan hiếm. Xuất khẩu gạo tăng do nhu cầu tăng, dẫn tới giá tăng và kim ngạch tăng. Tuy nhiên, thị trường gạo bị kiểm soát cả phía cung và cầu nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chủ yếu xuất khẩu gạo có chất lượng trung bình. Còn xuất khẩu thủy sản và trái cây giảm do chuỗi cung ứng đứt gãy, vận chuyển gián đoạn, chi phí cao… Thương mại nông sản tuy giảm nhưng thấp hơn mức giảm của thương mại hàng hóa chung, bởi lương thực thực phẩm là mặt hàng thiết yếu.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản năm 2020 giảm 1,9% so với năm 2019. Tác động lớn nhất của đại dịch Covid-19 đối với xuất khẩu thủy sản là chi phí đầu vào tăng, thiếu lao động trầm trọng do giãn cách xã hội, công suất sản xuất vì thế giảm mạnh. Quý I/2021, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu tăng trưởng, với mức tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân được cho là kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh ở hầu hết các sản phẩm và thị trường.

Dự báo về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu; các nước khu vực châu Á và một số nước sản xuất cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan vẫn đang đối phó với dịch Covid-19 nghiêm trọng. Từ đó, thêm cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh sản xuất - xuất khẩu giành thị phần. Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh xuất khẩu sẽ vẫn bị tác động bởi các gói cước vận chuyển và các chi phí đầu vào tăng ngoài khả năng kiểm soát.

Đa số thành viên trong VASEP đang rất lo lắng về tình trạng thiếu container, thiếu tàu, thiếu phương tiện vận chuyển dù đang có nhiều cơ hội lớn trong xuất khẩu. Đơn cử, sau khi thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam -Vương quốc Anh (UKVFTA), xuất khẩu rau quả vào thị trường Anh tăng khoảng 20%. Nhưng việc thuế giảm hiện nay hầu như không có ý nghĩa gì so với chi phí logistics tăng quá cao. Trước đây, cước chỉ là 2.000 USD/container, thì hiện nay chi phí tăng lên tới 6.000 đến 8.000 USD/container. Cước tăng như vậy, giá thành hàng hóa quá cao khó có thể cạnh tranh với nhiều hàng nông sản ở thị trường này.

Kiểm soát tốt dịch Covid-19 tạo cơ hội cho nông sản Việt Nam phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2018 liên tục tăng với tốc độ từ 20 - 40%. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả lại sụt giảm do chiến tranh thương mại, đại dịch Covid-19...

Theo tìm hiểu, rào cản lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả là chi phí bỏ ra cho dịch vụ hỗ trợ. Hiện có 6 loại quả đã được thị trường Mỹ đón nhận nhưng cả nước mới chỉ có một cơ sở chiếu xạ được công nhận đủ tiêu chuẩn là Nhà máy chiếu xạ của Công ty TNHH Sơn Sơn (ở TPHCM), nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Mặc dù TPHCM đang có thêm một nhà máy chiếu xạ rau quả xuất khẩu nhưng chưa chính thức được phía đối tác công nhận. Trong khi đó, ở miền Bắc, một trung tâm của Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) muốn thực hiện việc này để hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng vướng cơ chế.

Ứng phó và đề xuất hỗ trợ

Trước diễn biến phức tạp của thị trường, một số giải pháp được đưa ra như: phát triển vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn; ưu tiên sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ; tạo điều kiện cho việc áp dụng khoa học, công nghệ giúp sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh. Về chế biến, đặc biệt quan tâm sản phẩm đông lạnh và đóng hộp để phù hợp yêu cầu nước nhập khẩu; tìm thị trường mới để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chú trọng hơn tới thị trường nội địa và xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Theo bà Đỗ Liên Hương, cần chuyển từ quan hệ buôn bán sang quan hệ đầu tư, chuyển từ hợp đồng mua bán sang hợp đồng hợp tác đầu tư, sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, giúp giải quyết hạn chế do sản xuất quy mô nhỏ, cơ giới hóa thấp, ít áp dụng khoa học kỹ thuật, chế biến không phát triển được, chưa tuân theo tiêu chuẩn, hiệu quả sản xuất thấp…

Bên cạnh đó, bà Hương cũng đề xuất, cần nhất quán trong ban hành, và thực thi chính sách để tận dụng cơ hội thị trường và thu lợi từ xuất khâu nông sản. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp như kho, thiết bị cho hệ thống logictics chuyên biệt, đầu tư chế biến sâu, tăng cường dự báo, đàm phán, xử lý tranh chấp, xây dựng thương hiệu,…

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ, liên kết vùng, địa phương, tạo thành chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả cao.

Các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung cho sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, thực hành như: VietGAP, GlobalGAP… trong sản xuất, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm hữu cơ trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp để tạo ra khối lượng lớn sản phẩm với chất lượng cao cho chế biến và xuất khẩu.
Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin thị trường về các quy định phải tuân thủ khi nhập khẩu sản phẩm vào thị trường nước ngoài, hướng dẫn, huấn luyện, đào tạo nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, nhà doanh nghiệp để giảm thiểu những trục trặc và rủi ro khi tham gia vào hoạt động sản xuất, nhập khẩu rau quả.

Nhà nước cần có những biện pháp kích thích kinh tế hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Ông Đậu Tuấn Anh, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ theo hướng dễ tiếp cận và hiệu quả hơn như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giãn thuế, gia hạn nộp thuế; giảm hoặc gia hạn khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, phí công đoàn./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận