Nông sản Việt chinh phục thị trường Anh

  • 15/04/2021 12:26:58
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) bước đầu tạo cú hích lớn, gia tăng sức cạnh tranh cho nhiều nông sản thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Anh.

 

Nhiều mặt hàng có sức cạnh tranh cao

Sau khi Hiệp định UKVFTA được áp dụng tạm thời vào 1/1/2021 trước khi có hiệu lực chính thức vào 1/5 tới đây, hàng hoá xuất khẩu sang Anh ghi nhận tăng mạnh. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản giữ vững mức tăng ổn định và tích cực trong tháng 1, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái; mặt hàng rau quả đạt 1,04 triệu USD, tăng 148,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản chủ lực được đánh giá có sức cạnh tranh về giá cả, chất lượng và còn nhiều dư địa phát triển tại thị trường Anh. Cụ thể:

Về các sản phẩm đồ gỗ, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 6 vào thị trường Anh với giá trị xuất khẩu 421,8 triệu USD, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu của thị trường này. Riêng mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, trong 10 tháng năm 2020, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 3 cho Anh với giá trị 224 triệu USD. Sản phẩm gỗ Việt Nam được thị trường Anh đón nhận bởi giá cả thấp trong khi nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao. Một số công ty lớn trong ngành gỗ tại Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc ký hợp đồng đối tác dài hạn với các nhà sản xuất tại Việt Nam như Công ty IKEA là nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất thị phần lớn nhất tại Anh.

Về thủy sản, Vương quốc Anh đang là một trong 10 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với thị phần xuất khẩu đạt hơn 4% vào năm 2020 (năm 2015 đạt 1,03%). Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước thành viên EU giảm mạnh nhưng riêng thị trường Anh vẫn tăng trưởng cao.

Nổi bật phải kể đến mặt hàng cá tra đông lạnh. Tính đến nửa đầu tháng 2/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đạt 3,89 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo trong các tháng tiếp theo, xuất khẩu cá tra sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương hai con số so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam đang là đối tác cung cấp hàng đầu có mức giá phù hợp và nhiều doanh nghiệp cá tra có quy trình chế biến đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU và Anh.

Bên cạnh đồ gỗ, thuỷ sản, nhiều mặt hàng nông sản như gạo, rau quả, cà phê… còn nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh.

So với nhu cầu, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Anh hiện mới ở mức 0,2% thị phần. Với lợi thế từ hiệp định UKVFTA, thuế nhập khẩu các loại gạo thơm của Việt Nam vào Anh giảm từ 17,4% xuống 0% trong phạm vi hạn ngạch thuế quan và tiềm năng là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, có nhiều giống lúa cho gạo chất lượng cao, trong thời gian tới gạo Việt Nam sẽ nhanh chóng mở rộng thị phần tại Anh.

Anh đang là một trong 10 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Bên cạnh đó, xuất khẩu rau củ quả từ Việt Nam sang Anh chỉ chiếm thị phần 0,05% và chưa tới 8,5 triệu USD trong năm 2019. Hiệp định UKVFTA xóa bỏ 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… kỳ vọng lượng rau, quả xuất khẩu vào Anh ngày một tăng.

Quản lý tốt chất lượng

Bên cạnh những lợi thế từ hiệp định UKVFTA, thách thức đặt ra đối với nông sản Việt không phải là nhỏ, bởi Anh là thị trường khó tính. Anh áp dụng tiêu chuẩn của EU, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các sản phẩm hóa chất dùng trong nông nghiệp. Nông sản nhập khẩu chỉ được phép thông quan nếu có mức dư lượng hóa chất dưới ngưỡng tối đa cho phép (MRL) đối với từng loại sản phẩm.

Đại diện Bộ Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen cho biết: "Để có thể mở rộng thị phần tại Anh, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả phải đáp ứng các quy định pháp luật của Anh về an toàn vệ sinh thực phẩm, giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu thấp, kiểm dịch thực vật, giống cây biến đổi gien, khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng".

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, Hiệp định UKVFTA giúp rau quả Việt Nam có được lợi thế về thuế quan. Tuy nhiên, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của thị trường này rất khắt khe nên cần kiểm soát kỹ hàng hoá xuất khẩu để tránh rủi ro. Những doanh nghiệp có thế mạnh về vùng nguyên liệu, quản lý tốt về chất lượng sẽ chiếm lĩnh thị trường ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam đánh giá, Hiệp định UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những chứng chỉ về môi trường, lao động…

 

Bình luận

    Chưa có bình luận