Bong bóng bất động sản đang phập phồng

Tạp chí phố Wall) mới đây cho thấy, nguy cơ bong bóng bất động sản có thể xảy ra trên thế giới...

Một thông tin vừa được đăng trên The Wall Street Journal (WSJ - Tạp chí phố Wall) mới đây cho thấy, nguy cơ bong bóng bất động sản có thể xảy ra trên thế giới, khi ở nhiều quốc gia, giá nhà đất đang tăng chóng mặt, song song với việc chứng khoán liên tục tăng giá còn giá vàng lao dốc không phanh.

Nguyên nhân được lý giải là giá bất động sản tại thời điểm trước đại dịch Covid-19 đã rất cao do nhiều nước áp dụng lãi suất thấp trong thời gian dài, đẩy nhu cầu mua nhà đi lên. Áp lực càng tăng thêm khi các nước đổ hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế nhằm làm giảm tác động tiêu cực của đại dịch, đồng thời giãn cách xã hội khiến hành vi mua sắm thay đổi.

Theo thông tin từ WSJ, năm 2020, giá nhà đất tại đặc khu Thâm Quyến, Trung Quốc, tăng 16%;  tại New Zealand giá nhà trung bình tháng 2 tăng 23%; giá bất động sản tại Sydney (Australia) lập đỉnh; tại các nước giàu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) giá nhà năm 2020 tăng kỷ lục 5% - nhanh nhất trong gần 20 năm qua; giá nhà tại Hà Lan đã tăng 7,8%; giá nhà đất ở Mỹ cũng tăng mạnh; Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada cảnh báo có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường này đang tăng quá mức. Ông Karsten Biltoft - trợ lý thống đốc Ngân hàng Trung ương Đan Mạch - đánh giá: “Giá nhà tăng 5 - 10% mỗi năm là không bền vững”.

Thực tế này cũng đang diễn ra ở Việt Nam. Theo giới kinh doanh bất động sản, so với giữa năm 2020, giá nhà đất tùy từng khu vực đã tăng khoảng 10 - 20%. Đặc biệt, phân khúc nhà ở giá trung bình dưới 20 triệu đồng/m2 gần như “biến mất” khỏi thị trường. Khi chứng khoán tăng giá và có nhiều cơ hội thiết lập đỉnh mới còn giá vàng liên tục tuột dốc thì tiền lãi thu được từ chứng khoán lại được đổ vào giỏ bất động sản và càng đẩy giá lên cao.

Việc người dân vay vốn để mua bất động sản đã trở thành mối lo không phải chỉ với các ngân hàng thương mại ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đều muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Liệu có xảy ra tình trạng khủng hoảng bong bóng bất động sản khiến hàng loạt ngân hàng đổ vỡ như năm 2008 hay không? Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, hiện người mua nhà, ngân hàng và các chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc xử lý bong bóng bất động sản, nên sẽ có động thái kịp thời để giảm nhiệt nếu thấy bong bóng có nguy cơ vỡ.

Còn ở Việt Nam, Bộ Xây dựng khẳng định khó xảy ra bong bóng bất động sản trên diện rộng, vì thu nhập của người dân và nguồn tiền của các nhà đầu tư còn đang bị ảnh hưởng của Covid-19. Đặc biệt, phân khúc bất động sản du lịch gần như đóng băng do thị trường hàng không và du lịch quốc tế chưa mở lại, du khách trong nước cũng e ngại do Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn.

Tuy nhiên, không thể không nhìn nhận rõ ràng về một nguy cơ là bong bóng bất động sản đang phập phồng. Thời gian sắp tới, chắc chắn giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng khi vaccine ngừa Covid-19 được tiêm trên diện rộng, hộ chiếu vaccine được nhiều quốc gia công nhận, kinh tế thế giới và Việt Nam dần dần được phục hồi. Tương tự thị trường vàng, thông tin ảo, nhu cầu ảo về bất động sản khiến những nhà đầu tư lướt sóng, không chuyên nghiệp, đoản vốn và thiếu tỉnh táo sẽ mất đi những khoản tiền rất lớn./.

Bình luận

    Chưa có bình luận