Bộ TN&MT đề xuất không sửa nghị định vì lo ngại tạo 'kẽ hở' giao đất sai đối tượng

VOV.VN - Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, không thể sửa Điều 60 Nghị định số 25/NĐ-CP vì sẽ tạo thêm 'kẽ hở' cho giao đất, thuê đất sai đối tượng.

 

Đối tượng được giao đất phải là nhà đầu tư trúng thầu

Trong góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, Bộ TN&MT đề xuất không sửa điều 60, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư trúng thầu.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, có rất nhiều việc sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, một trong những sai phạm đó là việc cố tình hiểu sai quy định pháp luật, suy diễn luật pháp về đất đai của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương dẫn đến việc “tạo cơ hội” cho một số đối tượng sau khi trúng thầu nhưng không thực hiện dự án mà dưới “vỏ bọc” thành lập Công ty thực hiện dự án, “bán đất” khi chưa thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

"Và khi chính quyền địa phương đặt bút ký giao đất, đồng nghĩa với việc đã “giao đất không đúng đối tượng”, vi phạm pháp luật để lại nhiều hệ lụy cho xã hội", đại diện Bộ TN&MT nhấn mạnh.

Theo quy định của Luật đất đai, việc giao đất, cho thuê đất sau khi đã có văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành ký kết hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn hoặc với nhà đầu tư được lựa chọn và doanh nghiệp dự án. Song trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chỉ được thực hiện với nhà đầu tư trúng thầu.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2, Điều 60, Nghị định 25 chỉ có duy nhất đối tượng giao đất, cho thuê đất là nhà đầu tư trúng thầu và đảm bảo phù hợp với đối tượng có nhu cầu sử dụng đất để được giao đất cho thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Theo kết quả rà soát của Bộ TN&MT, đối với Luật đất đai, thì đất chỉ được giao cho nhà đầu tư trúng thầu. Việc này Bộ TN&MT luôn khẳng định quan điểm của mình trong các văn bản trả lời của địa phương.

Bộ TN&MT đề xuất không sửa nghị định vì lo ngại tạo “kẽ hở” giao đất sai đối tượng.

Không thể sửa nghị định mới lại tạo thêm “kẽ hở”

Bộ TN&MT cho biết, tại khoản 3 Điều 58 của Luật đất đai năm 2013 quy định người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện: Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Khi thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cơ quan có thẩm quyền đã xác định năng lực và các điều của nhà đầu tư khi tham gia đấu thầu.

"Trong trường hợp Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập thì sẽ xảy ra trường hợp không kiểm soát được các điều kiện của doanh nghiệp dự án theo quy định tại Điều 58 của Luật Đất đai 2013 dẫn đến việc giao không đúng đối tượng", đại diện Bộ TN&MT cho hay.

Theo đại Bộ TN&MT, khi tham gia dự án, nhà đầu tư phải cam kết về các điều kiện để thực hiện dự án nếu được lựa chọn làm chủ đầu tư.

"Trường hợp Doanh nghiệp dự án được giao đất nhưng không thực hiện các nghĩa vụ và cam kết của nhà đầu tư trúng đấu thầu, trong đó có nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại hồ sơ mời thầu thì cơ quan có thẩm quyền khó xử lý nhất là doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần. Sẽ có trường hợp doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập dưới hình thức Công ty Cổ phần, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư chiếm tỷ lệ ít, sau đó rút vốn, nếu được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất với diện tích trong dự án trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất, nhất là tại các dự án bất động sản", đại diện Bộ TN&MT lo lắng với các tình huống có thể xảy ra.

Do đó, trường hợp chuyển nhượng dự án mà bản chất là chuyển nhượng sử dụng đất mà chưa đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 194 của Luật đất đai 2013 quy định “Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê” là trái pháp luật.

Bên cạnh đó, không loại trừ trường hợp, Nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp thực hiện dự án không phải là 100% vốn của Nhà đầu tư (pháp luật về doanh nghiệp cho phép) dễ dẫn đến hình thành doanh nghiệp lớn chuyên đi đấu thầu để thực hiện dự án, sau đó chuyển nhượng dự án mà bản chất là đi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp không đủ điều kiện đấu thầu dự án thực hiện mà không chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng đất trong quá trình thực hiện dự án như đã cam kết làm cho việc đấu thầu có thể dẫn đến độc quyền, thiếu cạnh tranh minh bạch, thất thu ngân sách./.

Văn Ngân/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận