Không để tình trạng 'ngâm' hồ sơ, nhũng nhiễu doanh nghiệp

TPHCM sẽ giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay.

 

Năm 2021 được TPHCM xác định là “Năm thực hiện chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Đây cũng chính là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước khi đến làm ăn tại thành phố. Mới đây, tại buổi gặp gỡ với các DN, lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN.

Thủ tục hành chính vẫn chậm

UBND TPHCM vừa trao Giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư cho 15 dự án của DN trong nước và ngoài nước với số vốn hơn 60.700 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án thuộc lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ vi mạch và y tế kỹ thuật cao… Đặc biệt có dự án của DN Nhật Bản sản xuất quả lọc thận nhân tạo với số vốn 270 triệu USD, đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thiết bị này. Điều đó cũng chứng tỏ nhiều DN trong và ngoài nước rất quan tâm đầu tư ở TPHCM.

Tuy nhiên, hiện nay không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước cho rằng, thủ tục đầu tư ở TPHCM còn chậm, nhất là liên quan đến đất đai, xây dựng… và đề nghị thành phố nhanh chóng tháo gỡ. Cụ thể, tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, có những trường hợp DN vướng thủ tục suốt 3 năm nên chưa khởi công được dự án, trong khi DN khác đầu tư vào tỉnh lân cận cùng thời gian đó thì nhà máy đã đi vào hoạt động.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện TPHCM cho biết, có những doanh nghiệp thuộc Hội đã được cấp phép đầu tư vào Khu Công nghệ cao của thành phố từ năm 2017 - 2018, nhưng do vướng giấy phép xây dựng nên đến nay chưa khởi công được dự án.

“Trong Hội Doanh nghiệp có 1 loạt DN phía Bắc đầu tư vào thành phố, họ cho rằng, thủ tục đầu tư vào thành phố quá chậm. Trong khi đó, các DN đầu tư ở các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Dương, thủ tục nhanh hơn, còn vào TPHCM mọi thứ đều chậm", ông Tống cho biết.

Cần minh bạch thông tin

Không chỉ DN trong nước mà các DN đầu tư nước ngoài cũng than phiền thủ tục hành chính ở TPHCM còn chậm. Một số DN đầu tư vào Khu Công nghệ cao thành phố thời gian gần đây, khi làm thủ tục mất khoảng vài tháng. Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, thủ tục hành chính khá phức tạp và liên quan đến nhiều sở, ban ngành nên việc xin cấp phép đầu tư, xây dựng… thường bị kéo dài. Đặc biệt về quỹ đất, các DN rất khó tìm quỹ đất lớn, nhất là tại Khu Khu Công nghệ cao TPHCM.

“Cần cải cách chính sách 1 cửa cho các nhà đầu tư thông thoáng hơn về các thủ tục hành chính, ví dụ như xây dựng, quy hoạch, môi trường… Tuy nhiên, thực tế có những khó khăn liên quan đến Trung ương, rất mong thành phố kiến nghị để có giải pháp tháo gỡ cho DN”, Bà Hồ Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam kiến nghị.

Còn bà Mary Tanowka, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Hòa Kỳ tại Việt Nam (AmCham -Việt Nam) cho rằng, TPHCM cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình cấp phép đầu tư, đặc biệt tại TP Thủ Đức. TPHCM cần đầu tư thêm hạ tầng cảng, logistics, xử lý chất thải, nước thải… Với kế hoạch sử dụng đất, thành phố cần minh bạch hơn để doanh nghiệp dễ tiếp cận.

Về việc xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, bà Mary Tanowka cho hay, một số DN xin gia hạn giấy phép lao động chưa thuận lợi về thủ tục. Người lao động nước ngoài đã làm việc lâu dài ở thành phố nay gia hạn giấy phép này nên đơn giản thủ tục, dù làm theo quy định mới hay quy định cũ.

Doanh nước ngoài trao đổi với lãnh đạo UBND TPHCM về việc cải thiện môi trường đầu tư.

10 giải pháp gỡ khó khăn cho DN

Để tháo gỡ nhanh những vướng mắc cho các DN, 3 năm trước TPHCM đã cho ra đời Tổ công tác đầu tư. Tổ này do Chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng đã có nhiều hoạt động tích cực. Đây là mô hình đầu tiên của cả nước nhằm đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên địa bàn thành phố. Tính đến nay, Tổ công tác đã kết luận và có hướng xử lý vướng mắc cho 92 dự án liên quan đến bất động sản, phát triển hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh….

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thời gian tới, 10 nhóm giải pháp đang được UBND thành phố và các cấp ngành đưa ra. Trong đó có việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu trên 60% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; ban hành các cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành trong việc giải quyết thủ tục thầu, lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất.

Đồng thời, TPHCM sẽ công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng và ban hành khung giá đất sát với thực tế thị trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tổng thể ngành logistics và đề án phát triển xuất khẩu...

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, đối với các DN sẽ tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN khi liên hệ giải quyết công việc. Thành phố sẽ giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của DN so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay.

Trong 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản cho DN thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm vấn đề đó. Cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra DN theo đúng quy định của pháp luật không quá 1 lần/năm. Khi cơ quan chức năng yêu cầu DN sửa đổi, bổ sung hồ sơ cần thông báo 1 lần bằng văn bản để DN dễ thực hiện.

“Các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp đến giải quyết khó khăn của DN phải đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Hàng năm, thành phố tổ chức 1 lần gặp gỡ các DN chung nên không đủ thời gian để giải quyết những vướng mắc. Vì vậy, hội đồng kinh tế ngành bao gồm các Phó Chủ tịch, lãnh đạo sở, ngành, các hiệp hội, gắn kết theo mô hình tam giác 3 nhà, khi có khó khăn gì của DN phải giải quyết ngay cho họ”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Với quyết tâm mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, TPHCM kỳ vọng sẽ đón thêm nhiều dòng vốn đầu tư đổ về sau dịch bệnh Covid-19. Từ đó tạo nền tảng để thành phố đạt được mục tiêu hình thành những DN đầu đàn theo mô hình “đàn sếu bay” và đón “đại bàng” về đóng tổ. Tất cả đang trông chờ vào những hành động cụ thể hơn của chính quyền thành phố nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới./.

Lệ Hằng/VOV-TPHCM
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận