Hỗ trợ doanh nghiệp để tăng trưởng bền vững

Kết quả tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91% tuy thấp nhất trong hơn 30 năm đổi mới, nhưng là kỳ tích khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia tăng trưởng dương

 

Kết quả tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91% tuy thấp nhất trong hơn 30 năm đổi mới, nhưng là kỳ tích khi Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trong “cơn bão” Covid-19 vẫn tăng trưởng dương. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần bàn về chất lượng tăng trưởng cũng như cơ hội của Việt Nam năm 2021. Đó là nội dung trao đổi giữa phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam với Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chất lượng tăng trưởng của Việt Nam năm 2020?

 

Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 2,91% là một kỳ tích. Nhưng về chất lượng thì còn nhiều vấn đề. Nói về chất lượng là phải nói về năng lực cạnh tranh, về năng suất lao động, về đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào GDP, rồi làm sao để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực chống chịu cao, lao động phải có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu sản xuất hiện đại… Việt Nam đang có nhiều vấn đề về chất lượng tăng trưởng, đặt ra những thách thức rất lớn.

Cải thiện chất lượng không phải là vấn đề 1 năm 2 năm mà là vấn đề của 5 năm, 10 năm và tầm nhìn xa hơn nữa. Cơ cấu lao động của Việt Nam đang bất hợp lý với tình trạng "thừa thầy thiếu thợ", chỉ chú trọng đào tạo đại học, không đầu tư cho đào tạo lao động có tay nghề cao. Số bằng phát minh sáng chế của Việt Nam rất ít. Trong khi đó chúng ta mong muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ thì một là phải đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này, hai là phải làm sao để huy động nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong giai đoạn tới chúng ta sẽ phải đối mặt với 2 mô hình chuyển đổi: một là chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 - đây là vấn đề chúng ta đã nói nhiều và đang tích cực triển khai; nhưng chuyển đổi thứ hai là chuyển đổi xanh thì còn ít nhắc tới. Trong khi đó nhiều quốc gia biến cuộc khủng hoảng Covid-19 thành một cơ hội để thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, thay đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng nhiều hơn tăng trưởng xanh để nhân cơ hội tái cơ cấu này đảm bảo bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Ngoài ra còn vấn đề tăng trưởng bao trùm, phải đảm bảo công bằng về xã hội, công bằng về chia kết quả tăng trưởng, đặc biệt là phải tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người có thể vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Tăng trưởng bao trùm không bỏ ai lại phía sau. Đây là những vấn đề giai đoạn tới sẽ phải rà soát lại, nhìn rõ những khiếm khuyết, hạn chế để có những giải pháp vượt qua.


Thưa ông, trong những yếu tố mà ông vừa nêu thì có yếu tố nào thuộc diện là thiếu bền vững và không tạo được nhiều dư địa cho những năm tiếp theo?

 

Chúng ta hay nói về “cỗ xe tam mã”: tiêu dùng - đầu tư và xuất khẩu ròng. Trong giai đoạn vừa rồi, chúng ta dựa vào xuất khẩu tốt vì tiếp tục ký kết những hiệp định thương mại thế hệ mới, mở rộng thị trường, mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu ra bên ngoài, đóng góp cho tăng trưởng rất tốt. Chúng ta bắt đầu chú ý đến thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, nhóm thu nhập trung bình và thu nhập cao ngày càng tăng, nếu chúng ta biết khai thác kích cầu thị trường trong nước thì đây chính là cơ hội tăng trưởng. Động lực thứ ba là đầu tư, trong đó đầu tư công rất quan trọng. Năm 2020 vừa rồi do Covid-19 nên chỉ dựa được vào đầu tư công. Tuy nhiên, tôi cho rằng bây giờ đầu tư công phải được xem xét lại bởi vì có trần nợ công. Nếu cứ dựa mãi vào đầu tư công thì một là chúng ta không có nguồn ngân sách, thứ hai là hiệu quả không cao. Như vậy trong “cỗ xe tam mã” đầu tư công chính là yếu tố hạn chế, thiếu bền vững.

Điểm thứ hai, yếu tố liên quan đến động lực tăng trưởng thì đó chính là đô thị, phát triển đô thị. Theo cơ cấu kinh tế thì đô thị là động lực tăng trưởng. Trong tình trạng bình thường, hai đô thị đặc biệt của chúng ta là Hà Nội và TPHCM đóng góp rất tốt cho tăng trưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, kể cả khi chúng ta đã có vắc xin thì khả năng tiêm chủng cho 80% dân số là thách thức rất lớn. Như thế thì đô thị chưa đảm bảo là động lực để phát triển bình thường được.

Để khắc phục những điểm này cần chú ý nhiều hơn đến cơ cấu đầu tư. Đầu tư của khu vực tư nhân vừa rồi tiếp tục tăng trưởng nhưng giảm so với giai đoạn trước. Vậy làm thế nào để cải thiện? Đó là phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều hơn để khắc phục các tình huống của bệnh dịch, mở rộng sản xuất, hoạt động trở lại…

Đấy là những giải pháp khắc phục tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một vài yếu tố thiếu bền vững.

Xuất khẩu là một trong những động lực chính của tăng trưởng

Ông cũng đã từng đánh giá là một trong những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam là chưa tiếp cận sâu với chuỗi giá trị toàn cầu? Cụ thể là gì thưa ông?

 

Trong kinh tế học có khái niệm “đường cong nụ cười” mô tả giá trị gia tăng của từng công đoạn theo chuỗi cung ứng sản phẩm, bắt đầu từ ý tưởng cho đến thiết kế chế tạo, bên kia là marketing, phân phối đến tay người tiêu dùng. Có thể hình dung đây là hình cái chuông ngược. Theo lý thuyết đó, Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chủ yếu là phần lắp ráp chế biến, là phần đáy của cái chuông ngược. Thách thức của chúng ta là làm thế nào để đi nhiều hơn vào hai cánh của “đường cong nụ cười”. Việc này đòi hỏi phải có đầu tư rất cao, doanh nghiệp chưa có đủ năng lực. Do vậy, từ góc độ quản lý nhà nước làm sao tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi bằng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, dịch vụ cao cấp để tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Hai là hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, chia sẻ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Một điểm rất quan trọng là cần tăng cường sự liên kết của các nhà. Nếu chỉ giao việc này cho doanh nghiệp và đòi hỏi họ phải tham gia sâu thì rất khó, bởi vì doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, bây giờ muốn tham gia sâu phải nâng cao được năng lực công nghệ, phải nghiên cứu triển khai thì không thể nào đầu tư được, cái này đòi hỏi phải có sự liên kết của nhiều nhà trong chuỗi giá trị đó.

 

Trong bối cảnh đó ông xác định kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ như thế nào?

 

Theo những con số dự báo cuối năm 2020, Tổ chức tiền tệ quốc tế IMF đã dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi khoảng 5,2%, nhiều dự báo khác cũng tương tự, triển vọng khá sáng sủa.

Việt Nam chưa có đầy đủ các điều kiện chắc chắn, chúng tôi kỳ vọng là tăng trưởng của Việt Nam khoảng 5,5 đến 6% thôi, thì cũng thực hiện được mục tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ. Ở Việt Nam tôi cho rằng còn phụ thuộc khá nhiều yếu tố. Bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng bị đứt gãy chuỗi giá trị, bị phong tỏa cục bộ, đột ngột.

Còn nếu kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa tận dụng được cơ hội đầu tư, các hiệp định thương mại thế hệ mới thì tôi nghĩ có thể có kết quả cao hơn.

 

Theo ông cần có những chính sách như nào để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển?

 

Việt Nam có nhiều lợi thế của giai đoạn mới: cơ cấu dân số trẻ, lực lượng doanh nghiệp tăng cường về số lượng lẫn chất lượng, rất nhiều doanh nghiệp bắt đầu chú ý về công nghệ, xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân, tập đoàn về công nghệ… Tuy nhiên, có thể nói giai đoạn tới là giai đoạn rất khắc nghiệt. Bởi vì chúng ta ký kết rất nhiều hiệp định thương mại, CPTPP, RCEP tạo thành một thị trường rất lớn, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt cuộc cạnh tranh của thế giới chứ không phải chỉ trong nước, cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn, đặt ra nhiều thách thức bắt buộc chúng ta phải thay đổi. Dân số trẻ là có một thị trường lớn và có thể kích cầu nội địa, chỉ ra những cơ hội cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ số nhanh thì hoàn toàn có thể có cơ hội để bứt phá.

Tôi cho rằng việc đầu tiên là phải cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. Thứ hai là cần những giải pháp có tính cấp cứu, hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp vì doanh nghiệp là lực lượng chủ công. Ví dụ như giãn thuế, thậm chí phải giảm thuế, trong một số trường hợp có thể miễn thuế. Theo tôi nên hỗ trợ để cứu tất cả chứ đừng rà soát để cứu doanh nghiệp khỏe và có năng lực vượt qua. Mất những doanh nghiệp đã hoạt động sẽ tốn kém rất nhiều về lực lượng, về mạng lưới, rồi nhiều yếu tố liên quan đến đầu tư. Cho nên cần có những gói hỗ trợ làm sao cứu diện càng rộng càng tốt để cho doanh nghiệp tồn tại, vượt qua khó khăn.

Ngoài ra cần nghiên cứu để doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài thay đổi theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ở đây phải nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng. Ví dụ như chúng ta áp đặt những tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, tiêu chuẩn về kỹ thuật, tiêu chuẩn chia sẻ năng lực công nghệ rồi tăng cường tính lan tỏa để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong điều kiện mới.

Vâng xin cảm ơn ông!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận