Những 'cú hích' để Thọ Xuân trở thành trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Thanh Hóa:(Bài 2) Phát huy nội lực, thu hút ngoại lực!

Để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, phát triển bền vững, xứng đáng là trung tâm phát triển động lực của tỉnh, huyện Thọ Xuân đã phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có, tận dụng sức hấp dẫn để hút các nhà đầu tư tiềm năng. Coi việc phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư là 1 trong các trụ cột kinh tế của huyện.

 

Bài 1: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững

Đột phá trong thu hút đầu tư

Những năm qua, huyện Thọ Xuân đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Vì vậy, lĩnh vực thu hút đầu tư của huyện Thọ Xuân đạt nhiều kết quả quan trọng. Minh chứng là giai đoạn 2015 - 2020 đã thu hút được 72 dự án đầu tư của các doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 7 nghìn tỷ đồng, quy mô diện tích 1.059ha. Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 1.070 doanh nghiệp, gấp 4,5 lần so với năm 2015.

Năm 2020 là năm khó khăn do dịch Covid-19 nên mảng đầu tư trên địa bàn huyện có bước hạn chế, đó cũng là tình trạng chung của cả nước và thế giới. Song năm 2018, 2019 được coi là các năm của những dự án trọng điểm được đầu tư và khởi công xây dựng trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Cùng với đó, huyện đã kịp thời bàn giao mặt bằng các dự án lớn như: Dự án Khu thể thao, vui chơi giải trí Thọ Xuân, xã Tây Hồ, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng, diện tích 2,5ha; dự án Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Thọ Xuân, xã Hạnh Phúc, tổng mức đầu tư 32,59 tỷ đồng, diện tích 1 ha; dự án nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột nghệ Nhật Long, xã Xuân Phú, tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, diện tích 1,95ha...

Cụm công nghiệp Xuân Lai đã có nhà máy hoạt động...

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào địa bàn huyện, nhiều dự án đầu tư sản xuất kinh doanh có quy mô lớn đã đi vào hoạt động, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Các dự án như: Nhà máy gạch công nghệ cao, phát thải thấp (Công ty CP Á Mỹ - Thọ Xuân) tổng mức đầu tư 275 tỷ đồng, diện tích 6,7ha; Dự án Siêu thị A&S Mart (Công ty CP Siêu thị A&S) tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, diện tích 1,1ha; Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản Đồng Tâm (Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đồng Tâm) tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, diện tích 4ha; dự án sản xuất và lai tạo giống gà công nghệ cao tại xã Xuân Phú, tổng mức đầu tư 310 tỷ đồng... đã đánh dấu bước nhảy vượt bậc về thu hút đầu tư và chất lượng đầu tư của huyện.

Công ty CP Á Mỹ - Thọ Xuân giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương...

Ông Bùi Đức Vượng, Giám đốc Công ty CP Á Mỹ - Thọ Xuân cho biết, trước đây ban lãnh đạo công ty có ý định triển khai đầu tư dự án sản xuất gạch với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, trên diện tích 6,7ha; dự kiến giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Quyết tâm thực hiện, chúng tôi đã thuyết minh về dự án, tìm mặt bằng sản xuất, và đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ từ huyện Thọ Xuân nên dự án sớm đi vào hoạt động. Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án dược khởi công vào quý II năm 2017, với diện tích 3,5ha. Đến quý II năm 2018, nhà máy đã đi vào hoạt động với công suất 50 triệu viên gạch/năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với mức lương dao động 6 - 7 triệu đồng/người/tháng; cung ứng đủ vật liệu xây dựng cho huyện Thọ Xuân và các huyện lân cận.

Để tạo điều kiện thuận lợi, thu hút nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, các công trình hạ tầng quan trọng trên địa bàn huyện đã được chú trọng đầu tư

Để tạo điều kiện thuận lợi, thu hút nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, các công trình hạ tầng quan trọng trên địa bàn huyện đã được chú trọng đầu tư như: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 47, QL 47B, QL 47C; đường Cầu Kè - Thọ Xuân; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 506b; một số tuyến đường mới được triển khai đầu tư như: Đường từ thị trấn Thọ Xuân đi đô thị Lam Sơn - Sao Vàng; đường nối ba Quốc lộ 217-45-47; đường từ Thành phố Thanh Hóa đi đô thị Lam Sơn - Sao Vàng…

Ông Lê Đình Sĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân nhấn mạnh: Huyện Thọ Xuân luôn xác định phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Chính vì vậy, huyện luôn tích cực trong việc phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, thế mạnh bên trong nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài; từ đó tạo thế và lực phát triển nhằm phấn đấu đưa Thọ Xuân sớm trở thành một trong những huyện thuộc tốp dẫn đầu về thu hút đầu tư cũng như trở thành trung tâm kinh tế động lực của tỉnh. Những thành quả đáng ghi nhận trên chính từ nỗ lực của các cấp, các ngành trong cải thiện môi trường đầu tư.

Cũng theo ông Sỹ, với phương châm “Doanh nghiệp thành công - Địa phương phát triển”, Thọ Xuân luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn sản xuất kinh doanh, đây cũng là huyện đầu tiên trong tỉnh hỗ trợ về thủ tục hành chính cho các DN thành lập mới tại huyện để các DN không phải mất thời gian đi xa. Cùng với các dự án lớn, huyện cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh bình đẳng, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, góp phần cho sự phát triển chung của huyện, tỉnh.

Còn nhiều dư địa...

Hiện nay Thọ Xuân đang trở thành vùng “đất vàng” cho các nhà đầu tư. Với nội lực mạnh mẽ cùng ngoại lực đầy tiềm năng, những cơ hội, vận hội mới đang rộng mở đối với địa phương. Huyện có lợi thế nằm ở vị trí giao thoa về kinh tế - xã hội - văn hóa giữa các vùng miền trong tỉnh, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm như: Quốc lộ 47, 47B, 47C, đường Hồ Chí Minh chạy qua, đặc biệt là Cảng hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế. Ngoài ra đây là địa phương đất rộng, dân đông, người dân cần cù chịu khó, địa hình bằng phẳng… Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để các nhà đầu tư đến “làm tổ”.

Nhiều nhà xưởng được hình thành, đi vào hoạt động trên các trục đường từ thị trấn Thọ Xuân đi Lam Sơn - Sao Vàng

Điểm nhấn nữa là khu Công nghiệp - Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng được quy hoạch với diện tích 592,3ha. Nằm trong trục tứ giác kinh tế của tỉnh, được Chính phủ định hướng là đô thị trong chuỗi phát triển đô thị của cả nước dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, Lam Sơn - Sao Vàng được đánh giá là có quy hoạch khoa học, với các phân khu được bố trí hợp lý, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Được định hướng phát triển thành khu công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, nơi đây mang theo hy vọng trở thành điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Tây của tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Thọ Xuân nói riêng. Vì vậy tỉnh đã dành nguồn lực để đầu tư hạ tầng cho khu vực này.

Ngoài ra, việc đầu tư cảng cạn và trung tâm logistics đang được tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm và kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Trong đó, khu vực Lam Sơn - Sao Vàng được tỉnh định hướng xây dựng 1 cảng cạn và 1 trung tâm logistics. Sau khi được xây dựng, đây sẽ là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng Nghi Sơn, cảng hàng không quốc tế Sao Vàng, cửa khẩu đường bộ… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế của Thọ Xuân và khu vực. Về việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi khẳng định, Thanh Hoá sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, các nhà đầu tư xây dựng cảng cạn và trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận song công tác thu hút đầu tư và huy động các nguồn lực trên địa bàn huyện Thọ Xuân vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mảnh đất này. Được biết trong thời gian tới, huyện Thọ Xuân tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường và cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho doanh nghiệp bằng các giải pháp như: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng các thủ tục về đầu tư, đất đai; hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác GPMB, đảm bảo đúng kế hoạch; đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư. Để giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN, UBND huyện Thọ Xuân sẽ thường xuyên tổ chức giao ban, tăng cường hoạt động tư vấn cho hộ sản xuất, kinh doanh như: Xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; lựa chọn mô hình doanh nghiệp phù hợp với cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh và huyện./.

Đầu tư phát triển khu vực Lam Sơn - Sao Vàng trở thành trung tâm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao

Để huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển khu vực Lam Sơn - Sao Vàng trở thành trung tâm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao phía Tây của tỉnh, trong thời gian tới huyện Thọ Xuân sẽ tập trung thực hiện tốt 5 giải pháp sau:

Thứ nhất, Xây dựng Đề án phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 trở thành một huyện công nghiệp và thị xã để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương và triển khai thực hiện…

Thứ hai, Phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh hoàn thành quy hoạch điều chỉnh đô thị Lam Sơn - Sao Vàng làm cơ sở để thực hiện các quy hoạch phân khu. Đồng thời rà soát lại các quy hoạch hiện có, đánh giá thực trạng các quy hoạch để điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới của các xã trên địa bàn huyện gắn với định hướng của quy hoạch vùng huyện, gắn với các vành đai phát triển theo hướng phát triển đô thị, để hình thành thị xã vào năm 2030.

Thứ ba, Rà soát, đánh giá việc quản lý và thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, để nghiên cứu đưa ra giải pháp cụ thể khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế; triển khai xây dựng quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 sát với thực tiễn yêu cầu phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch gắn với tăng cường quản lý sự dụng, đảm bảo quản lý, khai thác, sự dụng hợp lý nguồn tài nguyên từ đất…

Thứ tư, Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng và cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh địa phương và các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Ưu tiên kêu gọi các dự án sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, các dự án công nghệ sạch, thân thiện với môi trường…

Thứ năm,Cùng các nguồn vốn Trung ương và của tỉnh, huyện sẽ huy động các nguồn lực tại địa phương bằng nhiều hình thức để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có tình kết nối, lan tỏa cao; kết nối các tuyến đường huyện với các trục chính của tỉnh; hạ tầng du lịch trên địa bàn huyện. Tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng và giải quyết nhanh các thủ tục triển khai các dự án trọng điểm.

                                                                                                                                   (Trích tham luận của đồng chí Lê Đình Hải - Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân)

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận