Cơ hội cho xuất khẩu từ các hiệp định thương mại

  • 24/12/2020 15:40:02
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã có trong tay ba hiệp định thương mại lớn. Làm sao tận dụng được hiệu quả các hiệp định để xuất khẩu bền vững?

 

Xuất khẩu là điểm sáng nhờ có nhiều lựa chọn hơn

Năm 2020 tiếp tục là năm xuất khẩu đạt kỷ lục của Việt Nam. Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến hết tháng 11 năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2020, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%. Thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới, có mặt ở trên 196 quốc gia. Năm 2020, đồ gỗ và lâm sản, thủy sản, rau quả, hạt điều, gạo... tiếp tục là những mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỉ USD, có 6 mặt hàng đạt trên 2 tỉ USD. Cụ thể xuất khẩu gạo năm 2020 ước đạt trên 3 tỉ USD. Trong đó, khối lượng gạo xuất khẩu hết tháng 11 năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỉ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Các chuyên gia nhận định, gạo là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh, giá gạo liên tục tăng đã đánh dấu mức tăng lịch sử của mặt hàng này.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu năm 2020 tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực, giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng được đa dạng hóa. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD tăng dần, từ 23 mặt hàng năm 2015 lên 32 mặt hàng năm 2019.

Có được kết quả trên là nhờ thời gian qua Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều Hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, RCEP, giúp Việt Nam đa dạng hóa lựa chọn. Nhiều chuyên gia ví von, có nhiều Hiệp định thương mại cũng giống như đi từ Hà Nội trước chỉ có ít phương tiện, ít tuyến xe, thì bây giờ người ta có nhiều lựa chọn với nhiều tuyến, nhiều phương tiện hơn. Các hiệp định này sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh; đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam cọ xát hơn với thế giới, có điều kiện phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế.

Xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI

Tham gia EVFTA, dệt may Việt Nam lo lắng nhất là quy tắc xuất xứ từ vải. Theo cam kết, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để hưởng lợi từ cắt giảm thuế quan, các doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ, trong đó, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” với yêu cầu vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam, hoặc các nước thành viên EU. Tỷ lệ nội địa hóa tăng lên khi thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được ký kết.

Thỏa thuận nói trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, gỡ điểm nghẽn về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu vải đối với hàng dệt may xuất khẩu đi thị trường EU, do Hàn Quốc cũng đã ký hiệp định thương mại với EU.

Song không phải tất cả các mặt hàng đều gặp thuận lợi như dệt may. Bởi thực tế cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào khối doanh nghiệp (DN) FDI. Sự tham gia của các DN 100% vốn trong nước đối với xuất khẩu vẫn còn mờ nhạt và hạn chế. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khi Việt Nam hội nhập, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài được hưởng lợi nhiều hơn là Việt Nam. Bà lấy ví dụ, trước khi tham gia WTO thì FDI chiếm chưa đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng từ khi Việt Nam tham gia WTO, thị phần của FDI trong xuất khẩu của Việt Nam tăng dần và những năm gần đây đạt khoảng 70%- 72%. Điều này đẩy Việt Nam vào thế bị phụ thuộc FDI trong tăng trưởng, trong khi lợi ích mang lại từ việc hội nhập rơi vào tay của những doanh nghiệp FDI nhiều hơn là cho chính doanh nghiệp Việt Nam.

Để xuất khẩu bền vững, theo ông Trần Thanh Hải Phó Cục trưởng xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cần có nhiều giải pháp như thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu... Đồng thời, chúng ta cần đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu, tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex:

5 năm qua, Việt Nam nhập khẩu lượng vải từ Hàn Quốc lớn thứ hai, sau Trung Quốc, mức độ trung bình lên tới 2 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng từ 17-18% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam/năm. Riêng Việt Nam có 30% lượng vải sản xuất trong nước, 70% lượng vải nhập khẩu. Nay với Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, hàng dệt may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50% (cộng gộp lượng vải từ Việt Nam và vải nhập từ Hàn Quốc). Điều này hết sức thuận lợi cho dệt may Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU. Các DN dệt may Việt Nam sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn vải từ Hàn Quốc bên cạnh lượng vải được sản xuất tại Việt Nam để thực hiện các đơn hàng vào EU, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải.

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI:

Ký được Hiệp định là quan trọng, nhưng thực hiện Hiệp định có hiệu quả còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Muốn làm điều này, trước hết chúng ta phải thiết kế được những đường gom, lối mở để doanh nghiệp, nền kinh tế của chúng ta có thể lên đường cao tốc, đó chính là những luật, những nghị định, những thông tư để nội hóa các cam kết, hướng dẫn cách thức thực hiện các cam kết cho các doanh nghiệp. Con đường cao tốc chúng ta mở ra với châu Âu, EVFTA, không phải là con đường cao tốc miễn phí. Chúng ta phải trả phí cho quá trình này bằng cách là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của nền kinh tế, đầu tư nâng cấp thể chế của nền kinh tế, đầu tư, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, đối với các doanh nghiệp là những đầu tư về nâng cấp quản trị doanh nghiệp, chiến lược hoạt động kinh doanh.

Ông Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:

Cách đây gần 2 năm, khi Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP chúng ta rất vui mừng, kỳ vọng hàng hóa Việt Nam sẽ tràn vào những nước trong khối CPTPP, nhưng sau một năm thực hiện đến nay nhìn lại thì xuất khẩu của Việt Nam vào khối các nước CPTPP chỉ tăng 7,2%, trong khi xuất khẩu chung của cả nước tăng 8,4%. Điều đó có nghĩa là chúng ta chưa được hưởng lợi gì từ hiệp định này. Vì vậy, Chính phủ cần xác định những hàng hóa, sản phẩm nào của Việt Nam có khả năng tham gia xuất khẩu vào thị trường EU là sản phẩm thế mạnh, từ đó đánh giá mức độ đáp ứng những yêu cầu, những tiêu chuẩn kỹ thuật, xem những hàng hóa đó đạt đến đâu, cần phải làm gì để đạt được các tiêu chuẩn của EU. Chính phủ phải làm gì về mặt chính sách, về mặt thể chế để giúp doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn đó, và doanh nghiệp cần phải cố gắng đầu tư vào mặt nào để sản phẩm, hàng hóa có thể tham gia vào thị trường này.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận