Kinh tế chia sẻ và lỗ hổng pháp lý

  • 17/12/2020 15:56:37
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Kinh tế chia sẻ phát triển nhanh và mạnh trên các lĩnh vực khác nhau mang lại nhiều giá trị cho xã hội, nhưng hiện chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về kinh tế chia sẻ. Vậy phải làm gì để bảo vệ người dân trước những biến tướng,hệ lụy của loại hình kinh tế này?

 

Tăng tính cạnh tranh và minh bạch thị trường

Ở Việt Nam, mặc dù kinh tế chia sẻ (KTCS) chưa phát triển mạnh như các nước trên thế giới, nhưng gần đây một số loại hình KTCS đã xuất hiện như vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở lưu trú, cho vay ngang hàng, một số loại hình khác trong lĩnh vực môi trường, y tế…

Sự xuất hiện của Grab, Uber với các sản phẩm dịch vụ vận tải trực tuyến, giao hàng v.v… buộc kinh doanh taxi truyền thống phải đổi mới.Theo Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong 2 năm (tháng 01/2016 -01/2018) thực hiện Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, cả nước đã có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện và hàng chục ngàn lao động tham gia thí điểm.

Trong lĩnh vực lưu trú, 2 nền tảng Airbnb và Luxstay đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam.Từ năm 2015 đến tháng 1/2019, Airbnb đã kết nối giao dịch giữa 18.2030 chủ nhà của trên 40.800 phòng ở cho thuê tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam với hàng triệu khách du lịch quốc tế trên khắp các châu lục. Riêng năm 2017, tổng số lượt khách đặt phòng qua Airbnb tới Việt Nam khoảng 400 nghìn người, trong đó 84% là khách quốc tế đến từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Singapore.Luxstay ra đời muộn hơn và hiện đang sở hữu giới thiệu hơn 15.000 chỗ nghỉ, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn.

Hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ 2016. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay có khoảng 100 công tycho vay ngang hàng như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan..., trong đómột số công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia... Tuy mới xuất hiện nhưng các công ty này có sự tăng trưởng mạnh về số lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám Đốc, Công ty Luật TGS

Xã hội phát triển thì những ứng dụng như xe ôm công nghệ, P2P Lending xuất hiện là tất yếu. Người dân có thể tham gia những ứng dụng này với vai trò đối tác cũng như khách hàng. Tuy nhiên, trước khi pháp luật có điều chỉnh cụ thể, chi tiết hơn về những ứng dụng này thì người tham gia nên cẩn trọng, cần tìm hiểu kỹ, hiểu rõ, xem xét mặt có lợi có hại cho bản thân; không nên chạy theo xu hướng khi chưa nắm rõ quy định về quyền và lợi ích của mình cũng như lường trước những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia ứng dụng.

Không thể phủ nhận là loại hình KTCS thời gian qua góp phần làm tăng tính cạnh tranh và tính minh bạch của thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ và hiệu quả của nền kinh tế.

Những biến tướng và hệ lụy …

Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2014 với tên gọi ban đầu là GrabTaxi, năm 2015, Grab được Bộ GTVT cấp phép thí điểm hoạt động tại 5 địa phương lớn trên cả nước. Giai đoạn 2015 -2016, Grab bùng nổ cả về thị phần, số lượng tài xế. Tuy nhiên, từ năm 2018 giữa Grab và các đối tác tài xế bắt đầu mâu thuẫn khi mức chiết khấu với tài xế tăng mạnh kèm theo hàng loạt mức tính phí khác. Tháng 8/2017, một số tài xế Grabbike tại Hà Nội đồng loạt tắt ứng dụng và kêu gọi đình công phản đối mức chiết khấu tăng thêm 5% lên 20%. Năm 2018, một lần nữa các  tài xế GrabCar phản ứng khi mức chiết khấu với đối tác tài xế mới tham gia sau 1/10/2018 tăng lên đến 28% và 23,6% với tài xế tham gia trước 1/10/2017. Và những ngày vừa qua, nhiều lái xe Grab đã đồng loạt tắt phần mềm ứng dụng đặt xe và tụ tập diễu hành trên đường phố để phản ứng việc Grab tiếp tục tăng chiết khấu. Thế nhưng, các cuộc đình công của tài xế Grabbike hay GrabCar đều không mang lại kết quả bởi “luật chơi” do Grab tự đặt ra. Mức chiết khấu cao dần theo các năm, đồng thời quy định thưởng cho tài xế ngặt nghèo hơn trước. Rõ ràng Grab là người  áp đặt luật chơi, còn tài xế muốn chơi thì phải chấp nhận sự áp đặt.

Ở đây đang cần vai trò điều tiết của Nhà nước, mà trước hết là lấp đầy những lỗ hổng pháp lý. Thực tế cho thấy không ít hệ lụy xảy ra khi mô hình KTCS bị biến tướng. Bên cạnh những công ty làm ăn chính thống thì có công ty là tín dụng đen, đa cấp trá hình. Chưa có quy định pháp luật để quản lýthì người tham gia vào hệ thống của các mô hình KTCS sẽ không được bảo vệ.

Ví dụ như P2P Lending đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam khoảng 4 năm trở lại đây nhưng có nhiều công ty P2P Lending mọc lên với bản chất hoạt động khác nhau. Etop Bank tự xưng là một ngân hàng điện tử đến từ Singapore. Theo quảng cáo, người chơi chỉ cần gửi tiền thật để mua tiền ảo có tên là USDT tại Etop Bank, với các gói lên đến cả chục nghìn USD. Lãi suất được trả theo các kỳ hạn gửi, từ 30 - 50%/tháng, tương đương 600%/năm, cao gấp gần 100 lần lãi suất tiền gửi NH trong nước. Hàng nghìn người đã bỏ tiền vào Etop Bank, nhưng hiện website của Etop Bank đã đóng và người gửi tiền đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đưa ra cảnh báo về hoạt động P2P Lending của nước ngoài đang gia tăng hoạt động tại Việt Nam, tiềm ẩn nhiều rủi ro vì phần lớn là do người nước ngoài điều hành, không đặt máy chủ ở Việt Nam.

Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Công ty Luật TGS - cho rằng, việc người dân tham gia các dịch vụcủa KTCS như Grab, P2P Lending khi chưa có sự bảo hộ của pháp luật sẽ dẫn đến thiệt thòi. Bởi hiện nay pháp luật chưa có đầy đủ quy định bao quát hết được những dịch vụ xe ôm công nghệ như Grab hay P2P Lending. Đây là điểm bất lợi đối với người dân khi tham gia những ứng dụng này.

Ông Hoàng Văn Cương, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:

KTCS bộc lộ những hạn chế nhất định, đòi hỏi cần có giải pháp quản lý nhà nước để phát triển mô hình này một cách bền vững, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và khách hàng. Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và KTCS trong từng ngành cụ thể. Khoảng trống về nghĩa vụ thuế của các loại công ty trong KTCS diễn ra tại Việt Nam cần được khắc phục. Hiện còn thiếu các cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam.

Chưa có quy định pháp luật rõ ràng về KTCS nên kẻ gian, những tổ chức tín dụng đen vẫn tiếp tục lợi dụng lỗ hổng này để huy động vốn cũng như cho vay với hình thức trá hình, gây ra rất nhiều hậu quả cho người dân và các doanh nghiệp.

Để tăng hiệu quả của KTCS,Nhà nước cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện chính sách luật pháp để giải quyết tranh chấp liên quan đến những mất mát/tổn thương của doanh nghiệp kinh doanh truyền thống do bị cạnh tranh không lành mạnhđồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia thị trường KTCS.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận