Grab tăng giá cước và chiết khấu có phù hợp quy định pháp luật?

Vừa qua, nhiều lái xe Grab đã đồng loạt tắt phần mềm ứng dụng đặt xe và tụ tập, diễu hành trên đường phố để phản đối Grab tăng chiết khấu. Vậy Grab tăng giá cước và chiết khấu có phù hợp quy định pháp luật? Dưới đây là quan điểm của Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

 

Trước sự việc hãng Grab tăng chiết khấu đối với mỗi cuốc xe, nhiều lái xe Grabike đã đồng loạt phản ứng bằng cách tắt phần mềm ứng dụng đặt xe và tụ tập, diễu hành trên đường phố, xin luật sư cho biết ý kiến về vấn đề này?

Đây không phải là lần đầu tiên các tài xế đình công, tụ tập đông người để phản đối chính sách của Grab mà trước đây cũng có nhiều vụ tương tự. Nguyên nhân của các vụ việc này là do Grab có những sự thay đổi chính sách ảnh hưởng đến quyền lợi của các tài xế mà lại thiếu cách thức trao đổi minh bạch và tạo sự đồng thuận cần thiết, gây ra sự bức xúc và những phản ứng gay gắt từ phía các tài xế.

Mặt khác, quy định pháp luật về hoạt động của các dịch vụ gọi xe công nghệ mới đang được xây dựng và hoàn thiện, vẫn chưa đầy đủ và có nhiều hạn chế, dẫn đến các lỗ hổng pháp lý có nguy cơ phát sinh các vướng mắc và tranh chấp.   

Vì vậy, để hạn chế các vụ việc tương tự thì trước tiên Grab cần có cơ chế minh bạch và phù hợp trong việc điều chỉnh chính sách của mình, tạo ra sự hài hòa, cân bằng hơn về lợi ích và sự đồng thuận cho các tài xế. Đồng thời, cơ quan chức năng cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo ra khung pháp lý có thể phòng ngừa và giải quyết tốt hơn các vụ việc tương tự.

Hãng Grab thông báo thu tăng như thế có phù hợp quy định của Nghị định số 126 của Chính Phủ hay không, vì sao thưa Luật sư ?

Theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế, từ ngày 05/12/2020, mức thuế GTGT đối với dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu. Đây là sự điều chỉnh cần thiết, phù hợp với các quy định pháp luật về thuế, cũng như thông lệ quốc tế và tạo ra sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Với sự thay đổi này thì Grab và các hãng gọi xe công nghệ khác phải có sự tính toán, điều chỉnh lại về việc kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, thuế GTGT là một loại thuế gián thu và thu của người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, còn cá nhân tài xế và Grab không phải đóng loại thuế này. Grab chỉ có nghĩa vụ thu, kê khai và nộp hộ cho người sử dụng dịch vụ. Đó là nghĩa vụ của Grab mà không phải là nghĩa vụ của tài xế. Vì vậy, Grab lấy lý do tăng thuế GTGT theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ để vừa tăng giá dịch vụ, vừa tăng tỷ lệ chiết khấu của các tài xế là không thuyết phục, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các tài xế, vì vậy tài xế phản ứng là có cơ sở.

Tài xế Grabike có hành động như thế có đúng các quy định của pháp luật hay không, thưa Luật sư ? Vì sao?

Tài xế Grabike có quyền nêu ý kiến, thể hiện thái độ, sự phản đối của mình đối với với các chính sách mới của Grab. Tuy nhiên, việc đình cộng, tụ tập đông người nơi công cộng như những ngày vừa qua là mang tính tự phát và không tuân thủ đúng các quy định về trình tự, thủ tục của việc đình công theo quy định của Luật lao động và quy định về tụ tập đông người ở nơi công cộng theo Nghị định số 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, tài xế Grabike không có động cơ xấu mà chỉ đấu tranh, yêu cầu Grab đảm bảo các quyền lợi của mình. Do đó, nếu các hoạt động này diễn ra một cách có trật tự, ôn hòa và không có các hành vi quấy rối, phá hoại gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự thì cũng không nên có quan điểm pháp lý cứng nhắc về vấn đề trình tự, thủ tục pháp lý mà nên có sự cảm thông và chia sẻ với các tài xế. Điều quan trọng là Grab và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp phù hợp để giải quyết, tránh lập lại các vụ việc tương tự và bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho các tài xế. 

Việc người dân tự tham gia các dịch vụ của Grap và tương tự khi chưa có sự bảo hộ của pháp luật sẽ dẫn đến thiệt thòi như thế nào thưa luật sư?

Hiện nay, pháp luật chưa có đầy đủ các quy định, bao quát được hết liên quan đến những dịch vụ xe ôm công nghệ như Grap hay vay ngang hàng (P2P). Đây có thể coi là điểm bất lợi đối với người dân khi tham gia những ứng dụng này. Cụ thể, công ty thành lập các ứng dụng này chỉ nhận mình với vai trò trung gian kết nối các cá nhân, tổ chức có nhu cầu cung ứng - sử dụng “sản phẩm” với nhau. Họ không hướng dẫn, cam kết và có các chính sách bảo vệ quyền lợi của người tham gia cũng như khách hàng sử dụng. Khi xảy ra sự việc, sự cố ngoài ý muốn khách hàng không biết phản ánh tới đâu để giải quyết, để được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời người tham gia ứng dụng như các tài xế công nghệ, người cho vay cũng không tránh khỏi rủi ro như việc xảy ra tai nạn ngoài ý muốn hay người vay trực tuyến không thực hiện đúng nghĩa vụ như cam kết.

Xin cảm ơn Luật sư!

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận