Ngành mía đường còn cơ hội 'sống sót’ và 'sống tốt'

  • 10/12/2020 05:10:50
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

10 tháng năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 1,109,418 tấn đường. Lượng đường rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến ngành mía đường lao đao. Song, cơ hội cho ngành mía đường vẫn còn nếu cơ cấu lại, nâng cao năng suất, giảm giá thành, mạnh mẽ đổi mới, tìm giải pháp thích nghi để phát triển…

 

Đường ngoại lấn át đường nội

Từ 01/01/2020, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết ATIGA chỉ áp mức thuế 5% và không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN. Điều này đã khiến một khối lượng đường kỷ lục tràn vào Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 1,109,418 tấn đường. Sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn,  lớn hơn lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm 87,67%.

Dưới tác động của dòng thác đường giá rẻ tràn vào, giá đường tại Việt Nam bị dìm xuống mức thấp nhất trong khu vực, từ đó dẫn đến giá mía cũng thấp nhất. Giá mía 10 chữ đường tại ruộng ở khu vực phía Bắc được các nhà máy thu mua từ 750 đến 900 đồng/kg, miền Trung và Tây Nguyên từ 720 đến 800 đồng/kg và miền Nam từ 720 đến 800 đồng/kg. Với giá này, người trồng mía lỗ nặng. Nhiều hộ dân tại các thủ phủ trồng mía như Tây Ninh, Hậu Giang, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên...đã phải chuyển sang trồng sắn hoặc lúa cho thu nhập ổn định hơn. Giá mua mía không bù đắp nổi chi phí đầu tư khiến nông dân trồng mía nợ ngân hàng rất nhiều, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Vì thế, diện tích mía nguyên liệu sẽ tiếp tục bị suy giảm trầm trọng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, trước khi hội nhập ATIGA Việt Nam có 41 nhà máy đường, tiêu thụ bình quân 140.000 tấn mía/ngày, niên vụ 2016-2017 sản xuất hơn 1,2 triệu tấn đường (chiếm khoảng 0,74% tổng sản lương đường của thế giới), với diện tích trồng mía khoảng 300.000 ha và hàng chục ngàn hộ nông dân có nguồn thu từ trồng mía. Sau khi ATIGA có hiệu lực, đến tháng 9/2020 chỉ còn 30 nhà máy đường hoạt động, trong đó 13 nhà máy có hiệu quả, 17 nhà máy chưa đóng cửa nhưng đang thua lỗ. Vụ mía 2019-2020 chỉ còn 25 nhà máy hoạt động, thêm 04 nhà máy đường đóng cửa gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong, do không đảm bảo nguồn nguyên liệu. Nếu không có giải pháp kiểm soát đường ngoại nhập khẩu phá giá, ngành mía đường Việt Nam khó tránh được tình trạng xóa sổ.

Cần đào thải, quy hoạch và tổ chức lại

Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới”, TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng. Cả khâu đầu tư gieo trồng và chế biến của ngành mía đường đều phải tái cơ cấu lại. Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt. Hiện nay, nhiều nhà máy mía đường thua lỗ là do năng suất quá thấp, chỉ đạt 50 tấn/ha, trong khi ở nhiều nước lên đến 100 tấn/ha. Nếu các doanh nghiệp mía đường Việt không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, thì chắc chắn họ sẽ khó sống do không thể cạnh tranh. “Hội nhập là điều tất yếu. Hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế, phải chấp nhận cạnh tranh để phát triển. Doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên. Những doanh nghiệp nào mạnh mẽ đổi mới, mạnh mẽ tìm giải pháp thích nghi sẽ có cách để “sống sót”, thậm chí là “sống tốt” còn những trường hợp thụ động với thị trường nhiều biến đổi thì cần phải có một cuộc đào thải. Cơ hội phát triển mía đường nội địa vẫn luôn rộng mở nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn”, ông Doanh khẳng định.

Theo PGS.TS Vũ Thị Minh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân - đa số các nhà máy chế biến đường của Việt Nam có công suất thấp. Một nhà máy chế biến đường phải có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên thì mới đạt được lợi thế kinh tế quy mô, trong khi đó ở Việt Nam hiện tại chỉ có 8 nhà máy có công suất ép trên mức này và chiếm 47% tổng công suất chế biến của cả nước. Nếu tính chung thì công suất ép bình quân cả nước mới ở mức 3.700 tấn mía/ngày, chỉ bằng khoảng 60% so với mức quy mô đạt hiệu quả kinh tế. Trong khi đó Thái Lan chỉ có 11% số nhà máy có công suất dưới 6.000 tấn mía/ngày, có 68% số nhà máy công suất từ 6.000 - 20.000 tấn mía/ngày và 21% số nhà máy có công suất trên 20.000 tấn mía/ngày. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam cần có nhiều giải pháp đồng bộ như rà soát, quy hoạch lại các vùng sản xuất mía nguyên liệu theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên của từng vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất mía nguyên liệu; tiếp tục sắp xếp lại và tổ chức tốt hơn nhằm nâng cao hiệu quả khâu chế biến đường./.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường:

Để “cứu” ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống… Hiện Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài (theo các định nghĩa của quy tắc thương mại của WTO), có bằng chứng rõ ràng về đường nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, có  bằng chứng về mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích:

Những năm tới cần dồn sức để tái cơ cấu ngành nông - công nghiệp này theo hướng thu hẹp quy mô sản xuất đường, kiên quyết xoá bỏ những nhà máy đường quy mô nhỏ. Bởi lẽ, với tổng công suất 162,3 tấn mía/ngày, nếu số lượng nhà máy đường vẫn là 41 thì công suất bình quân vẫn chỉ là dưới 4.000 tấn mía/ngày, tức là chỉ bằng khoảng 40% so với công suất các nhà máy đường của Úc hay Brazil, thậm chí chỉ bằng 1/5 công suất của Thái Lan. Cần quy hoạch lại các vùng mía nguyên liệu cho tương thích với các nhà máy đường lớn. Đồng thời chuyển đổi hướng sản xuất cho các vùng mía nguyên liệu của những nhà máy đường không đủ sức cạnh tranh bị xoá sổ.

Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương Mại Hà Nội:

Đường xuất tại nhà máy chỉ bình quân từ 11.000đ - 13.000đ/kg đường RE, tồn kho nhiều lúc 500 nghìn đến 600 nghìn tấn. Nhưng ngược lại ở chợ và các siêu thị bình quân giá bán lẻ cho tiêu dùng thường từ 21.000đ - 23.000đ/kg, thậm chí có lúc đến 25.000đ - 27.000đ/kg. Bởi theo tính toán, đường từ Thanh Hóa ra Hà Nội cộng các chi phí và nếu cắt bớt khâu trung gian thương lái bán buôn cấp 1, cấp 2 thì chỉ bán ở thị trường 17.000đ - 18.000đ/kg là có lãi hợp lý. Điều này đã tồn tại hàng chục năm nay vẫn chưa giải quyết được. Rõ ràng, khâu trung gian và khâu bán lẻ đã hưởng quá nhiều lợi nhuận so với người trồng mía và nhà máy sản xuất ra những hạt đường Việt Nam.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận