Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Cho nhau một niềm tin…

mối quan hệ Việt-Mỹ chỉ có thể phát triển và dài lâu khi được xây dựng trên nền tảng vững chắc của lòng tin.

 

Những thành quả của quan hệ Việt - Mỹ hôm nay thể hiện qua những mỹ từ mà cả tổng thống, ngoại trưởng, thượng nghị sĩ, đến quan chức chính phủ Mỹ dùng để đánh giá như: “phi thường”, “đáng kinh ngạc”, “kỳ tích đặc biệt”. Chuyến thăm Việt Nam đầy bất ngờ, nằm ngoài kế hoạch giữa thời Covid của Ngoại trưởng Mỹ Michael Richard Pompeo cuối tháng 10 vừa qua thêm một lần nữa cho thấy niềm tin ấy đang được bồi đắp cho mối quan hệ ngày càng thực chất hơn…

Chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2013 là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. (Ảnh: T.L)

Lấy tha thứ, cảm thông, chia sẻ làm trọng

Tha thứ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Hòa giải, vượt qua thù hận là điều nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Nhưng, 25 năm qua, hai nước Việt-Mỹ đã nỗ lực hết sức, hết lòng để làm được điều đó.

Đêm 11/7/1995 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam; rạng sáng ngày 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. Mốc son, bước chuyển ấn tượng về chất trong quan hệ Việt-Mỹ ấy chính là “quả ngọt” đầu tiên của sự tha thứ, hòa giải.

Trước đó, năm 1988, hài cốt 727 người Mỹ mất tích trong chiến tranh đã được xác định nhờ sự hợp tác giữa các nhóm công tác của Mỹ và Việt Nam nhằm thu thập và trao trả hài cốt chiến sĩ đã khuất. Từ năm 1989, Mỹ đã cung cấp 100 triệu USD để hỗ trợ cho người khuyết tật Việt Nam, giúp đỡ hàng triệu người Việt Nam khó khăn. Năm 1991, Văn phòng Tìm kiếm Tù binh và người mất tích của Bộ Quốc phòng Mỹ đã mở cửa tại Hà Nội. Từ năm 1993, Mỹ và Việt Nam đã hợp tác với nhau để giúp Việt Nam loại bỏ hiểm hoạ từ vật liệu chưa nổ (UXO); Năm 2018, USAID đã hoàn thành dự án xử lý ô nhiễm dioxin trị giá 110 triệu USD tại sân bay Đà Nẵng, sau đó xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hoà, điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn cuối cùng ở Việt Nam…

Các Thượng nghị sĩ Mỹ bên cạnh người khuyết tật Việt Nam. (Ảnh: T.L)

“Hệ quả xấu không thể quên nhưng người Việt không giữ lâu hận thù mà cảm thông, tha thứ và chia sẻ; còn người Mỹ là sám hối và xúc động trước lòng nhân hậu, vị tha. Sức truyền cảm của truyền thống tốt đẹp của người Việt đã cảm hóa và làm nên những kỳ tích trong lịch sử ngoại giao của ta” - đó là nhìn nhận của nguyên thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2001-2007 Nguyễn Tâm Chiến - người thấu hiểu và trải nghiệm trọn vẹn những bước đi “tìm hiểu rồi thấu hiểu rồi lắng nghe” thời kỳ ấy của mối quan hệ Việt-Mỹ.

Những bước tiến dài, vượt mọi dự đoán

“Khi chúng ta cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh thì lòng tin và tình bạn của chúng ta sẽ ngày càng vững mạnh hơn” - đó là chia sẻ của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink về quan hệ Việt-Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm của ông Trump tới Việt Nam vào năm 2019 để dự hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. (Ảnh: TTXVN)

Và, cũng từ lòng tin ấy, mối quan hệ ấy, cũng theo nhìn nhận của đại sứ Mỹ, đã có những chuyển biến thực sự “phi thường”, vượt qua mọi dự đoán chỉ trong vòng 1/4 thế kỷ. Từ năm 2000, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thực hiện 10 chuyến thăm lẫn nhau, trong đó, phía Việt Nam có ba chuyến thăm Hoa Kỳ nổi bật: chuyến thăm năm 2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, xác lập quan hệ Đối tác toàn diện; chuyến thăm năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - lãnh đạo Đảng cao nhất lần đầu thăm chính thức Hoa Kỳ; và chuyến thăm năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước ASEAN tới Washington sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Về phía Hoa Kỳ, các Tổng thống đương nhiệm đều ghé thăm Việt Nam, riêng Tổng thống Donald Trump đã thăm Việt Nam hai lần vào năm 2017 và 2019.

Qua các chuyến thăm, hai bên đã thông qua 8 Tuyên bố chung. Trong đó, đáng chú ý nhất là Tuyên bố chung năm 2013 thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ với 9 lĩnh vực hợp tác trọng tâm, trong đó lần đầu tiên xác định nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm lịch sử 7/2013, hai bên tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. (Ảnh: TTXVN)

Hai nước phối hợp ngày một chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, APEC, ARF, EAS…, cũng như trong việc xử lý nhiều vấn đề lớn như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống tội phạm xuyên quốc gia, các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; phát triển bền vững tiểu vùng Mekong và thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ. Việt Nam và Mỹ đẩy mạnh hợp tác trong bảo đảm tự do và an toàn an ninh hàng hải, hàng không ở khu vực, thúc đẩy giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, nhất là trong năm Việt Nam đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN 2020.

Trên bình diện kinh tế, quan hệ Việt-Mỹ có những bước chuyển vượt bậc. Từ mức 450 triệu USD trong 1995, kim ngạch song phương đã tăng 170 lần lên 76 tỷ USD vào năm 2019. Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ. Năm 2019, Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ đã bình chọn Việt Nam là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donal Trump (Ảnh: TTXVN)

Sự phát triển mạnh mẽ, như một “kỳ tích đặc biệt” như nhìn nhận của Tổng thống Mỹ Donald Trump là thành quả của tầm nhìn xa trông rộng và quyết tâm cao của lãnh đạo hai nước, cũng là minh chứng cho “sự tin tưởng và thấu hiểu” mà chính quyền và nhân dân hai nước thật tâm vun trồng, bồi đắp.

Phát huy tương đồng, hướng tới tương lai

“Tôi nhận thấy khá rõ là còn nhiều cơ hội để phát triển quan hệ hai nước một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa” có lẽ các chuyên gia, các nhà ngoại giao, giới quan sát sẽ ít nhiều đồng tình với nhận định ấy của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2011-2014 về tương lai của mối quan hệ Việt-Mỹ. Chuyến thăm đầy bất ngờ, được cho là nằm ngoài lịch trình ban đầu (theo thông báo ban đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, lịch trình chuyến công du gồm 4 nước, đến ngày 29/10 mới có thêm điểm đến Việt Nam) của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cho thấy việc phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam là sự quan tâm lớn của nước Mỹ.

Một mối quan hệ Việt-Mỹ chỉ có thể phát triển và dài lâu khi được xây dựng trên nền tảng vững chắc của lòng tin. Chuyến thăm Việt Nam đầy bất ngờ, nằm ngoài kế hoạch giữa thời Covid của Ngoại trưởng Mỹ Michael Richard Pompeo cuối tháng 10 vừa qua thêm một lần nữa cho thấy niềm tin ấy đang được bồi đắp cho một mối quan hệ ngày càng thực chất hơn…

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo tới Việt Nam vừa là quan hệ song phương vừa có ý nghĩa đa phương. (Ảnh: VGP)

Và thực tế, tại các cuộc hội đàm trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Mike Pompeo luôn luôn khẳng định mạnh mẽ mong muốn ấy, sự quan tâm ấy, rằng Mỹ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực, đồng thời cam kết duy trì quan hệ ổn định và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ hai nước tiến triển thực chất, tin cậy, hiệu quả, bền vững, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

“Thật tuyệt vời khi gặp gỡ Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội hôm nay để thảo luận về cam kết Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Mỹ với trung tâm là ASEAN. Mối quan hệ đối tác của chúng ta đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi chúng ta kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao” - từ sự phấn khích được đương kim Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ trên mạng Twitter sau cuộc làm việc tại Hà Nội ngày 30/10 có thể thấy, mong mỏi mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lá thư gửi Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump nhân dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (12/7/1995 - 12/7/2020) đã bày tỏ: “Việt Nam tin rằng, với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho an ninh, hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới” hoàn toàn có cơ hội trở thành hiện thực.

Lòng tin đã sưởi ấm mối quan hệ Việt-Mỹ và lòng tin sẽ tiếp tục đưa mối quan hệ ấy ngày càng ấm nồng hơn. Như cách cựu Tổng thống Obama từng “lẩy Kiều” trên đất Việt Nam năm nào: “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận