46 năm quan hệ Việt - Ấn

46 năm qua, từ nỗ lực ươm mầm của hai vị lãnh tụ, mối bang quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển.

 

“Trong sáng như bầu trời không một gợn mây” - cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét như vậy về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ. Câu nói ấy đến ngày hôm nay vẫn giữ nguyên giá trị bởi 46 năm qua, từ nỗ lực ươm mầm của hai vị lãnh tụ, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển.

Từ duyên nợ hiếm có

Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao vào năm 1972. Tuy nhiên, trước đó, từ những năm 1950 của thế kỷ trước, nhờ nỗ lực không mệt mỏi của hai vị lãnh tụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru, quan hệ giữa hai nước đã hiện diện thành hình hài. Có thể nói, tầm nhìn xa trông rộng và sự chân thành của hai nhà lãnh đạo đã giúp dệt nên một thứ sợi bền lâu cho mối quan hệ đẫm sự ân tình và vững bền bất chấp khoảng thời gian gần 5 thập kỷ đầy những biến động.


Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ năm 1958. Ảnh K.T

Ngay từ năm 1947, trong bối cảnh Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao với các nước, Thủ tướng Nehru đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị Liên Á do Ấn Độ tổ chức. Điều đó cho thấy Ấn Độ là nước sớm nhất thừa nhận chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong khi nhiều nước còn dè dặt, băn khoăn trong việc đặt quan hệ với Việt Nam thì Thủ tướng Nehru đã là chính khách nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam ngày 17/10/1954, chỉ một tuần sau ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Cùng đi với ông hồi ấy còn có bà Indira Gandhi - cô con gái duy nhất của ông, chính khách giữ chức vụ Thủ tướng Ấn Độ lâu nhất qua 4 nhiệm kỳ. "Thật lý thú khi hai nhân vật nổi bật nhất của đất nước Ấn Độ lại cùng có mặt ở Việt Nam vào thời điểm lịch sử đó", nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên từng chia sẻ. Việc Thủ tướng Nehru đưa cả cô con gái cưng duy nhất sang mảnh đất xa xôi, khó có thể lý giải cách nào khác hơn ngoài việc đó là sự trân quý, mối thân tình riêng ông dành cho Việt Nam, dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với người đứng đầu chính phủ Ấn Độ, tình cảm dành cho nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam như “tiền định”. Bởi trước đó gần 3 thập kỷ, không hẹn mà gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên đoàn chống đế quốc tổ chức trong những ngày đầu tháng 12/1927 tại Brussels, Bỉ, đã gặp Motilal Nehru, nhà hoạt động tích cực đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ thời kỳ đầu. Motilal Nehru, không phải ai khác, chính là cha đẻ của Jawaharlan Nehru. Năm 1943, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bị giam giữ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch thì Jawaharlal Nehru là một tù nhân của chế độ thực dân Anh. Cùng một hoàn cảnh, thế nên trong tập "Nhật ký trong tù", nhà thơ Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đã có hẳn một bài thơ tựa đề "Ký Nê Lỗ" (gửi Nehru) với những vần thơ đầy nhiệt huyết đến Nehru: "Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động, Anh phải vào lao, tôi ở tù; Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt, Không lời mà vẫn cảm thông nhau...”. (cho ảnh vào đây)

Cách đây 14 năm, trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Thủ tướng Jawaharlal Nehru, Tổng Lãnh sự Ấn Độ S. K. Mandalđã khẳng định cuộc gặp tại Hà Nội ngày 17/10/1954 giữa hai nhà lãnh đạo “có trí tuệ phi thường của thế kỷ trước” trở thành đặc biệt và “vẫn khắc ghi đậm nét trong lòng người dân Việt - Ấn” là bởi bối cảnh lịch sử của nó. “Đấy là một thời khắc trong lịch sử khi những tâm hồn của hai dân tộc vĩ đại vượt ra khỏi sự thống trị ngoại bang tìm được tiếng nói chung”, ông S. K. Mandal nhấn mạnh.

Dệt nên mối ân tình

Cũng bởi “tìm được tiếng nói chung” mà tình bang giao Việt-Ấn nhanh chóng “đơm hoa kết trái”. Cũng trong năm 1954, Ấn Độ mở Tổng lãnh sự quán tại Hà Nội và chỉ 2 năm sau, Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ lãnh sự. Tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu VNDCCH lần đầu tiên sang thăm Ấn Độ với cương vị nguyên thủ quốc gia. Cả đất nước của sông Hằng đã đón chào nhà lãnh đạo Việt Nam với tình cảm nồng hậu, chân thành và trọng thị nhất. Báo chí Ấn Độ từng tường thuật cặn kẽ rằng trong cuộc mít tinh hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô New Delhi, phía Ấn Độ đã làm sẵn một chiếc ghế cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi trên bục danh dự. Chiếc ghế trông như một cái ngai vàng, rất lớn. Lúc đó, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru ngồi trên một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi Jawaharlal Nehru mời Hồ Chí Minh ngồi vào chiếc ghế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh dứt khoát từ chối. Thủ tướng Jawaharlal Nehru nói: “Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi”. Hai vị lãnh tụ của hai nước cứ nhường nhau, cuối cùng chẳng ai ngồi lên chiếc ghế lớn ấy. Rốt cuộc, chiếc ghế tựa ngai vàng được chuyển đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Cũng trong chuyến thăm Ấn Độ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Ranmitra Sen, người sinh viên bị bắn trọng thương trong cuộc biểu tình ủng hộ các chiến sĩ đấu tranh cho tự do của nhân dân Việt Nam vào tháng 1/1947. Bỏ qua nghi thức ngoại giao, Người đến chào và dành cho anh cái ôm thật chặt.

Cái ôm của vị nguyên thủ dành cho một người lính và câu chuyện nhường ghế đã để lại trong lòng người dân xứ Ấn những cảm xúc khó quên, với họ, Việt Nam đã thực sự trở thành những người bạn. Cũng bởi đã coi nhau là bạn nên ngay trong những ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam đang hồi ác liệt nhất, nhân dân Ấn Độ đã sát cánh, chung vai cùng nước bạn.  Ngày 7/1/1972, Ấn Độ và Việt Nam tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ bất chấp sức ép của các thế lực thù địch. Những bài viết ủng hộ Việt Nam và đòi hòa bình, thống nhất cho Việt Nam luôn nóng hổi trên các mặt báo của Ấn Độ. Những người anh em Ấn Độ liên tục xuống đường ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, hô vang khẩu hiệu Tên anh Việt Nam, tên tôi Việt Nam, tên chúng ta Việt Nam, Việt Nam Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ”. Chính trong những ngày tháng đó, người dân Việt Nam cũng cảm nhận được rõ nét hơn bao giờ hết những tình cảm ân tình của những người bạn Ấn.

Mãi mãi đậm đà, thủy chung

Gần nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày hai nước Việt Nam - Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, thế giới đã qua bao đợt biến thiên, nhưng tình hữu nghị của hai nước không những vẹn nguyên những ân tình, thủy chung, mà còn liên tục được bồi đắp để mối quan hệ ấy ngày càng phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả. Tháng 5/2003, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có bước tiến mới khi hai bên ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI”. Năm 2007, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên chính thức xác lập quan hệ “Đối tác chiến lược”. Sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (tháng 9/2016), quan hệ song phương được mở thêm trang mới với việc lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nâng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Thời gian gần đây, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Tin cậy chính trị ngày càng được thắt chặt thông qua việc duy trì đều đặn các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước.
Từ đầu năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ (tháng 3/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ và kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (tháng 1/2018), và giờ đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Ram Nath Kovind từ 18-21/11/2018.

Tựa như một ngôi nhà, sẽ trụ vững trên một nền móng vững chắc, tình hữu nghị Việt-Ấn được dệt nên bởi những sợi tơ ân tình, bền chặt, tin chắc rằng, sẽ mãi trường tồn cùng thời gian./.

Trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nath Kovind, hai bên đã cùng bảy tỏ vui mừng khi thương mai song phương giữa hai nước tăng trưởng mạnh, Ấn Độ trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hai bên cũng khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ LHQ, nhất trí ủng hộ lẫn nhau ứng cử vị trí Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ (Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021 và Ấn Độ nhiệm kỳ 2021-2022).
 

Bình luận

    Chưa có bình luận