“Vinh danh lợi ích vĩ đại nhất đối với nhân loại”, từ lâu, đã là tiêu chí bất thành văn được Hội đồng giải thưởng Nobel áp dụng trong tất cả các mùa giải Nobel. Các công trình được vinh danh đều là những công trình nghiên cứu, tác phẩm có giá trị nhân văn, những phát hiện vĩ đại góp phần thay đổi lịch sử nhân loại. Những giải thưởng đầu tiên của giải Nobel 2020 một lần nữa minh chứng điều đó.
Nobel Y sinh 2020: Lần đầu tiên, dấy lên hy vọng xóa sổ bệnh viêm gan C
Mùa giải Nobel 2020 chính thức khởi động với lễ trao giải Nobel Y sinh được công bố chiều 5/10 (giờ Việt Nam) dành cho ba nhà khoa học: nhà nghiên cứu, nhà virus học và bác sĩ người Mỹ Harvey J. Alter, nhà khoa học người Anh Michael Houghton và nhà virus học người Mỹ Charles M. Rice. Ông Harvey J. Alter công tác tại Viện Y tế Quốc gia (NIH), ông Michael Houghton làm việc tại Trường ĐH Alberta (Canada) và ông Charles M. Rice là chuyên gia về virus học người Mỹ tại Trường ĐH Rockefeller.
Trong đó, Michael Houghton đã sử dụng một chiến lược chưa được thử nghiệm để phân lập bộ gene của virus mới được đặt tên là virus viêm gan C. Nhà khoa học Charles M. Rice cung cấp bằng chứng cuối cùng cho thấy chỉ riêng virus viêm gan C có thể gây ra bệnh viêm gan, còn các nghiên cứu về bệnh viêm gan do truyền máu của nhà khoa học Harvey J. Alter đã chứng minh rằng một loại virus không xác định là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm gan mãn tính.
Theo Ủy ban Nobel, những nghiên cứu này đã đóng góp mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại bệnh viêm gan lây truyền qua đường máu, một vấn đề sức khỏe toàn cầu gây ra xơ gan và ung thư gan giai đoạn cuối. Cụ thể, phát hiện của bộ ba nhà khoa học giúp làm rõ đươc nguyên nhân những ca bệnh viêm gan mạn tính, mở ra khả năng xét nghiệm máu. Phát hiện của 3 nhà khoa học cũng giúp phát triển nhanh chóng các loại thuốc kháng virus chống viêm gan C. Từ thực tế đó, lần đầu tiên trong lịch sử, căn bệnh này có thể được chữa khỏi, làm tăng hy vọng xóa sổ viêm gan C trên thế giới. “Lần đầu tiên trong lịch sử, virus viêm gan C có thể được chữa khỏi” - Ủy ban Nobel nói khi công bố quyết định giải thưởng.
Hy vọng này nếu trở thành hiện thực sẽ không chỉ là bước đột phá trong lĩnh vực y học mà còn là công trình khoa học mang ý nghĩa nhân văn lớn trong bối cảnh thế giới đang chống chọi với Covid-19 - đại dịch tồi tệ nhất trong 1 thế kỷ. Cũng chính hệ lụy tồi tệ của đại dịch này đã hướng sự chú ý của toàn cầu tới hoạt động nghiên cứu. "Đại dịch là một cuộc khủng hoảng lớn đối với nhân loại, nhưng nó cho thấy khoa học quan trọng như thế nào" - người đứng đầu Quỹ Nobel Lars Heikensten nói. Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, bệnh viêm gan C được xem là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong hơn cả dịch Covid-19, ý nghĩa nhân văn vì thế, cũng lớn lao không kém. “Đây là một vấn đề lớn, một bước tiến dài” - giáo sư Đại học Hoàng gia London (Anh) ngợi ca về giải Nobel Y sinh 2020.
Nobel Vật lý 2020: Khám phá về một trong những hiện tượng kỳ thú nhất của vũ trụ
Chỉ một ngày sau giải thưởng Y sinh, một giải thưởng khoa học giàu sức ảnh hưởng và được đón nhận nhiều hơn cả: giải thưởng Nobel Vật lý cũng đã được Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển công bố lúc 16 giờ 55, ngày 6/10 (giờ Hà Nội). Theo đó, các nhà nghiên cứu Roger Penrose (người Anh), Reinhard Genzel (người Đức) và Andrea Ghez (người Mỹ) đã là chủ nhân mới của giải thưởng danh giá này. Roger Penrose hiện là giáo sư tại Đại học Oxford. Nhà nghiên cứu Reinhard Genzel hiện đang làm việc tại Viện Vật lý ngoài hành tinh Max Planck tại Garching, Đức và tại Đại học California, Berkeley. Tiến sĩ Andrea Ghez hiện là giáo sư tại Đại học California, Los Angeles.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Vật lý, ông David Haviland, đánh giá những phát hiện của các nhà khoa học đoạt giải năm nay đã đặt nền móng cho nghiên cứu về các vật thể đặc và siêu nặng, tôn vinh những khám phá về một trong những hiện tượng kỳ thú nhất của vũ trụ: hố đen. Điểm đáng giá nhất của công trình nghiên cứu của bộ ba này là việc: Roger Penrose đã chứng minh được thuyết tương đối tổng quát dẫn tới sự hình thành của hố đen; Reinhard Genzel và Andrea Ghez phát hiện vật thể vô hình siêu nặng chi phối quỹ đạo của những ngôi sao ở trung tâm dải Ngân Hà và cách lý giải duy nhất hiện nay là sự tồn tại của một hố đen siêu khối lượng.
Trong đó, được chú ý bàn luận hơn cả là việc Roger Penrose sử dụng các phương pháp toán học nhằm chứng minh hố đen là kết quả trực tiếp từ thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein. Thực ra, cách đây nhiều năm, tháng 1/1965, 10 năm sau khi Einstein qua đời, Roger Penrose đã chỉ ra được rằng hố đen thực sự có thể hình thành và mô tả chi tiết về chúng. Ở trung tâm, hố đen chứa điểm kỳ dị mà tại đó, mọi quy luật tự nhiên đã biết đều không thể áp dụng. Trong khi đó, lúc sinh thời, chính Einstein không tin hố đen thực sự tồn tại.
Theo hội đồng giải thưởng Nobel, nghiên cứu của Roger Penrose mang tính đột phá và đóng góp quan trọng nhất vào thuyết tương đối tổng quát của Einstein. "Phát hiện của những người đoạt giải năm nay mở ra nền tảng mới trong nghiên cứu về các vật thể đặc và khổng lồ. Tuy nhiên, những vật thể thú vị này vẫn đặt ra nhiều câu hỏi cần được trả lời và thôi thúc thêm các nghiên cứu trong tương lai. Đây không chỉ là những câu hỏi liên quan đến cấu trúc bên trong của chúng, mà còn liên quan đến cách kiểm tra thuyết tương tác hấp dẫn trong các điều kiện cực đoan gần hố đen" - Chủ tịch Hội đồng Nobel Vật lý David Haviland khẳng định. Làm tròn được sứ mệnh mà thiên tài Albert Einstein đã đeo đuổi và dang dở, tạo nên những phát hiện mang tính nền tảng cho nhân loại, thì dù còn nhiều điều cần phải phát triển tiếp, công trình nghiên cứu giải thưởng Nobel Vật lý 2020 năm nay, vẫn là thứ mà nhân loại đang rất mong chờ. Chúng thực sự đáng giá.
Nobel Hóa học 2020: Vì phát triển phương pháp chỉnh sửa gene, giúp "viết lại mã sự sống"
Đúng 16h45 ngày 7/10 (theo giờ Hà Nội), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển đã công bố tên chủ nhân mới của giải Nobel Hóa học 2020. Hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier người Pháp và Jennifer A. Doudna người Mỹ đã phát hiện ra một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ gene: “chiếc kéo” CRISPR/Cas9-. Sử dụng công nghệ này, các nhà nghiên cứu có thể thay đổi ADN của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cực cao. Công nghệ này có thể cách mạng hóa ngành khoa học nghiên cứu về sự sống phân tử, mang lại cơ hội mới cho việc nhân giống cây trồng, góp phần vào các liệu pháp điều trị ung thư sáng tạo và có thể biến ước mơ chữa khỏi các bệnh di truyền thành hiện thực.
Đánh giá về ý nghĩa của công trình nghiên cứu khoa học này, bà Pernilla Wittung Stafshede, thành viên Hội đồng Nobel cho biết: “Đây là một giải thưởng cao quý mà rất nhiều mong đợi. Nhóm tác giả đã phát triển phương pháp chỉnh sửa bộ gene, tạo ra một cuộc cách mạng khoa học về sự sống. Giờ chúng ta có thể dễ dàng chỉnh sửa bộ gene như mong muốn, điều mà trước đây chúng ta rất khó khăn hoặc thậm chí không thể thực hiện”./.
Sau giải Nobel Vật lý và Nobel Hóa học, các giải Nobel Văn học, Nobel Hòa bình và Nobel Kinh tế sẽ lần lượt được vinh danh. Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel được trao 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1,12 triệu USD), tăng thêm 1 triệu krona so với năm ngoái. Giải thưởng sẽ được chia đều, nếu có nhiều hơn một người được vinh danh. Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-VoV-2 gây ra, năm 2020 sẽ là năm đầu tiên kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống tại Thụy Điển sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình. |