'Thiên đường' của người già

Dù còn nhiều thách thức không dễ vượt qua, nhưng ở nhiều quốc gia, chính sách an sinh cho người già từ lâu đã rất được chú trọng.

 

Người Việt có câu “Kính già, già để tuổi cho”. Việc chăm sóc, chu toàn cho người cao tuổi đã được nhiều quốc gia xem đó là đạo lý, là bổn phận. Dù còn nhiều thách thức không dễ vượt qua, nhưng ở nhiều quốc gia, chính sách an sinh cho người già từ lâu đã rất được chú trọng.

Nhật Bản - xã hội “thân thiện với người cao tuổi”

Nhật Bản nhiều thập kỷ qua luôn đứng đầu danh sách những quốc gia có tỷ lệ dân số già hóa cao nhất. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ già hóa này ngày càng nhanh. Theo dữ liệu ngày 15/9/2020 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số người trên 65 tuổi ở Nhật Bản là 36,17 triệu người, mức cao kỷ lục, tăng 300.000 người so với cùng thời điểm năm ngoái. Như vậy, người cao tuổi chiếm 28,7% dân số nước này, tăng 0,3% so với năm ngoái và cũng là mức cao kỷ lục. Đặc biệt, tại Nhật Bản có 80.450 người từ 100 tuổi trở lên, tăng 9.176 người so với năm ngoái. Hiện, số cụ bà từ 100 tuổi trở lên là 70.975, trong khi số cụ ông là 9.475. Tỉnh Shimane ở phía tây Nhật Bản là địa phương có tỷ lệ người từ 100 tuổi trở lên/100 nghìn người cao nhất ở Nhật Bản (127,6), tiếp theo là các tỉnh Kochi (119,77) và và Tottori (109,89). Các chuyên gia đã dự đoán rằng tỷ lệ người dân trên 65 tuổi sẽ còn tăng lên và chiếm 40% dân số Nhật đến năm 2060.

Nhật Bản nhiều thập kỷ qua luôn đứng đầu danh sách những quốc gia có tỷ lệ dân số già hóa cao nhất. (Ảnh: KT)

Con số 40% đó nếu xảy đến thực sự sẽ là thách thức không nhỏ đối với đất nước Mặt trời mọc, đặc biệt là áp lực kinh tế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, Nhật Bản dường như đã sẵn sàng cho những thách thức ấy. Không những thế, từ lâu Nhật Bản đã được xem là xã hội “thân thiện với người cao tuổi”. Đặc biệt, Nhật Bản từ lâu đã rất chú trọng tới chất lượng dịch vụ y tế cho người cao tuổi (NCT). Trong chăm sóc y tế, NCT chỉ phải chi trả 10% phí chăm sóc - chữa bệnh, 90% còn lại sẽ được thanh toán từ tiền bảo hiểm.

Nhật Bản từ lâu cũng đã chủ trương xây dựng một ngành công nghiệp phục vụ và chăm sóc sức khoẻ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhóm dân số già. Nhờ có những dịch vụ này mà NCT ở Nhật được chăm sóc sức khỏe tận tình, được kết nối với bạn bè và duy trì lối sống năng động, khoẻ mạnh và độc lập. Chính phủ Nhật cũng cung cấp những dịch vụ công cho những NCT muốn rèn luyện trí nhớ và duy trì độ minh mẫn. Tất cả những dịch vụ đó được cung cấp ra nhằm đảm bảo cho NCT ở Nhật Bản có được cuộc sống khoẻ mạnh nhất có thể mà không cần phải vào viện dưỡng lão. Họ có thể theo đuổi những sở thích mới, học những kỹ năng khác như bơi lội, tập thể dục và tham gia vào những hoạt động tập thể khác tại các lớp học do chính phủ hỗ trợ. Những NCT ở Nhật còn được giảm giá khi sử dụng dịch vụ làm tóc, dịch vụ mát xa. Để góp phần giảm bớt áp lực cho việc chăm sóc người già, các trung tâm chăm sóc người lớn tuổi trên khắp Nhật Bản đã thử nghiệm các loại robot có khả năng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thể chất cho người lớn tuổi.

Một điều rất đặc biệt tại Nhật Bản, có thể coi là một hướng đi hay cho nhiều quốc gia học hỏi là tại đất nước Mặt trời mọc, người già được khuyến khích tiếp tục làm việc. Trong quan điểm của Chính phủ Nhật, hỗ trợ những NCT có công việc, không chỉ giúp họ có thêm thu nhập, được sống vui, sống khỏe, sống có ích, mà còn phát huy kiến thức, kinh nghiệm của họ cho xã hội, cho đất nước. Chính phủ Nhật đã chọn lọc ưu tiên một số việc nhẹ nhàng, phù hợp tuổi tác dành cho người già như pha chế, thu ngân, bán hàng, bảo vệ, chăm sóc cây cảnh…

Người già tại châu Âu luôn được hưởng chế độ an sinh xã hội tốt nhất có thể. (Ảnh: KT)

Đức: Chính sách riêng trong việc chăm sóc người cao tuổi

Đúng với cái tên “lục địa già”, ngoài Nhật Bản, châu Âu là châu lục có tỷ lệ người già thuộc hàng cao nhất. Trong hơn 50 năm qua, tuổi thọ trên khắp châu Âu đã tăng khoảng 10 năm, hiện nay là 75 tuổi đối với nam và 84 tuổi đối với nữ. Châu Âu cũng có độ tuổi trung bình cao nhất trong các lục địa trên thế giới (42) cao hơn đáng kể so với vị trí thứ hai là Bắc Mỹ (35) và hơn nhiều so với lục địa trẻ nhất thế giới - châu Phi (18). Trong 30 năm tới, LHQ dự đoán, dân số toàn cầu sẽ đạt gần 10 tỷ người, nhưng dân số châu Âu sẽ giảm tới 26 triệu vào năm 2050. Theo dự báo của LHQ, từ năm 2015 đến 2017, các quốc gia ở Đông Âu chứng kiến sự sụt giảm dân số lớn nhất, với Bulgaria, Latvia, Ukraine, Ba Lan và Hungary giảm nhiều nhất.

Dù còn rất nhiều thách thức trước áp lực lớn của việc già hóa dân số nhưng từ lâu, các quốc gia châu Âu đặt vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho NCT lên hàng đầu trong hệ thống an sinh xã hội. Đơn cử như cách đây một năm, Đại học Porto phối hợp với Trung tâm vì sức khỏe của NCT Bồ Đào Nha khởi động chương trình Porto4Ageing. Mục tiêu của dự án nhằm giúp những NCT ở châu Âu sống tích cực và độc lập hơn với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ. NCT có thể sử dụng các công cụ trực tuyến để kết nối với bạn bè và gia đình thông qua các ứng dụng nhắn tin, trò chuyện video hay mạng xã hội khi mọi người không thể qua lại ghé thăm nhau.

Theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2019 của Liên hợp quốc (UN), dân số thế giới được dự báo sẽ tăng thêm 2 tỷ người vào năm 2050. Tuổi thọ trung bình toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 72,6 lên 77,1 tuổi vào năm 2050. Số lượng người từ 80 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, từ 143 triệu người vào năm 2019 lên 426 triệu người vào năm 2050. Theo dự báo, tới năm 2050, cứ 4 người tại châu Âu và Bắc Mỹ có một người trên 65 tuổi. Dân số già được cho là gây bất lợi cho kinh tế toàn cầu bởi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ít hơn, người già nhiều hơn, đẩy chi phí chăm sóc y tế lên cao.

90% người già tại Đức sống trong viện dưỡng lão, bệnh viện; hoặc khu chăm sóc chuyên biệt. (Ảnh: KT)

Trong các nước châu Âu, Italy, Đức là những là quốc gia có tỷ lệ NCT thuộc hàng cao nhất châu Âu. Đơn cử tại Đức, cứ 8 người tại Đức, lại có 1 người trên 60 tuổi. Nhưng nước Đức cũng được xem là một trong những quốc gia chăm sóc NCT tốt nhất. Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế (HelpAge International) xếp hạng nước Đức đứng thứ 5/96 nước có chất lượng cuộc sống NCT tốt nhất.

90% người già tại Đức sống trong viện dưỡng lão, bệnh viện; hoặc khu chăm sóc chuyên biệt. Chính phủ Liên bang Đức cũng đã tài trợ cho không ít các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm nhẹ áp lực cho công tác chăm sóc bệnh nhân tại nhà, ví dụ như hệ thống phát hiện tình trạng khẩn cấp tự động dành cho người già neo đơn.

Đại dịch Covid-19 là phép thử lớn nhất cho tính ưu việt của hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như an sinh xã hội cho người già tại Đức. Trong khi người già là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch. Các nghiên cứu cho thấy mức độ nghiêm trọng của Covid-19 tăng theo tuổi. Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, tại Mỹ, những người từ 65 tuổi trở lên đã chiếm tới 31% các trường hợp mắc bệnh và 80% trong số đó đã tử vong. Tuy nhiên, tại Đức, mọi chuyện lại khác. Đức nằm trong số các nước có số ca mắc bệnh nhiều nhất nhưng tỷ lệ tử vong lại chỉ khoảng 0,4%. "Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi có lẽ là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới" - tuyên bố đầy tự tin ấy của Thủ tướng Đức Angela Merkel có lẽ sẽ khiến nhiều quốc gia “nóng mặt” nhưng thực sự là có cơ sở. Thực tế là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, Đức có hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng đắt đỏ và phổ quát nhất. Và người già tại Đức là đối tượng may mắn được thụ hưởng sự ưu việt ấy./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận