Tình đẹp của mùa Thu cách mạng

Mối tình Nguyễn Văn Huyên - Vi Kim Ngọc là một trong những mối tình đặc biệt nhất của thuở cả dân tộc dốc sức làm nên cuộc cách mạng mùa Thu lịch sử.

 

Hoàn toàn không ngoa ngôn nếu nói rằng mối tình Nguyễn Văn Huyên - Vi Kim Ngọc là một trong những mối tình đẹp nhất, đặc biệt nhất của thuở cả dân tộc dốc sức, đồng lòng đứng lên tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc cách mạng mùa Thu, giành lại nền độc lập tự do cho nước Việt.

Đẹp nhất, đặc biệt nhất, bởi nhìn lại hành trình tình yêu ấy, không chỉ hiểu rõ thêm nhiều điều thú vị về cặp giai nhân - trí thức nức tiếng Việt Nam đầu thế kỷ XX mà còn có cơ hội đắm mình trong một dòng chảy không thể quên của lịch sử dân tộc.

Chú rể Nguyễn Văn Huyên và cô dâu Vi Kim Ngọc. (Ảnh: KT)

Trai tài gái sắc

Không khác các cặp đôi thường xuất hiện trong các tiểu thuyết ngôn tình, Nguyễn Văn Huyên - Vi Kim Ngọc của đời thực cũng thực sự là một cặp đôi trai tài gái sắc. Những năm đầu thế kỷ XX, nàng Vi Kim Ngọc (1916-1988) đã là niềm khao khát của bao nam nhân thời đó không chỉ bởi nhan sắc xinh đẹp, khả năng cầm kỳ, thi, họa hiếm có mà còn bởi nguồn gốc danh gia vọng tộc giàu có và quyền lực nức tiếng.

Cha nàng là ông Vi Văn Định (1878-1975) thuộc đời thứ 13 của một dòng họ lớn người Tày. Thời Nguyễn, cụ làm quan, từng được cử đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tri châu Lộc Bình, trợ tá tỉnh vụ Lạng Sơn, Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, Tổng đốc tỉnh Thái Bình, Tổng đốc Hà Đông (tương đương hàm quan nhất phẩm của triều Nguyễn). Sau ngày độc lập, nghe theo tiếng gọi của Hồ Chủ tịch, cụ đi theo cách mạng, là Ủy viên Trung ương Hội Liên Việt, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cũng bởi là con nhà quan nên Vi Kim Ngọc được cha cho học hành đến nơi đến chốn cùng sự giáo dục vô cùng nghiêm khắc.

Bà Vi Kim Ngọc với nhan sắc xinh đẹp thời con gái.

Có lẽ bởi vậy mà thời đó Vi Kim Ngọc đã nức tiếng không chỉ bởi tư cách, cử chỉ đoan trang, khuôn phép mà còn bởi sự thông minh và tài năng. "Bạn bè mẹ tôi hay nói, mẹ tôi có trí nhớ thông tuệ, đáng kinh ngạc. Bà học một nhưng hiểu mười. Ít ai sánh kịp", người con trai út - PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể lại. Còn một người bạn của bà thì trầm trồ: “Cái làm tôi thích thú nhất là Ngọc đánh dương cầm hay lại biết vẽ, tính tình ý nhị nhẹ nhàng. Thật là một người lý tưởng”.

Không chỉ mang trên mình dòng dõi trâm anh thế phiệt, nàng Vi Kim Ngọc từ thuở thiếu thời cònnổi tiếng khắp vùng bởi nhan sắc xinh đẹp hơn người. PGS.TS Nguyễn Văn Huy từng chia sẻ: “Dì Kim Phú (em gái bà Vi Kim Ngọc) thường kể, ở tuổi mười tám, mẹ tôi và dì được mệnh danh là ngôi sao tỉnh Thái Bình vì nhan sắc diễm lệ. Năm 1935, một nhiếp ảnh gia vô tình gặp chị em bà Vi Kim Ngọc trong hội chợ, đã đưa máy lên chụp và gửi đăng báo.Không ngờ, bức ảnh này đã gây xôn xao dư luận, khiến bao chàng trai ngày đêm thầm thương, trộm nhớ”.

Bà Vi Kim Ngọc và các con.

Còn chàng, Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), thời đó cũng là tên tuổi nức tiếng. Năm 1934, Nguyễn Văn Huyên đã là niềm kinh ngạc của báo chí Pháp khi trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris - trường đại học lớn và uy tín của Pháp, ở cái tuổi mới chỉ 26. Hai bản luận án của ông sau đó được in thành sách, xuất bản và được đón nhận cơn mưa lời khen của giới chuyên môn Âu châu.

Tương lai rộng mở là thế nhưng ngay sau khi tốt nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên đã chọn con đường trở về đất nước, khước từ quan, chọn làm nghề dạy học tại trường Bưởi và hành động với tư cách một trí thức yêu nước, tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ; là thành viên của nhóm “Những người đánh điện” (les quatre télégraphistes), ngày 22/8/1945- đúng vào cao trào của cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám, ký tên vào bức điện yêu cầu Vua Bảo Đại thoái vị, trao quyền lãnh đạo đất nước cho Việt Minh…

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên được Bác Hồ và quốc dân tín nhiệm, trở thành Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên chiến với “giặc dốt”và ở trên cương vị ấy suốt gần 30 năm.

Lắng nghe trái tim, quyết liệt cho một tình yêu

Những năm đầu thế kỷ XX, cặp đôi Nguyễn Văn Huyên - Vi Kim Ngọc khiến người người trầm trồ, khâm phục và ngưỡng mộ còn bởi cái cách họ vượt qua lẽ thường để đến được với nhau.

GS.TS Nguyễn Văn Huyên cùng vợ - bà Vi Kim Ngọc trong những năm tháng chung sống hạnh phúc sau này.

Chuyện là thời đó, nhan sắc ấy, gia thế ấy khiến nàng Vi Kim Ngọc, như một lẽ đương nhiên được nhiều chàng trai dòm ngó mong được làm ý trung nhân. Thế nên không ngạc nhiên khi ở tuổi 13, ái nữ nhà quan Tổng đốc đã được gia đình cho hứa hôn với Dương Thiệu Tước - cháu nội của quan Tổng đốc Nam Định Dương Khuê, sau là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước với những nhạc phẩm tình nổi tiếng. Nhưng nàng Vi Kim Ngọc thì nhất quyết không chịu. "Ước mơ của em khi đôi tám xuân xanh, quyết chọn được người tài đức mới dám trao thân, còn không em ở vậy suốt đời... Em đợi chàng trai xứng đáng có đức có tài, thủy chung với em. Em ước có chàng Hoàng Phủ Thiếu Hoa và em sẽ là Mạnh Lệ Quân. Như thế là trai tài gái sắc mới xứng... " - nàng viết trong nhật ký.

Cũng bởi ước mơ thầm kín ấy mà nàng một mực đòi cha phá lệ hủy hôn. Điều bất ngờ là cụ Vi Văn Định đã đồng ý làm một việc hiếm có, thậm chí cấm kỵ thời bấy giờ là “sêu trả 3 năm” để con gái tự lựa chọn người yêu.

Và như sự sắp đặt diệu kỳ của định mệnh, nàng Mạnh Lệ Quân - Vi Kim Ngọc đã tìm thấy chàng Hoàng Phủ Thiếu Hoa của đời mình. “Có anh bạn đưa ảnh cho em xem, ca tụng anh Nguyễn Văn Huyên là tiến sĩ Văn khoa, lại có bằng cử nhân luật. Khi đó anh còn đang học tại Paris. Em nghe cũng thoảng qua chẳng nghĩ đến. Khi anh từ Paris về nước, bạn anh đưa anh xuống Thái Bình thăm nhà. Mẹ cha mời dự bữa cơm trưa. Em cùng anh đôi ta biết nhau từ đó...”, bà Vi Kim Ngọc nhớ lại cơ duyên cuộc tình của mình.

Theo lời kể của GS Nguyễn Văn Huy, cha mẹ ông đã có cuộc tiếp xúc riêng đầu tiên tại Thụy Khuê, trong tư gia của Vân Loan - người bạn gái thân của bà Ngọc, là con gái của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. “Hôm ấy cha tôi đến cùng GS Nguyễn Mạnh Tường. Đó là lần đầu tiên cha mẹ tôi nói chuyện riêng với nhau. Sau đó cha tôi bỏ ông Nguyễn Mạnh Tường ở lại, đưa mẹ tôi lên xe hơi riêng, đi dạo mát vòng quanh Hà Nội”, GS Nguyễn Văn Huy kể lại. Còn theo lời kể của “nữ trưởng” Nữ Hạnh thì: “Sau chuyến du lịch dài này trở về với Thái Bình, ông bà ngoại tôi mấy lần nhận được điện từ Hà Nội gửi tới xin cầu hôn. Mẹ tôi kể rằng, mãi đến khi mẹ tôi nhận được thư cha tôi trực tiếp viết cho ông ngoại và "gửi lời thăm em, người đáng yêu nhất" thì mẹ tôi mới bằng lòng để bên nhà trai xuống Thái Bình cầu hôn”.

Ngày 12/4/1936, đám cưới của tiến sĩ Văn khoa Nguyễn Văn Huyên và con gái ngài Tổng đốc Thái Bình trở thành hôn lễ nức tiếng thời bấy giờ khi được tổ chức hoành tráng với thành phần toàn “trâm anh thế phiệt”. Sự quyết liệt của nàng Vi Kim Ngọc cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng bằng cuộc hôn nhân đầy ắp tình yêu với người chồng nàng luôn mong ước.

Hòa tình riêng trong tình yêu lớn

          Đến với nhau bằng trái tim, sống với nhau ngoài tình yêu nồng thắm còn là sự “tương kính như tân”, chia sẻ và thấu hiểu với nhau mọi điều, nên không mấy ngạc nhiên khi cặp đôi trai tài gái sắc ngày nào, suốt gần 4 thập kỷ, vẫn luôn giữ được ngọn lửa hôn nhân nồng đượm.

Và điều khiến cả 4 người con cũng như hết thảy bạn bè, đồng nghiệp, ngưỡng mộ, kính trọng mối tình của GS Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc là việc hai con người, hai cá tính rất đỗi riêng biệt ấy, trong suốt hành trình gần 40 năm bên nhau, đã biết nương-tựa-hy sinh cho nhau, để rồi hòa tình yêu đôi lứa cá nhân riêng tư vào một dòng chảy tình yêu lớn - tình yêu với sự nghiệp, với cách mạng, với Tổ quốc.

Hôn lễ thuộc hàng “thượng lưu” của Chú rể Nguyễn Văn Huyên và cô dâu Vi Kim Ngọc thời bấy giờ.

"Huyên ra đi cũng thừa thấy là làm thiệt thòi cho vợ và các con nhiều. Song như Ngọc nói, đây là dịp để Huyên thay mặt cho nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng trong một nước nô lệ từ ngày hiểu biết đến nay ngoài hai chục năm thở vắn than dài, cố sức sửa mình để thoát khỏi vòng áp chế” - có lẽ phải thấu hiểu đến từng câu chữ, phải cảm nhận hết tình cảm, sự lo lắng mà người chồng giáo sư dành cho mình trong lá thư được gửi từ nước Pháp trong chuyến ông tháp tùng Hồ Chủ tịch tham dự Hội nghị Fontainebleau năm 1946- người phụ nữ vốn tưởng như chỉ quen sống trong cảnh nhung lụa, người hầu kẻ hạ Vi Kim Ngọc mới nhẹ nhàng từ bỏ Hà Nội phồn hoa, lên chiến khu gian khổ. Có thể thấy rõ sự đồng cảm ấy qua những tâm tình Bà Vi Kim Ngọc gửi chồng mình:“Ngọc là người sinh trưởng trong một gia đình hào phú cũng có trí cao thượng không bo bo giữ cái lợi tức thời nên cũng trợ giúp Huyên tìm đường thoát ly khỏi cái vòng nô lệ. Vả chúng ta đã thường bàn với nhau là những năm này là những năm tuyệt vời tốt đẹp trong đời chúng ta”.

“Lòng dũng cảm và sự hy sinh của mẹ bước theo con đường Bác Hồ đã mở để tạo điều kiện cho cha tôi yên tâm lo việc nước… Rất ít khi cha tôi có mặt và làm việc ở nhà kể từ ngày chạy loạn vào Hà Đông cho đến những ngày tản cư lên Việt Bắc. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, mọi gian nan vất vả một nách 4 con thơ, đổ tất lên vai mẹ tôi. Cha tôi đi công tác biền biệt. Chúng tôi chẳng biết cha làm việc ở đâu và như thế nào. Tóm tắt một cuộc đời, một lý lịch thì ngắn gọn và dễ dàng. Nhưng từ một phụ nữ nội trợ đến khi trở thành cán bộ là quá trình đổi thay rất lớn về nội tâm” - viết những dòng ấy trong nhật ký, hẳn người con trai út Nguyễn Văn Huy đã thấu hiểu hết mọi sự hy sinh cho việc nước của mẹ, của cha.

Bà Vi Kim Ngọc trong những năm kháng chiến.

Và điều khiến cả 4 người con cũng như hết thảy bạn bè, đồng nghiệp, ngưỡng mộ, kính trọng mối tình của GS Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc là việc hai con người, hai cá tính rất đỗi riêng biệt ấy, trong suốt hành trình gần 40 năm bên nhau, đã biết nương-tựa-hy sinh cho nhau, để rồi hòa tình yêu đôi lứa cá nhân riêng tư vào một dòng chảy tình yêu lớn - tình yêu với sự nghiệp, với cách mạng, với Tổ quốc.

Một trí thức lớn, một đấng nam nhi nguyện “thay mặt nhà mà đền nợ nước”. Một giai nhân nguyện gánh vác tất cả, để chồng yên tâm làm tròn việc lớn. 75 năm trước, đất nước hình chữ S đã làm nên cuộc cách mạng tháng Tám long trời, giành về cho mình nền độc lập tự do sau bao nhiêu năm nô lệ, từ chính những cuộc tình đẹp, từ những sự hy sinh, cống hiến đáng trọng như thế./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận