Phụ nữ ứng cử tổng thống và phó tổng thống ở Mỹ

Các nữ ứng cử viên người da đen và có gốc xuất thân nước ngoài đều rất khó khăn trong việc quyên góp tiền phục vụ cho cuộc vận động tranh cử.

 

Người phụ nữ phải trải qua cuộc đấu tranh rất gian nan và lâu dài mới có được quyền bầu cử và cơ hội tham gia hoạt động chính trị ở nước Mỹ. Với người da màu liệu có cơ hội khi ứng cử tổng thống và phó tổng thống ở Mỹ?

Những cản trở trong ứng cử tổng thống và phó tổng thống ở Mỹ

Nước Mỹ hiện trong những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Hai đảng phái chính trị lớn nhất thay phiên nhau có đại diện cầm quyền từ thời lập quốc đến nay là Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ đều đã tiến hành đại hội đảng toàn quốc để chính thức đề cử ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống của đảng cho cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới. Ở phía Đảng Cộng hoà, các ứng cử viên là cặp tổng thống và phó tổng thống đương nhiệm Donald Trump và Mike Pence. Ở phe Đảng Dân chủ, ứng cử viên tổng thống là cựu phó tổng thống Joe Biden, còn ứng cử viên phó tổng thống là nữ thượng nghị sĩ Kamala Harris.

Ở nước Mỹ từ trước đến nay đã có một số phụ nữ tự ứng cử hoặc được đảng phái chính trị đề cử làm ứng cử viên tổng thống hoặc phó tổng thống, nhưng chưa có người phụ nữ nào được bầu làm tổng thống hoặc trở thành phó tổng thống. Năm 2016, bà Hillary Clinton là người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ được một trong hai đảng phái chính trị lớn - là Đảng Dân chủ - đề cử làm ứng cử viên tổng thống. Trước bà Harris đã có 2 người phụ nữ được Đảng Cộng hoà hoặc Đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên phó tổng thống.

Kamala Harris phát biểu trong lễ nhận vai trò ứng viên đại diện đảng tranh cử phó tổng thống Mỹ tại Đại hội đảng Dân chủ ở Wilmington, Delaware, ngày 19/8. (Ảnh: Reuters)

Ở nước Mỹ, người phụ nữ phải trải qua cuộc đấu tranh rất gian nan và lâu dài mới có được quyền bầu cử và cơ hội tham gia hoạt động chính trị. Mãi đến năm 1920, phụ nữ ở Mỹ mới có quyền bầu cử bình đẳng như nam giới. Dù vậy, phụ nữ là người da màu và có gốc xuất thân là người nước ngoài, đặc biệt từ châu Phi và châu Á, vẫn dường như không có mấy cơ hội thành đạt và thăng tiến về chính trị. Cho tới tận thập kỷ 60 của thế kỷ trước, phụ nữ da đen hay có gốc xuất thân từ châu Phi và châu Á tại nhiều bang ở nước Mỹ vẫn còn bị kỳ thị và phân biệt đối xử nói chung, đặc biệt trong các cuộc bầu cử.

Hiến pháp Mỹ dành cho tổng thống thực quyền rất nhiều và phó tổng thống chỉ đảm trách vai trò phụ. Khi xưa, ông Biden được tổng thống Barack Obama tin cậy uỷ thác làm nhiều việc lớn. Ông Pence thì lại chỉ như cái bóng của ông Trump trong hơn ba năm rưỡi qua. Ở trường hợp bà Harris thì lại rất khác. Ông Biden nếu đắc cử tổng thống sẽ là tổng thống cao tuổi nhất (78) của nước Mỹ khi nhậm chức tổng thống. Bà Harris mới 55 tuổi và nếu ông Biden có mệnh hệ gì trong thời gian cầm quyền thì bà Harris sẽ trở thành tổng thống Mỹ - như Gerald Ford năm 1974 sau khi Richard Nixon từ chức.

Điều hiện có thể chắc chắn được là chưa khi nào kể từ trước đến nay trong lịch sử nước Mỹ lại có khả năng rất thực tế là một người phụ nữ da đen gốc xuất thân nước ngoài trở thành phó tổng thống Mỹ. Ngày 3/11 tới, cử tri Mỹ sẽ quyết định chuyện này.

Bà Harris không chỉ là nữ ứng cử viên phó tổng thống đầu tiên là người da đen mà còn có gốc xuất thân nước ngoài (cha là người Jamaica, mẹ là người Ấn Độ) và hiện kết hôn với một người Mỹ gốc Do Thái da trắng. Bà Harris vì thế bổ sung cho ông Biden về tuổi tác, tính cách cá nhân và quan điểm chính sách. Thật ra ở Mỹ, không phải cứ là ứng cử viên người da đen và có gốc xuất thân châu Á hay châu Phi là có thể chinh phục được lá phiếu của diện cử tri là người da đen và gốc xuất thân nước ngoài ở Mỹ. Nhưng chính trị xã hội nội bộ ở Mỹ đã trở nên khác biệt rất nhiều và rất cơ bản so với trước từ sau khi bùng phát làm sóng biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc và bạo lực của cảnh sát người da trắng đối với người da màu ở Mỹ và ở nhiều nơi khác nữa trên thế giới. Việc ông Biden lựa chọn và Đảng Dân chủ đề cử bà Harris làm ứng cử viên phó tổng thống là một nước cờ chính trị cao tay trong vận động tranh cử tổng thống năm nay. Rất nhiều cử tri ở Mỹ là người da đen và có gốc xuất thân nước ngoài thường không đi bỏ phiếu vì không tin tưởng vào bất cứ đảng phái chính trị nào và vào bất cứ ứng cử viên nào. Họ cho rằng ai hay phe nào thắng cử thì tình trạng hiện tại của họ cũng chẳng được cải thiện gì. Họ cũng thường không bỏ phiếu cho các ứng cử viên là người da đen hay là phụ nữ hoặc có gốc xuất thân nước ngoài bởi cho rằng các ứng cử viên ấy không có cơ may đắc cử. Riêng ở cuộc bầu cử tổng thống năm nay, trong bối cảnh tình hình chính trị xã hội, kinh tế và thất nghiệp tồi tệ, dịch bệnh tác động tai hại dai dẳng và với bà Harris được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên phó tổng thống, tình thế rất khác trước, tác động rất khác trước và kết cục, biết đâu đấy, cũng có thể khác trước.

Phụ nữ da màu có làm nên lịch sử?

Trước bà Harris có 2 người phụ nữ khác, đều là người da trắng và gốc thuần Mỹ, là bà Geraldine Ferraro được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên phó tổng thống năm 1984 và bà Sarah Palin được Đảng Cộng hoà đề cử làm ứng cử viên phó tổng thống năm 2008.

Năm 1968, Charlene Mitchell, 38 tuổi, là người phụ nữ da đen đầu tiên ở Mỹ ứng cử tổng thống. Là người cộng sản, bà Mitchell gặp muôn vàn khó khăn trong vận động tranh cử. Nhiều bang cấm người cộng sản tham gia bầu cử và ứng cử. Năm 1976, bà Margaret Wright, cũng là một phụ nữ người da đen, được Đảng Nhân dân đề cử làm ứng cử viên tổng thống. Bà Isabell Master ứng cử tổng thống Mỹ năm 1984, 1992 và 2004. Bà Monica Moorehead được Đảng Công nhân thế giới đề cử làm ứng cử viên tổng thống năm 1996, 2000 và 2016.

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris. (Ảnh: Eonline)

Năm 2008, bà Cynthia McKinney được Đảng Xanh đề cử làm ứng cử viên tổng thống. Năm 2012, bà Peta Lindsay được Đảng Xã hội và Tự do đề cử làm ứng cử viên tổng thống. Tất cả các nữ ứng cử viên tổng thống người da đen này đều không mấy nổi danh ở nước Mỹ. Nổi tiếng hơn cả là nữ hạ nghị sĩ người da màu đầu tiên của nước Mỹ, bà Shirley Chrisholm. Năm 1972, bà Chrisholm cũng là người phụ nữ da đen đầu tiên nhảy vào cuộc ganh đua giành về sự đề cử chính thức của Đảng Dân chủ làm ứng cử viên tổng thống của đảng này.

Tất cả đều không thành công trước hết vì những đặc thù về chính trị và xã hội nội bộ, nhưng cũng còn cả về pháp lý và văn hoá nữa ở Mỹ rất bất lợi và đầy bất cập đối với hoạt động và công danh sự nghiệp chính trị của người phụ nữ. Các nữ ứng cử viên, đặc biệt là người da đen và có gốc xuất thân nước ngoài đều rất khó khăn trong việc quyên góp tiền phục vụ cho cuộc vận động tranh cử. Tâm lý cam chịu ở cộng đồng người da màu và gốc xuất thân nước ngoài ở Mỹ vẫn còn rất nặng nề. Ở nhiều bang của nước Mỹ, nhất là ở những bang mà người thuộc Đảng Cộng hoà nắm quyền lại có rất nhiều trở ngại về pháp lý hạn chế hoạt động chính trị hợp pháp của người da đen và phụ nữ. Chẳng hạn như để hạn chế và ngăn cản cử tri là người da đen và gốc xuất thân nước ngoài đi bầu cử, chính quyền ở nhiều bang cố tình bố trí ít đơn vị bầu cử ở nơi có đông cử tri thuộc diện này, bố trí cảnh sát người da trắng kiểm tra, kiểm soát, thị uy, thậm chí cả dọa nạt trực tiếp lẫn gián tiếp để cử tri ngần ngại và lo sợ. Năm nay, tình thế rất có thể sẽ khác. Điều hiện có thể chắc chắn được là chưa khi nào kể từ trước đến nay trong lịch sử nước Mỹ lại có khả năng rất thực tế là một người phụ nữ da đen gốc xuất thân nước ngoài trở thành phó tổng thống Mỹ. Ngày 3/11 tới, cử tri Mỹ sẽ quyết định chuyện này./.

Sa Thảo

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận