Tròn 1 năm hủy bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir: Thách thức vẫn ở phía trước

Ngày 5/8 đánh dấu tròn 1 năm chính quyền Ấn Độ hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với vùng lãnh thổ Kashmir do New Delhi kiểm soát…

 

Ngày 5/8 đánh dấu tròn 1 năm chính quyền Ấn Độ hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với vùng lãnh thổ Kashmir do New Delhi kiểm soát; đồng thời triển khai quy chế điều hành trực tiếp với khu vực nhạy cảm này. Đúng dịp này, giới chức Ấn Độ thông báo áp dụng lệnh giới nghiêm toàn bộ khu vực trong 2 ngày do lo ngại các cuộc biểu tình có thể xảy ra.

Bị hạ cấp về mặt hành chính

Sự kiện Ấn Độ hủy bỏ Điều 370 trong Hiến pháp vốn trao “Quy chế đặc biệt” cho bang Jammu và Kashmir cách đây đúng 1 năm có thể coi là bước ngoặt với vùng đất này cũng như là cả đất nước Ấn Độ. Kể từ ngày 5/8/2019, Jammu và Kashmir bị hạ cấp về mặt hành chính và chia tách thành các vùng lãnh thổ liên bang Jammu, Kashmir và Ladakh. Trong đó, Jammu và Kashmir có cơ quan lập pháp địa phương riêng, nhưng nằm trong sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương.

Đây có thể coi là bước đi đầu tiên trong một loạt các động thái kiên quyết của chính phủ Ấn Độ cũng như đảng BJP cầm quyền trong năm 2019 nhằm thực hiện các cam kết từ lâu của mình. Dĩ nhiên, chính phủ Ấn Độ kỳ vọng nhiều khi tạo ra một thay đổi lớn, tác động tới mọi mặt đời sống của một khu vực có lịch sử và cơ cấu phức tạp như Jammu và Kashmir.

ảnh: KTTrước hết, đó là tạo lập sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội và cả an ninh tại Jammu và Kashmir.  Điều này là bước thay đổi căn bản khu vực này. Ví dụ cảnh sát tại Jammu và Kashmir giờ sẽ do trung ương điều phối, bổ nhiệm; động thái sẽ giúp chính phủ kiểm soát tốt hơn tình hình an ninh tại đây, đặc biệt với các chiến dịch chống khủng bố. Quan trọng không kém là việc nhiều đạo luật chống tham nhũng của Ấn Độ sẽ được phép áp dụng tại hai vùng lãnh thổ liên bang mới này. Đây là cách để mang lại sự phát triển công bằng cho vùng đất này. Ngoài ra còn rất nhiều thay đổi tích cực về kinh tế, xã hội như quyền sở hữu, mua bán chuyển nhượng đất đai, hay quyền giáo dục.

Tuy nhiên, sau 1 năm nhìn lại, chính quyền Ấn Độ lại chưa thể hoàn thành được các kế hoạch đi kèm theo việc bãi bỏ Điều 370. Thứ nhất là việc tuyển dụng và bổ nhiệm các vị trí công chức trong bộ máy chính quyền của vùng lãnh thổ liên bang mới chưa thể hoàn tất do đại dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm. Còn khoảng 10.000 vị trí còn trống trong các cơ quan hành chính mới ở Jammu và Kashmir.

Về kinh tế, theo số liệu từ Bộ Nội vụ Ấn Độ, có khoảng 168 biên bản ghi nhớ đầu tư vào Jammu và Kashmir, trị giá 1,9 tỷ USD đã được ký kết trong 1 năm qua. Chính sách đất đai mới cho phép mua bán và chuyển nhượng bất động sản đang được xây dựng và chính quyền đã xác định, quy hoạch khoảng 2.400ha đất để phát triển công nghiệp. Quy trình đăng ký và làm thủ tục đất đai cũng được chuyển từ cơ quan tư pháp sang cơ quan hành chính. Đồng thời người ta cũng đã lập ra các văn phòng độc lập để thực hiện công việc này.

Tuy nhiên, biến động về mặt tổ chức hành chính, sự phản đối của các thế lực cũ tại Jammu và Kashmir và các biện pháp an ninh thắt chặt cũng gây nên những thiệt hại. Ví dụ theo Chủ tịch Phòng Thương mại Kashmir, Sheikh Ashiq Ahmed, trong 1 năm qua, kinh tế và thương mại tại vùng đất này đã chịu thiệt hại khoảng 5,6 tỷ USD. Quan ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng thất nghiệp ở thanh niên.

Các lệnh phong tỏa chỉ mới được dỡ bỏ từ tháng 12 năm ngoái, và kinh tế của khu vực này cũng chỉ có vài tháng bắt nhịp trước khi đại dịch Covid-19 tràn đến vào tháng 3 gây tê liệt khu vực này cũng như cả Ấn Độ. Nhìn chung, vì nhiều lý do, các kế hoạch phát triển dành cho Jammu và Kashmir vẫn chưa thể đi vào thực thi hiệu quả.

An ninh vẫn chưa được đảm bảo

An ninh từ lâu đã là vấn đề nan giải đối với Jammu và Kashmir kể từ khi vùng đất này bị chia tách thành hai phần thuộc về Ấn Độ và Pakistan. Các nguy cơ càng gia tăng kể từ khi chính phủ Ấn Độ xóa bỏ “Quy chế đặc biệt” của Jammu và Kashmir theo Điều 370 Hiến pháp. Đây là điều đã được dự báo từ trước bởi các chính trị gia địa phương và các thành phần khác vốn được hưởng lợi từ hệ thống cũ sẽ chống đối. Nhiều nhận định từ cách đây 1 năm cho rằng sẽ có một làn sóng phản kháng trỗi dậy tại Jammu và Kashmir. Đó là chưa kể nước láng giềng Pakistan vốn đa số theo đạo Hồi, luôn coi Kashmir là lãnh thổ của mình, tiếp tục thể hiện thái độ thù địch sau khi Ấn Độ hành động.

Nhiều người lo ngại Pakistan sẽ tiếp tục hậu thuẫn cho các phần tử khủng bố thâm nhập để gây rối và tạo ra khủng hoảng tại Jammu và Kashmir. Tuy nhiên, từ thực tế 1 năm qua, Ấn Độ vẫn duy trì được các biện pháp an ninh thắt chặt và ngăn ngừa từ xa nên không có bất cứ vụ việc an ninh đáng kể nào xảy ra.

Tuy nhiên, vẫn còn đó các nguy cơ một khi đại dịch Covid-19 được khống chế tại Ấn Độ, nước này sẽ phải đưa các hoạt động kinh tế xã hội ở Jammu và Kashmir trở lại bình thường, đi kèm việc nới lỏng các biện pháp siết chặt an ninh.

Đó sẽ là thách thức lớn về dài hạn bởi vấn đề ở đây vốn không chỉ là gói gọn trong tình trạng pháp lý và hành chính của Jammu và Kashmir. Đó còn là tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan hay vấn đề tôn giáo tại đây. Chỉ một sự lơi lỏng cũng có thể gây nên các nguy cơ lớn về an ninh.

Nhân tố Trung Quốc và những tác động đến vấn đề Kashmir

Tam giác Ấn Độ - Trung Quốc - Pakistan đang được coi là điểm nóng tại khu vực Nam Á vào lúc này. Đó là bởi Ấn Độ đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, tại khu vực Aksai Chin. Và đặc biệt, vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước này đã bùng nổ thành giao tranh dọc đường kiểm soát thực tế (LAC) ở đông Ladakh kéo dài từ tháng 5 tới nay.

Trong khi đó, tranh chấp lãnh thổ Ấn Độ và Pakistan đối với Kashmir được coi là câu chuyện xung đột không lối thoát. Bởi nó liên quan tới cả ý thức hệ, tôn giáo và các thế lực từ bên trong nội bộ Pakistan. Hai mặt trận tranh chấp này dù tách biệt nhau hoàn toàn về địa lý và bản chất nhưng lại đang có sự liên hệ.

Vào thời điểm quân đội Ấn Độ và Trung Quốc xung đột hồi tháng 6 vừa qua, có thông tin cho biết, Pakistan cũng đã điều động hàng chục nghìn binh lính tới biên giới với Kashmir để tạo áp lực với Ấn Độ. Người ta liên hệ nhiều tới trục quan hệ này.

Đó là bởi mối quan hệ Trung Quốc và Pakistan dường như đang phát triển theo chiều hướng trở thành đối trọng với Ấn Độ tại Nam Á. Trung Quốc đã bắt tay cùng Pakistan để hình thành một hành lang kinh tế đi qua vùng lãnh thổ Kashmir do Pakistan kiểm soát để ra Ấn Độ Dương. Một quân cảng do Trung Quốc sở hữu cũng đã hình thành tại thành phố Gwadar của Pakistan.

Ở một góc nhìn rộng hơn, có thể thấy phần nào một tập hợp lực lượng mới tại Nam Á. Trong khi Ấn Độ theo đuổi Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia, cũng như bộ tứ Quad về quân sự, Trung Quốc dường như cũng đã thiết lập cho mình liên kết mới về kinh tế và phần nào đó cả về quân sự tại Nam Á, cụ thể là với Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, hay thậm chí cả Iran. Đây là một nguy cơ lớn với an ninh và ổn định chiến lược tại Nam Á trong tương lai./.

Phan Tùng/New Delhi

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận