Việt Nam - ASEAN: 25 năm, bản lĩnh Việt Nam!

25 năm trước, quyết định gia nhập ASEAN là bước đi chiến lược đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta…

 

“Người tiến xa nhất thường là người sẵn sàng hành động và chấp nhận thách thức”. Việt Nam và hành trình từ “người đến sau” đến vị thế Chủ tịch đầy trách nhiệm và bản lĩnh của ASEAN là minh chứng cho câu danh ngôn ấy của nhà văn, nhà thuyết trình người Mỹ Dale Carnegie.

Bản lĩnh “người đến sau”

Hơn hai thập kỷ đã qua, như mỗi lần nhớ lại những hồi ức về khoảnh khắc đất nước gia nhập ASEAN - nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, người được mệnh danh là “nhà ngoại giao thời đổi mới và hội nhập”, đồng hành cùng tiến trình gia nhập ASEAN từ những ngày đầu, vẫn không thôi xúc động. Ông kể: “Khoảnh khắc khi lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN, “tôi xúc động đến rưng rưng nước mắt”.

Phải thấu hết những khó khăn thách thức, thậm chí những cam go để có thể bước chân vào “ngôi nhà chung ASEAN” mới “thấm” được những xúc động dâng trào không thể nào giấu giếm của vị Tư lệnh ngành ngoại giao ngày ấy. Và cũng phải thấu hết những thách thức trở ngại ấy, mới thấy hết được bản lĩnh của “người đến sau” Việt Nam ngày đó lớn đến mức nào…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

25 năm trước, quyết định gia nhập ASEAN được xem là bước đi chiến lược đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Gia nhập ASEAN là một trong những điểm đột phá đầu tiên để Việt Nam triển khai phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ VII đã đề ra. Việt Nam đồng thời gia nhập AFTA - tổ chức hợp tác kinh tế của ASEAN, tranh thủ cơ hội hợp tác với các nước trong Hiệp hội sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bao vây cấm vận, đẩy nhanh sự phát triển đất nước.

Nhưng ước mơ, mong muốn là một chuyện, biến ước mơ ấy thành hiện thực, vượt qua những đàm phán cam go để trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN đã là điều không hề dễ dàng nhưng để “nhập gia” thành công khi chúng ta là “người đến sau” lại còn thách thức hơn nữa. Bởi cũng thời điểm 25 năm trước ấy, dù đã bước ra khỏi cuộc chiến tròn 20 năm, nhưng trong mắt nhìn của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn là “đất nước chiến tranh”, cái nhìn về đất nước hình chữ S vẫn còn không ít những nghi ngại, dè dặt…

Nhưng thật kỳ diệu, đúng với tư thế của đất nước đã ngẩng cao đầu đi qua nhiều cuộc chiến, quyết tâm và bản lĩnh Việt Nam đã được tưởng thưởng khi cuối cùng đất nước hình chữ S đã nhận được cái gật đầu đồng ý, những tràng pháo tay tán thưởng, những cái bắt tay chào đón, từng khuôn mặt hân hoan của các ngoại trưởng ASEAN, quan chức nước chủ nhà và các nước thành viên ASEAN ngày đó.

Bản lĩnh để “hòa nhập mà không hòa tan”

Rất ngại mang cái tiếng “ôn nghèo kể khổ”, nhưng với những nhà ngoại giao Việt Nam từng trải qua những năm tháng đầu của “ngoại giao Việt Nam thời hội nhập”, mà việc gia nhập ngôi nhà chung của khối là bước đi đầu tiên, thì quả thực những trải nghiệm đã qua thực sự không thể nào quên.

 Quang cảnh Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Những trăn trở “hòa nhập” hay sẽ bị “hòa tan” một thời đau đáu không phải không có lý do. Thời điểm đó, là một Việt Nam mới chập chững những bước đi đầu tiên của công cuộc đổi mới đất nước, “vòng kim cô” của những chính sách bao vây cấm vận cũng chỉ vừa được dỡ bỏ, gia nhập ASEAN khi Hiệp hội đã ra đời đến 28 năm, khi đã có 6 thành viên mà phần đa trong số đó đều có nền kinh tế phát triển, rồi không ít những rào cản về thể chế chính trị, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ…

Nhưng bản lĩnh, “kinh nghiệm vượt khó”, tinh thần “không gì là không thể” của Việt Nam một lần nữa lại được chứng minh. Chỉ 3 năm sau ngày gia nhập, tháng 12/1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội, trong đó nổi bật là Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của một ASEAN vừa trải qua khủng hoảng tài chính.

Ngay sau khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia vào ASEAN, qua đó góp phần hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, tạo nền tảng thiết yếu cho ASEAN trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, liên kết sâu rộng và có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á -Thái Bình Dương.

Năm 2010, Việt Nam lại một lần nữa được các nước thành viên và đối tác đánh giá cao khi hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 với những kết quả thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hóa một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội, thúc đẩy mở rộng và thể chế hóa khuôn khổ quan hệ của ASEAN với các nước lớn và các đối tác quan trọng.

Đáng chú ý, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 1/2020. (Ảnh: VGP)

Không chỉ hội nhập sâu rộng và thành công về chính trị, đối ngoại, Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN. Năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia Khối thương mại tự do ASEAN (AFTA), thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối mới chỉ đạt khoảng gần 6 tỷ USD, nhưng đến nay, con số này đã tăng tới hơn 10 lần, trên 60 tỷ USD.

Những năm gần đây, trong bối cảnh ASEAN đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến sự cạnh tranh của các nước lớn, sự khác biệt trong nhận thức, lợi ích và ứng xử, Việt Nam đã nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất vai trò của ASEAN trong các vấn đề “nóng” nhất trong khu vực, đơn cử như trong vấn đề Biển Đông, chủ động trao đổi và phối hợp với các nước nhằm tạo dựng đồng thuận trong ASEAN và giữa ASEAN với đối tác.

Bản lĩnh, quyết tâm, ý chí “vượt khó”, không ngại trở lực đã khiến Việt Nam, sau 25 năm hội nhập vào đời sống chính trị ngoại giao khu vực, đã không những “không hòa tan” mà còn làm được điều mà cách đây hai, ba thập kỷ, rất ít quốc gia có thể ngờ: trở thành một quốc gia trụ cột, đóng vai trò chủ động, tích cực trong ASEAN như hiện nay.

Bản lĩnh vượt “phép thử thời cuộc” khẳng định vai trò và thế mạnh Việt Nam

Đúng như Trần Mạnh Hảo đã viết “Có phải mẹ Âu Cơ đã đi vòng trái đất/ Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng/ Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp/ Chọn vùng tâm bão để sinh con”. Lịch sử đã khéo thử thách dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam khi liên tục đưa đất nước hình chữ S vào “tâm bão”, vào những thử thách chưa từng có.

Lần đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN lần thứ 2 cũng là một thử thách như thế. Làm thế nào để tạo được cách thức duy trì sức sống, sức hấp dẫn, động lực của ASEAN trong một chu kỳ vận động mới? Làm sao để củng cố và duy trì vai trò trung tâm ở khu vực và toàn cầu? Làm thế nào để bảo toàn sự đoàn kết đồng lòng của các quốc gia thành viên trong bối cảnh Biển Đông luôn dậy sóng?... Đó thực sự là những bài toán khá hóc búa mà Việt Nam - trên cương vị Chủ tịch ASEAN sẽ phải điều phối, hóa giải.

Chưa hết, đến thời điểm này, đã có thể khẳng định đại dịch Covid-19 là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, là cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và cũng là thử thách lớn nhất với ASEAN trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Dự báo tăng trưởng của tất cả các nước ASEAN đều sẽ suy giảm mạnh, thậm chí một số nước có thể tăng trưởng âm. Hàng trăm cuộc họp của ASEAN buộc phải hoãn hoặc hủy.

Nhưng dường như càng dập vùi trong bão tố, phong ba, người Việt, dân tộc Việt càng phải nhắc mình nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, bản lĩnh hơn và xem đó là phép thử để trưởng thành, để khẳng định được mình.

Trước sự bùng phát bất ngờ và những hệ lụy làm đảo lộn mọi mặt chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng có những điều chỉnh cần thiết như linh hoạt tổ chức một loạt hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận cách ứng phó với dịch, đặc biệt là Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN + 3 về đại dịch Covid-19 ngày 14/4; sớm ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN đối với sự bùng phát của dịch Covid-19; thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay, trong đó các nước ASEAN cam kết đẩy lùi thách thức của dịch bệnh, duy trì đà hợp tác, liên kết ASEAN; nhắc nhớ các quốc gia thành viên chú trọng đến công tác khắc phục hậu quả, giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19, đặc biệt là “tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng” đoàn kết, đồng lòng mới có thể đẩy lùi đại dịch…

“Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong phòng, chống đại dịch Covid-19”, "Việt Nam đã chỉ ra rằng chúng ta có thể vượt qua các thách thức của đại dịch Covid-19 nếu các nước trong khu vực hợp tác cùng nhau, đoàn kết và kiên cường" - nhìn nhận ấy của bạn bè quốc tế có lẽ là sự tưởng thưởng lớn nhất cho những nỗ lực bền bỉ, quyết liệt của Việt Nam.

Hành trình hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập ASEAN hẳn còn nhiều chông gai, thách thức… nhưng với một bản lĩnh như đã từng trong những thập kỷ qua, Việt Nam một lần nữa nhất định sẽ lại tỏa sáng./.

Hà Anh

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận