Thuở ban đầu của báo chí

Việc xác định ra ngày sinh của báo chí và người phát minh ra báo chí là câu chuyện khá ly kỳ.

Báo chí đã trở nên không thể thiếu đối với cuộc sống của con người. Nhưng trong thế giới hiện đại bây giờ, thử hỏi có mấy người để ý đến thuở ban đầu của báo chí.

Sự ra đời của báo chí

Kể từ một vài thập kỷ trở lại đây, báo chí đã thay đổi rất cơ bản và mạnh mẽ, nhưng chủ yếu về loại hình và cách làm báo chứ còn bản chất và sứ mệnh của báo chí vẫn không hề thay đổi. Báo chí đã trở nên không thể thiếu đối với cuộc sống của con người. Báo chí vẫn góp phần rất quyết định vào sự phát triển chung của nhân loại trên trái đất. Cũng sẽ không sai chút nào khi cho rằng không có vai trò của báo chí, thế giới của con người trên trái đất không thể được như ngày nay. Thế nhưng, trong thế giới hiện đại bây giờ, thử hỏi có mấy người để ý đến thuở ban đầu của báo chí.

Cho tới thời trung cổ, con người đã có nhiều cách khác nhau để thông tin và truyền tin, nhưng không phổ cập thông tin. Phải nhờ có sự ra đời của báo chí thì việc thông tin và truyền tin mới được phổ cập hoá rộng rãi. Ngày nay, báo chỉ được định nghĩa chung là một ấn phẩm được phát hành định kỳ với nội dung đa dạng và thời sự. Theo thời gian mà hình thành 4 tiêu chí để định dạng báo chí là tính thời sự (của thông tin), tính chu kỳ (hay định kỳ về thời gian), tính phổ cập (về diện độc giả) và tính đa dạng tổng thể (về nội dung).

Việc xác định ra ngày sinh của báo chí và người phát minh ra báo chí là câu chuyện khá ly kỳ. Năm 1876, nhà sử học người Đức Julius Otto Opel tìm thấy trong thư viện của Trường Đại học tổng hợp Heidelberg (Đức) bộ sưu tập đầy đủ của tờ Relation năm 1609. Trang đầu tiên của bộ sưu tập này là bức thư ngỏ của một người ký tên là Johann Carolus ở Strassburg (nước Pháp ngày nay). Trong bức thư này, ông Carolus viết là sẽ tiếp tục ấn hành tờ Relation "như từ vài năm nay". Từ bức thư ngỏ này mà nhà sử học Opel cho rằng, tờ Relation đã được xuất bản từ trước năm 1609. Nhưng không thể xác định được cụ thể từ năm nào.

Hơn một thế kỷ sau, vào năm 1987, nhà sử học Jean-Pierre Kintz ở Strassburg tìm ra một tài liệu về sau được công nhận là giấy khai sinh của báo chí. Đấy là một bức thư của Johann Carolus gửi chính quyền thành phố Strassburg đề nghị có biện pháp ngăn chặn tình trạng ấn phẩm Relation của mình bị các xưởng in khác sao chép lại để kinh doanh. Trong bức thư này, Johann Carolus khẳng định là người đầu tiên có ý tưởng về xuất bản ấn phẩm thông tin (khi ấy còn là chép tay) phát hành hàng tuần và đến thời điểm ấy đã phát hành được 12 số. Johann Carolus đề nghị chính quyền thành phố có biện pháp bảo vệ bản quyền phát minh cho mình. Đương nhiên, yêu cầu này của Johann Carolus bị chính quyền thành phố bác bỏ.

Mấy năm sau phát hiện của Jean-Pierre Kuntz, giới nghiên cứu tìm ra được thời gian cụ thể của bức thư nói trên của Johann Carolus là ngày 21/12/1605 và từ đó có thể biết được số Relation đầu tiên được Johann Carolus cho ra đời vào tuần thứ hai hoặc tuần thứ ba của năm 1605. Liên đoàn Báo chí thế giới (World Association of Newspspers, thành lập năm 1948) đã chính thức công nhận tờ Relation là tờ báo đầu tiên trên thế giới, Johann Carolus là người phát minh ra báo chí, năm 1605 là năm ra đời của báo chí và Strassburg là nơi sinh của báo chí. Tờ Relation được ấn hành ít nhất cho tới năm 1667.

Ý tưởng sáng tạo từ thủa ban đầu

Johann Carolus sinh ngày 26/3/1575 ở vùng Elsass ngày nay, cha là mục sư và được gia đình cho ăn học tử tế. Về sau, chắc do gia đình gặp khó khăn nên Johann Carolus không theo học để có bằng cấp hay học hàm học vị cao nữa mà đi làm, học nghề đóng sách. Thời đấy, luật pháp hiện hành cho phép những người làm nghề đóng sách được buôn bán sách. Tháng 7/1599, Carolus kết hôn với cô gái Anna Froehlich ở Strassburg và nhờ vậy được công nhận là công dân của thành phố này. Sự công nhận ấy đã đưa lại cho Carolus điều kiện pháp lý cần thiết để thành lập công ty tư nhân. Lĩnh vực kinh doanh mà Carolus lựa chọn đương nhiên là kinh doanh sách bởi Strassburg là trung tâm về sách, buôn bán và sản xuất sách của châu Âu. Hai vợ chồng mua được nhà đất và mua lại được xưởng in lớn nhất của thành phố Strassburg.

Ngay từ năm 1604, Johann Carolus đã ấn hành hàng tuần bản tin cung cấp cho diện độc giả hẹp với cách làm là chép tay. Mùa hè năm 1605, người này bắt đầu tính đến việc thương mại hóa bản tin của mình và nhận ra rằng nếu vẫn dùng phương pháp chép tay thì vừa không thể có được số lượng ấn phẩm lớn lại vừa không thể rẻ đủ mức để nhiều người có thể mua đọc và giá càng thấp thì khả năng phát hành càng cao. Giải pháp mà Johann Carolus tìm ra được là in. Hơn 100 năm trước đấy, Johan Guttenberg đã nghĩ ra cách in bằng xếp chữ cái. Tờ Relation ra đời như thế - tờ báo đầu tiên trên thế giới theo đúng định nghĩa và đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chí của ngày nay.

Báo chí ra đời thì kiểm duyệt báo chí cũng xuất hiện và Johann Carolus cũng là chủ báo đầu tiên thấm đòn kiểm duyệt báo chí. Thời đấy, cách làm báo của Carolus là sử dụng các nguồn tin chép tay gửi từ mọi nơi về, tức là từ các phóng viên thường trú của Relation ở mọi nơi. Thường thông tin đổ về tới chiều thứ tư hằng tuần. Cả tối và đêm hôm ấy, Carolus cùng một vài cộng sự cùng nhau làm mọi công việc cần thiết từ biên tập đến trình bày, sắp chữ, in ấn và đóng ghép để sang hôm sau có thể đưa tờ báo đến tay người đọc. Thời đó có chuyện sứ thần của Đế chế Osman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) gây chuyện và bị mời về nước (tức là bị trục xuất). Nhưng cũng ở hồi ấy, tập tục ngoại giao thông dụng là không nói sứ thần bị đuổi về mà làm đẹp chuyện này bằng cách nhà vua tặng sứ thần món quà hậu hĩnh. Phóng viên của Carolus cho biết vì ngân quỹ của triều đình không được dư giả nên chưa thể có quà (một khoản tiền không nhỏ) cho sứ thần. Tờ Relation công khai cả chi tiết ấy. Đối với chính quyền thành phố Strassburg, việc đưa tin về chuyện sứ thần bị đuổi thì không sao nhưng đưa tin để độc giả hiểu là nhà vua thiếu tiền thì đâu có khác gì phạm huý và khi quân. Tờ Relation bị đình bản ngay. Johann Carolus phải trổ hết tài ngoại giao để thuyết phục chính quyền cho phép tiếp tục xuất bản bởi nếu không sẽ bị phá sản. Carolus cam kết sẽ tự kiểm duyệt trước khi bị kiểm duyệt. Sau đây 3 ngày, chính quyền thành phố cho phép tờ Relation được phát hành tiếp. Nhưng cũng từ đó, các tờ báo rất kiềm chế và thận trọng khi đưa tin về chính trị nội bộ, càng không dám đăng tải thâm cung bí sử của giới cầm quyền trong nước mà tập trung nhiều nhất cho chuyện của thiên hạ bên ngoài.

Johann Carolus qua đời ngày 15/8/1634 ở Strassburg và được mai táng ở nơi đây, nhưng mộ phần không còn được bảo tồn đến ngày nay. Người con trai kế nghiệp cha và tiếp tục phát hành tờ Relation. Thật ra, không ai biết tờ này tồn tại đến thời điểm nào mà hiện trong thư viện chỉ có tờ ấn hành vào năm 1667 là gần đây nhất. Mấy thế kỷ đã qua rồi, rất có thể nhiều ấn phẩm đã bị thất lạc.

Câu chuyện về sự ra đời của báo chí và về người phát minh ra nó là như thế. Ý tưởng sáng tạo, đam mê riêng và mục đích kinh doanh là những tác nhân đóng vai trò bà đỡ cho báo chí ở thưở ban đầu ấy./.

Sa Thảo

Liên đoàn báo chí thế giới (World Association of Newspspers, thành lập năm 1948) đã chính thức công nhận tờ Relation là tờ báo đầu tiên trên thế giới, Johann Carolus là người phát minh ra báo chí, năm 1605 là năm ra đời của báo chí và Strassburg là nơi sinh của báo chí. Tờ Relation được ấn hành ít nhất cho tới năm 1667.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận