Những kẻ đi tiên phong chinh phục vũ trụ

Những con chó mang sứ mệnh vô cùng đặc biệt trở thành sinh vật đầu tiên trong công cuộc chinh phục vũ trụ của loài người.

 

Trong công cuộc loài người trên trái đất chinh phục vũ trụ bao la còn có những câu chuyện gây xúc động mạnh mẽ và sâu sắc của những con vật tiên phong trong hành trình này.

Ý nghĩa lịch sử của việc đưa con người đi vào vũ trụ

Mới rồi, trong công cuộc loài người chinh phục vũ trụ bao la có thêm một dấu mốc lịch sử khi con tàu vũ trụ của hãng SpaceX (Mỹ) đưa 2 nhà du hành vũ trụ Mỹ lên Trạm nghiên cứu vũ trụ quốc tế ISS. Ý nghĩa lịch sử của sự kiện là lần đầu tiên tư nhân chứ không phải nhà nước thành công với việc đưa con người đi vào vũ trụ.

SpaceX được thành lập cách đây 18 năm. Nước Mỹ sau 9 năm giờ không còn bị lệ thuộc vào Nga nữa nếu muốn đưa các nhà du hành vũ trụ của Mỹ lên ISS - mỗi chuyến quá giang như thế Mỹ phải trả cho Nga từ 80 đến 95 triệu USS. Thành công nói trên của hãng SpaceX không chỉ xoá bỏ độc quyền của nhà nước trong công cuộc chinh phục vũ trụ mà còn mở ra thời kỳ thương mại hoá việc đưa con người vào vũ trụ.

Hình ảnh Laika trước khi thực hiện sứ mệnh bay. (Ảnh: internet)

Theo tính toán hiện tại, những ai nhiều tiền lắm của chỉ cần bỏ ra khoảng 55 triệu USD là có thể mua được từ hãng SpaceX một vé khứ hồi vào vũ trụ. Công dân Liên Xô Yuri Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ, và sự kiện này diễn ra năm 1961. Từ sau đấy, việc con người bay vào vũ trụ không còn là chuyện hiếm nữa. Nhưng trước khi con người trực tiếp đặt bước chân đầu tiên trong vũ trụ đã có nhiều con vật đi tiên phong. Một số trong đấy đã hy sinh tính mạng để sau đó con người có thể an toàn bay vào vũ trụ và trở về an toàn từ vũ trụ.

Nổi tiếng nhất trong số những “anh hùng vũ trụ” động vật này là con chó Laika. Nó là một con chó cái sống hoang ở thủ đô Moscow của Liên Xô. Năm nó được gần 3 tuổi, cơ quan nghiên cứu vũ trụ Liên Xô tình cờ tìm được nó và đưa nó đi huấn luyện cho chuyến bay vào vũ trụ, cho nó quen với tiếng ồn, chấn động và trạng thái không trọng lượng. Nó là con vật đầu tiên bay trên quỹ đạo vòng quanh trái đất.

Ngày 3/11/1957, Laika được Liên Xô phóng lên quỹ đạo trong vệ tinh thứ 2 tên là Sputnik 2 từ sân bay vũ trụ Baikonur. Dữ liệu đo đạc theo dõi tình trạng sức khỏe của nó cho biết, nhịp tim của Laika cao gấp 3 lần bình thường. Sau 7 giờ, không thấy còn có tín hiệu gì về sự sống của con chó này nữa. Các nhà khoa học Liên Xô cho rằng Laika đã bị chết vì nhiệt độ quá cao trong cabin và vì sợ hãi, có thể một trục trặc kỹ thuật nào đó trong hệ thống cách nhiệt bị hỏng. Nhưng thật ra, ngay từ đầu, con chó này đã được lựa chọn cho một chuyến đi xa không có cơ hội trở lại. Theo kế hoạch thì ngày thứ 10 sau khi được đưa lên vũ trụ, Laika sẽ được cho thức ăn đã tẩm độc để không bị chết cháy cùng vệ tinh khi nó rơi trở lại trái đất vào ngày 14/4/1958. Mãi về sau, sự thật về cái chết của Laika mới được công bố. Cái chết bi thảm của Laika là nguyên cớ khiến cơ quan nghiên cứu vũ trụ của Nga bị phê phán và tạo nên làn sóng đồng cảm, thương tiếc nó trên thế giới. Cái chết của Laika cũng thúc đẩy cơ quan nghiên cứu vũ trụ Liên Xô rút ra những bài học cần thiết để đảm bảo an toàn cho những con vật sau đó được đưa lên vũ trụ.

Những kẻ đi tiên phong trước cả con người

Tiếp bước Laika lên vũ trụ là những con chó khác như Strelka (có nghĩa là Mũi tên nhỏ) và Belka (con sóc nhỏ). Cả hai đều trở về trái đất an toàn ngày 20/8/1960 với Sputnik 5. Chúng sống trọn một ngày trong vũ trụ cùng với mấy con chuột, một số loài nấm, thực vật và chủng loại vi trùng. Con tàu Sputnik đưa chúng lên vũ trụ và trở về trái đất là phiên bản thí nghiệm của tàu Wostok mà sau này đã đưa Yuri Gagarin lên vũ trụ.

Động vật có vú đầu tiên bay vào vũ trụ là Albert II. (ảnh: KT)

Ngoài Laika, Belka và Strelka còn có những con chó khác nữa như Ptsholka và Mushka - cả hai cùng tàu Sputnik 6 bị cháy do trục trặc kỹ thuật khi trở lại trái đất - Tshernushka trên con tàu Sputnik 9 - nó cũng sống một ngày trên vũ trụ cùng với một con chuột bạch và một búp bê to bằng một nhà du hành vũ trụ thật tên là Iwan Iwanowitsh - và con chó Swjosdotshka. Con chó này được Yuri Gagarin đặt tên nhưng không bay cùng Gagarin lên vũ trụ. Nó bay cùng tàu Sputnik 10 lên vũ trụ ngày 25/3/1961 và chuyến bay này là thí nghiệm cuối cùng trước khi Yuri Gagarin bay cùng tàu Wostok 1 lên vũ trụ ngày 12/4/1961.

Thật ra, Laika không phải là con vật đầu tiên được loài người đưa lên vùng giáp ranh giữa bầu khí quyển trái đất và vũ trụ - ở độ cao từ 100 - 110km. Ngày 20/2/1947, Mỹ dùng tên lửa được thiết kế theo chế tạo tên lửa V2 của phát xít Đức phóng đưa những con ruồi đầu tiên lên độ cao ấy và những con ruồi vẫn còn sống khi thiết bị rơi trở lại trái đất. Nó chưa vượt qua tầng khí quyển nên không bị cọ sát gì khi rơi trở lại trái đất. Người Mỹ không dùng chó mà dùng khỉ và vượn để thí nghiệm. Con khỉ đầu tiên được Mỹ dùng tên lửa V2 phóng lên vũ trụ có tên gọi là Albert II. . Tên lửa lên tới độ cao 130km và trở lại trái đất. Khi trở lại trái đất, dù không mở nên Albert II. không sống sót. Nhiều con khỉ khác được Mỹ phóng lên độ cao ấy sau này chịu chung số phận nghiệt ngã như Albert II. . Chẳng hạn như con khỉ Gordo đã được tên lửa đưa lên vũ trụ, sống 8 phút trong trạng thái không trọng lượng, nhưng khi trở lại trái đất cũng do dù không mở nên chìm xuống đại dương cùng các thiết bị đi cùng. Sau đấy có những con khỉ Able và Miss Baker được Mỹ đưa lên vũ trụ năm 1959. Ham là con khỉ đầu tiên được bay trên con tàu vũ trụ mà Mỹ sau này sử dụng đưa người Mỹ lên vũ trụ.

Bia tưởng niệm Laika. (Ảnh: Meirihaowen)

Ngày nay, cho dù khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã phát triển vượt bậc so với những thời ban đầu ấy của công cuộc chinh phục vũ trụ của loài người và cho dù con người đã có được vô vàn kinh nghiệm thực tiễn quý báu qua thành công đã đạt được cũng như thất bại đã từng phải nếm trải, mỗi chuyến bay vào vũ trụ vẫn đầy rẫy nguy hiểm chết người và rủi ro gặp nạn. Đã có nhiều nhà du hành vũ trụ trên thế giới cống hiến cả cuộc sống của chính họ cho công cuộc này.

Những con vật đã đi tiên phong trước con người để giúp con người ngăn ngừa như có thể được những nguy hiểm và rủi ro ấy. Chúng đã biến mất khỏi thế giới này và chỉ còn để lại cái tên nhỏ nhoi và bình dị. Nhưng rõ ràng, đằng sau những cái tên ấy đều là những câu chuyện gây xúc động mạnh mẽ và sâu sắc, cũng là cuộc đời đầy thăng trầm, vinh quang và bi tráng của những sinh linh trên trái đất. Những con vật này đều có đóng góp rất quan trọng cho thành công của loài người trong công cuộc chinh phục vũ trụ.

Ngày nay, con người trên trái đất đã có được khả năng dùng thiết bị tự động đảm trách vai trò và sứ mệnh dò đường, mở đường và đi tiên phong chứ không còn bị buộc phải nhờ cậy đến những con vật nữa. Người đời sau cũng mai một dần kỷ niệm và ký ức về những con vật được coi như anh hùng vũ trụ thời đã qua. Nhưng chắc chắn lịch sử nhân loại và lịch sử công cuộc chinh phục vũ trụ của loài người không bao giờ quên chúng mà vẫn luôn tri ân chúng và vẫn làm cho chúng mãi mãi bất tử./.

Sa Thảo

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận