30 năm Photoshop: Cứu nhân hay tội đồ?

Photoshop được ra đời không phải ở Thung lũng Silicon mà ở bang Michigan của nước Mỹ.

 

Sự hình thành phần mềm Photoshop được đánh giá tích cực về hiệu ứng mà suốt 30 năm qua đã đem lại cho con người, đồng thời còn là giá trị lịch sử của kỹ thuật công nghệ số.

Cứu nhân hay tội đồ?

Photoshop là một trong những chương trình máy tính (phần mềm ứng dụng cho máy tính) được sử dụng nhiều nhất. Nó ra đời cách đây 30 năm. Và bởi vì trên đời này cái gì cũng đều có hai mặt của nó nên cho dù được đánh giá cao đến đâu thì Photoshop cũng vẫn có mặt trái của nó. Cho nên nó từ khi xuất hiện đến nay luôn vừa được coi là cứu nhân lại vừa bị nhìn nhận là tội đồ. Nguyên do ở chỗ tác dụng và sứ mệnh bẩm sinh của nó là làm thay đổi thực tế, cũng có thể nói là làm thay đổi sự thật.

Không ít người trên thế giới này sử dụng Photoshop để chỉnh sửa hình ảnh của họ trước khi công bố chung, tẩy xóa những khiếm khuyết, thêm bớt và phối màu để có được những bức ảnh khiến họ hài lòng nhất và muốn bên ngoài nhìn họ như thế trong khi trên thực tế họ không được như vậy. Photoshop đã cứu những người này thoát khỏi những mặc cảm và tự ti về nhan sắc và cơ thể bị khiếm khuyết của họ. Photoshop giúp họ được sống trong thế giới sự thật bị bóp méo của họ. Photoshop giúp cho việc xử lý hình ảnh trở nên đơn giản và nhanh chóng. Hiệu ứng này mang tính cách mạng đối với ngành in ấn, báo chí và truyền thông, nhưng cũng cả cho sáng tạo nghệ thuật.

Phần mềm Photoshop đã trở nên không thể thiếu đối với những người làm việc và sử dụng máy tính. (Ảnh: internet)

Tuy nhiên, Photoshop đồng thời bị coi là tội đồ vì thực chất là làm cho sự thật không còn là sự thật nữa. Photoshop làm giả hình ảnh. Vì sản phẩm của Photoshop không còn phản ánh trung thực và đầy đủ sự thật nên Photoshop đánh lừa con người. Cắt ghép và chỉnh sửa hình ảnh chẳng phải trong thực chất là biến cái thật thành cái giả hay sao?

Dù vậy, không phải chờ đợi mãi đến tận bây giờ mà đã từ lâu rồi, khá nhanh chóng từ sau khi ra đời, phần mềm ứng dụng máy tính này đã trở nên không thể thiếu đối với những người làm việc và sử dụng máy tính. Cả trong tương lai cũng sẽ vẫn như thế. Photoshop đã trở thành một trong những thương hiệu sáng giá trên thế giới. Bản thân giá trị thương hiệu này cao và nhờ nó mà con người tạo nên được giá trị và giá trị gia tăng lớn.

Sứ mệnh của Photoshop

Photoshop được ra đời không phải ở Thung lũng Silicon mà ở bang Michigan của nước Mỹ. Năm 1987, một người Mỹ tên là Thomas Knoll tìm kiếm trên thị trường một chương trình máy tính giúp tách bạch rõ những mảng màu xám trên bức ảnh đen trắng. Vì không tìm thấy trên thị trường sản phẩm nào đáp ứng được yêu cầu của mình, Thomas Knoll quyết định tự viết chương trình ứng dụng này. Người em trai là John Knoll về sau cùng tham gia. Khi ấy, Thomas Knoll đang làm nghiên cứu và viết luận văn tiến sĩ ở trường Đại học Tổng hợp Michigan.

Thời ấy, máy tính với tốc độ và khả năng xử lý cao chưa có. Anh em nhà Knoll làm ra được dòng sản phẩm xử lý hình ảnh Beta đầu tiên, về sau được đặt tên là thế hệ 0.87. Nó được một hãng sản xuất máy scan mua lại với tên gọi sản phẩm là Barneyscan XP và cũng chỉ bán ra được có 200 sản phẩm. Đối với anh em nhà Knoll, kết quả tiêu thụ sản phẩm như thế là thất vọng lớn và họ đã nghĩ rằng ý tưởng sáng tạo của họ hoàn toàn không có triển vọng tương lai sáng lạn gì. Nhưng rồi số phận đã mỉm cười với họ vào mùa thu năm 1988: Hãng Adobe đã bất ngờ quyết định chọn anh em nhà Knoll làm đối tác để tiếp tục phát triển chương trình ứng dụng này. Cùng với một đối tác khác nữa của hãng Adobe, anh em nhà Knoll có được vốn đầu tư để tiếp tục thực hiện ý tưởng về sáng tạo nên một ứng dụng máy tính chuyên nghiệp cho việc xử lý hình ảnh.

Ngày 19/2/1990, họ đưa ra thế hệ 1.0, đặt tên là Photoshop, lúc đầu chuyên cho hệ điều hành Android, từ thế hệ 2.5 trở đi thì có cả Photoshop cho hệ điều hành Window.

Sau 30 năm ra đời, đến nay Photoshop có nhiều thay đổi. (Ảnh: Hà Nguyên)

Photoshop 1.0 nhận được sự đáp ứng rất sâu rộng của người sử dụng, cho dù với mức giá 895 USD không hề rẻ. Giới chuyên môn và người sử dụng dành cho nó những nhận xét và đánh giá rất cao. Cái tên thương hiệu này nhanh chóng trở nên thông dụng đến mức được "động từ hoá" trong ngôn ngữ. Nhờ Photoshop mà các ngành công nghiệp ứng dụng có thể sửa chữa được hết những gì bị coi là lỗi. Ví dụ điển hình nhất là trường hợp thương hiệu Lancôme dùng Photoshop chỉnh sửa "làm đẹp" hình ảnh nữ minh tinh màn bạc Mỹ nhưng không còn trẻ trung Julia Roberts quá đà đến nỗi quảng cáo này bị toà án ở nước Anh cấm vì làm sai sự thật nhiều quá.

Photoshop được tiếp tục phát triển, hoàn thiện và tích hợp thêm nhiều chức năng và công năng mới, đem lại lợi nhuận hàng năm nhiều tỷ USD cho hãng Adobe. Nó làm thay đổi rất cơ bản nhiều phương diện của cuộc sống con người, trong công nghiệp cũng như trong thiết kế và nghệ thuật. Photoshop giúp con người không chỉ tạo nên thế giới ảo nói chung mà còn cả thế giới ảo riêng cho họ trong thế giới ảo chung. Photoshop cụ thể hoá thế giới tưởng tượng của con người nhưng cũng có thể biến cú thành thiên nga. Ngày nay, Photoshop đã phát triển đến mức người bình thường rất khó nhận ra được hình ảnh bị chỉnh sửa. Nó bị coi là tội đồ cũng bởi vai trò rất đáng kể của nó trong việc làm ra và phát tán tin giả trên thế giới.

Ý tưởng chỉnh sửa hình ảnh không phải đến khi có Photoshop mới xuất hiện mà đã có từ cách đây rất lâu rồi. Năm 1855, nhiếp ảnh gia ở Munich (nước Đức ngày nay) Franz Hanfstaengl đã giành Huy chương vàng tại triển lãm thế giới tổ chức ở thủ đô Paris của nước Pháp cho những bức ảnh chụp được chỉnh sửa. Ban tổ chức triển lãm thế giới vinh danh người này về việc đã "quản trị nghệ thuật" bằng tay của mình thể hiện trong những bức ảnh chụp. Hanfstaengl được công nhận là người phát minh ra cách chỉnh sửa phim chụp ảnh âm bản theo kỹ thuật và công nghệ đặc biệt. Lúc đầu, việc chỉnh sửa hình ảnh này được sử dụng trong nghệ thuật và được coi là nghệ thuật. Nhưng rồi về sau, nó được sử dụng cả vào mục đích chính trị.

Giá trị lịch sử của công nghệ số

Thời gian 30 năm không phải dài so với chiều dài thời gian của câu chuyện về chỉnh sửa hình ảnh. Nhưng Photoshop đã làm cho việc chỉnh sửa và xử lý hình ảnh được "dân chủ hoá" thật sự khi ai ai cũng đều có thể làm được việc ấy và có thể làm được việc ấy ở mọi nơi từ khi có máy tính cá nhân, điện thoại di động thông minh và các loại thiết bị điện tử di động khác. Photoshop làm cho thế giới của trí tuệ tưởng tượng của con người không còn biên giới. Nhưng Photoshop cũng buộc con người ngày nay phải luôn thận trọng trước mọi bức ảnh, phải luôn đề phòng và đối phó những ý đồ đen tối trong việc sử dụng Photoshop để tạo nên những bức ảnh giả và tin giả. Khái niệm được sử dụng ở đây là "thao túng hình ảnh" với hàm ý nhấn mạnh động cơ thấp hèn của việc lạm dụng Photoshop.

Cho dù cả trong tương lai sviệc lạm dụng này không thể bị loại trừ thì vẫn cần phải khách quan và công bằng để đánh giá hiệu ứng tích cực mà Photoshop đã đem lại cho con người. Lịch sử ứng dụng và thương hiệu này cũng đồng thời còn là lịch sử của mạng internet và kỹ thuật công nghệ số./.

Sa Thảo

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận