Người sáng lập phong trào vì phụ nữ

Một trong những người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh vì các quyền của phụ nữ là một phụ nữ Mỹ tên là Susan B. Anthony.

 

Để có ngày 8/3 là quá trình đấu tranh rất lâu dài và đầy gian truân vì các quyền của phụ nữ... Một trong những người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh này là một phụ nữ Mỹ tên là Susan B. Anthony.

Lịch sử ngày 8/3

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hàng năm chính thức ra đời năm 1921. Từ năm 1975, Liên hợp quốc (LHQ) coi ngày 8/3 hàng năm là Ngày của LHQ vì quyền của phụ nữ và vì hoà bình thế giới. Năm 1975 cũng là năm đầu tiên LHQ tổ chức Ngày Quốc tế Phụ nữ. Nhưng để đến được những dấu mốc lịch sử ấy là quá trình đấu tranh rất lâu dài và đầy gian truân vì các quyền của phụ nữ, vì bình đẳng giới và đặc biệt vì quyền bầu cử. Một trong những người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh này là một phụ nữ Mỹ tên là Susan B. Anthony.

Câu nói: "Không người đàn ông nào được quản trị người phụ nữ nếu không có được sự đồng ý của người phụ nữ" đã đi vào lịch sử cùng với cuộc đời và sự nghiệp của Susan B. Anthony. Câu nói này hàm ý đầy đủ lý tưởng mà người phụ này theo đuổi coi như sứ mệnh của cuộc đời mình.

Một trong những người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh này là một phụ nữ Mỹ tên là Susan B. Anthony.. (Ảnh: Internet)

Susan B. Anthony sinh ngày 15/2/1820 ở bang Massachusetts, là cô con gái thứ 2 trong 7 người con của một gia đình theo Giáo Hữu hội, một nhóm phái trong Thiên chúa giáo. Những người theo giáo phái này theo đuổi ước vọng đấu tranh chống phân biệt đối xử. Ngay khi mới 17 tuổi, Susan B. Anthony đã tích cực vận động tập hợp chữ ký của dân chúng ủng hộ Phong trào phản đối chiếm hữu nô lệ. Năm 1826, gia đình Susan B. Anthony chuyển đến sinh sống ở bang New York. Susan B. Anthony cùng các anh chị em được bố mẹ dạy học ở nhà và truyền thụ những quan điểm về xã hội và cuộc sống vượt ra ngoài phạm vi chật hẹp đương thời ở nước Mỹ. Susan B. Anthony trở thành cô giáo. Từ năm 26 tuổi, cô gái này đã để ý thấy có sự bất công bằng trong trả lương cho cùng công việc làm giữa nam giới và phụ nữ. Cô bắt đầu quan tâm đến các cuộc cải cách xã hội.

Sự kiện làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Susan B. Anthony là Hội nghị toàn quốc đầu tiên vì quyền của phụ nữ ở nước Mỹ, tổ chức năm 1848 tại bang New York. Kết quả của hội nghị là một bản tuyên ngôn bao gồm 18 điểm chỉ ra rõ những bất công đối với phụ nữ và đưa ra yêu sách đòi đảm bảo cho phụ nữ tất cả mọi quyền bình đẳng như nam giới, trong đó có cả quyền bầu cử. Một trong những người đưa ra ý tưởng tiến hành sự kiện này là Elizabeth Cady Stanton. Nhờ hội nghị năm 1848 mà Susan B. Anthony biết đến Elizabeth Cady Stanton. Từ năm 1851, hai người trở thành bạn bè thân thiết của nhau và đồng chí đồng lòng trong việc thực hiện lý tưởng và sứ mệnh lịch sử là đấu tranh giải phóng phụ nữ, vì bình đẳng giới và vì các quyền của phụ nữ.

ảnh minh họa: internet

Thời ấy ở nước Mỹ, uống rượu và nghiện rượu rất thịnh hành trong xã hội, nhưng đồng thời lại là thảm hoạ lớn đối với người phụ nữ. Phụ nữ không được đi làm việc mà chỉ là người nội trợ trong nhà. Người đàn ông uống rượu và nghiện rượu thường không làm được việc, không còn đáng được tin cậy và dễ dàng sử dụng bạo lực đối với phụ nữ. Vì thế, phong trào đấu tranh xã hội phản đối uống rượu bùng phát mạnh mẽ.

Giành cả cuộc đời để đấu tranh

Năm 1863, Susan B. Anthony dự định phát biểu tại một cuộc mít-tinh của phong trào phản đối uống rượu, nhưng không được đồng ý cho phát biểu với lý do phụ nữ không được phát biểu ở những sự kiện công khai. Cùng với Elizabeth Cady Stanton, Susan B. Anthony thành lập luôn một tổ chức của những người phụ nữ đấu tranh phản đối uống rượu với tên gọi "The Daughters of Temperance". Tổ chức này đã gửi đến nghị viện bang New York hẳn một dự thảo luật với nội dung hạn chế bán rượu ở bang New York. Tuy nhiên, dự thảo luật này đã bị nghị viện bang bác bỏ với lý do "chỉ được phụ nữ ủng hộ". Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới chứ không phải chỉ có ở nước Mỹ xảy ra việc một tổ chức phụ nữ chính thức lên tiếng đòi phía lập pháp phải sửa đổi luật pháp hiện hành. Elizabeth Cady Stanton và Susan B. Anthony tạo nên cặp bài trùng hoàn hảo. Thường thì Stanton có ý tưởng còn Anthony là người tổ chức thực hiện. Hai người cùng nhau tiến hành nhiều hội nghị toàn quốc ở nước Mỹ như Hội nghị toàn quốc về quyền phụ nữ, hay Hội nghị toàn quốc về chống chế độ chiếm hữu nô lệ. Họ tìm cách giúp những người nô lệ thoát khỏi những bang có luật pháp hà khắc đối với người nô lệ để đến sống ở những bang an toàn và yên ổn hơn. Năm 1863, họ thành lập Women's Loyal National League, tổ chức chính trị quốc gia đầu tiên của phụ nữ ở nước Mỹ với tôn chỉ mục tiêu phấn đấu và hành động là sửa đổi hiến pháp hiện hành của nước Mỹ đê xoá bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ.

Năm nay là sinh nhật lần thứ 200 của Susan B. Anthony. Không chỉ riêng phụ nữ mà cả nhân loại nhớ về người phụ nữ này và những người đã dành cả cuộc đời của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ và vì những quyền của phụ nữ. (Ảnh: internet)

Năm 1869, tổ chức của Anthony và Stanton bị phân hoá trầm trọng thành 2 phe. Một phe chủ trương đấu tranh để phụ nữ và người Mỹ gốc châu Phi đồng thời có quyền bầu cử, còn phe kia chủ trương dành ưu tiên trước hết cho cuộc đấu tranh vì quyền bầu cử của phụ nữ ở Mỹ.

Vào dịp cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ năm 1872, Susan B. Anthony bị bắt và đưa ra xét xử trước toà bởi bị cáo buộc đã vi phạm pháp luật Mỹ khi không "bỏ phiếu" mà đã "ném phiếu" bầu vào hòm phiếu. Susan B. Anthony bị toà tuyên phạt tiền. Nhưng Anthony không thực hiện bản án này của toà. Phiên toà này đã làm cho Anthony được cả nước Mỹ lẫn thế giới bên ngoài biết đến và thu hút sự quan tâm của nước Mỹ và thế giới tới phong trào đấu tranh của phụ nữ nói chung vì bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử. Susan B. Anthony thành lập National Women Suffrage Association, cùng Elizabeth Cady Stanton xuất bản tuần báo "The Revolution" làm vũ khí đấu tranh vì quyền của phụ nữ. Mục đích của họ là sửa đổi hiến pháp hiện hành ở nước Mỹ để đảm bảo cho phụ nữ ở Mỹ có quyền bầu cử. Năm 1904, Anthony sang Đức để tham gia vận động thành lập Liên đoàn thế giới về quyền bầu cử của phụ nữ. Susan B. Anthony qua đời năm 1906 ở Mỹ.

Sinh nhật lần thứ 200 của Susan B. Anthony

Người phụ nữ đi tiên phong này trong cuộc đấu tranh vì các quyền của người phụ nữ ở Mỹ cũng như trên thế giới không được chứng kiến một trong những ước mơ của mình trở thành hiện thực khi phụ nữ ở Mỹ từ năm 1920 được đảm bảo quyền bầu cử như nam giới. Mãi đến tận năm 1920, nước Mỹ mới sửa đổi hiến pháp như Susan B. Anthony và Elizabeth Cady Stanton đòi hỏi từ trong thế kỷ trước đấy. Một năm sau, Ngày Quốc tế phụ nữ được khai sinh.

Năm nay là sinh nhật lần thứ 200 của Susan B. Anthony. Không chỉ riêng phụ nữ mà cả nhân loại nhớ về người phụ nữ này và những người đã dành cả cuộc đời của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ và vì những quyền của phụ nữ. Có những quyền mà con người trong thế giới hiện đại ngày nay coi như đương nhiên nhưng trong thực chất lại là kết quả của cuộc đấu tranh rất lâu dài và gian khổ của rất nhiều người trong lịch sử. Nhìn vào chính nước Mỹ hiện tại nói riêng và thế giới hiện đại nói chung thì có thể thấy là cuộc đấu tranh mà Susan B. Anthony đã khởi xướng trong thực chất chưa thể kết thúc mà vẫn còn phải được tiếp tục. Sửa đổi luật pháp là một chuyện, thực hiện luật pháp lại là chuyện khác. Những bước tiến vẫn cần phải được bảo vệ để không bị đảo ngược. Cuộc hành trình vẫn phải được tiếp tục. Phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ đòi hỏi phải như thế. Tri ân Susan B. Anthony thì phải như thế./.

Sa Thảo

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận