Chuyện của những y bác sĩ Vũ Hán

Trong cuộc chiến với "kẻ thù" mang tên Covid-19 giành giật sự sống cho người dân nước này, nhiều nhân viên y tế ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã ra đi mãi mãi.

 

23/2/2020 là ngày tròn 1 tháng Vũ Hán "đóng cửa" do dịch Covid-19. Sáng sớm cùng ngày, nữ bác sĩ 29 tuổi Hạ Tư Tư của Bệnh viện Giang Bắc Hiệp Hòa mãi mãi ra đi. Cô bị lây bệnh khi đang chiến đấu nơi tuyến đầu dập dịch hôm 19/1. Bệnh tình của cô chuyển nặng từ ngày 7/2. Sáng ngày 23/2, cha của cô đã viết trên mạng xã hội: "Con gái thương yêu Tư Tư, 6h50 sáng nay, tuổi của con vĩnh viễn dừng lại ở con số 29 tuổi 9 tháng 20 ngày, con mãi mãi rời xa cậu con trai đáng yêu 2 tuổi, người chồng con yêu thương, cả cha mẹ và những người thân của con, cùng với sự nghiệp y học mà con tâm huyết và những người bệnh mến yêu con. Con gái yêu, con ra đi thanh thản nhé, ở trên thiên đường hãy thật vui nhé. Con thương yêu, chúng ta sẽ luôn yêu con, luôn nhớ về con! Người Cha mãi yêu con. 23/2/2020".

Hẳn cha của Tư Tư đã phải khó khăn như thế nào khi viết ra những dòng này. Ai cũng có một gia đình để yêu thương, để trở về, nhưng Tư Tư đã không còn có thể làm như vậy. Cô chỉ là một trong nhiều nhân viên y tế ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã ra đi mãi mãi để hàng vạn người bệnh ở đất nước này được sống và thoát khỏi Covid-19.

Các bác sĩ tỉnh Giang Tô chi viện cho Bệnh viện Số 1 Vũ Hán. (Ảnh Tân Hoa Xã)

Câu chuyện của những y bác sĩ nơi tuyến đầu

Chỉ cách Chợ hải sản Hoa Nam có 300m, Bệnh viện Ưu Phủ là một trong những cơ sở y tế thăm khám cho những bệnh nhân Covid-19 sớm nhất ở Vũ Hán.

Y tá Vương Lộ kể lại: "Ngày 12/12/2019, một chủ hàng ở chợ đến khám do thấy không khỏe, sốt cao không hạ, Trưởng khoa trò chuyện vài câu với bệnh nhân rồi khuyên anh ấy đến Bệnh viện số 5 ở phía sau hoặc Bệnh viện Trung tâm".

Bệnh viên Ưu Phủ chủ trị về thần kinh, vì gần chợ, lại là bệnh viện nhỏ, ít bệnh nhân, nên luôn được các hộ kinh doanh ở đây "ưu ái" mỗi khi đau ốm.

Bác sĩ Lục Dương cho biết, thời gian đó bệnh viện đón tiếp một số bệnh nhân "giống như cúm". "Các bệnh nhân này không khó chịu, tức ngực, mà có những triệu chứng sốt, ho." Các bác sĩ khuyên họ chụp CT ngực, nhưng nhiều người chưa đồng ý ngay. Thời điểm đó, chẳng ai trong số họ biết về căn bệnh có tên là Covid-19, càng không biết về sự lây lan của nó. Đến giữa tháng 12, bệnh viện nhận được chỉ thị của trên cho biết, gần Chợ hải sản Hoa Nam có một số ca viêm phổi, nhưng không phải SARS, cũng không phát hiện thấy lây từ người sang người.

Ngày 17/1, hàng loạt bệnh nhân sốt, ho tới khám tại Bệnh viện Ưu Phủ, kết quả chụp CT khác thường. "Khi đó, chúng tôi đều dùng khẩu trang y tế thông thường" - Vương Lộ kể. Chính ngày hôm đó, xuất hiện ca bác sĩ nghi nhiễm đầu tiên, bởi đơn giản tại bệnh viện vốn không hề có phòng khám dành riêng cho bệnh nhân sốt này, việc bảo hộ đối với y bác sĩ đã không thể theo kịp tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Dù không được thông báo, nhưng các y bác sĩ đã bắt đầu cảnh giác về khả năng lây lan từ người sang người của căn bệnh lạ.

Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân nặng phải viết tên lên trang phục bảo hộ cho nhau để dễ nhận biệt. (Ảnh Tân Hoa Xã)

Bác sĩ khoa ngoại Dịch Lập Tân của Bệnh viện Ưu Phủ đã báo cáo lên trên khi thấy bệnh tình của vị bác sĩ nghi nhiễm tiến triển quá nhanh, nhưng cấp trên không chấp nhận vì chưa có kết quả xét nghiệm axit nuleic. Nhưng khi đó, bệnh viện đã làm gì có bộ dụng cụ xét nghiệm này. Kể từ đó, Bệnh viện Ưu Phủ có khoảng 50 nhân viên y tế lây nhiễm Covid-19, may mắn thay tất cả họ đều được chữa khỏi.

Ngay gần Bệnh viện Ưu Phủ là Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán. Bệnh viện này cách chợ hải sản khoảng 1,5km. Số bệnh nhân sốt ở đây cũng tăng đột biến trong tháng 1. Tầm ngày 18/1, bác sĩ Thái Nghị, Trưởng khoa Chấn thương Bệnh viện khám cho một bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. Điều làm ông khó hiểu là một số người không có triệu chứng, chỉ cảm thấy đau, sau đó chụp CT ông mới phát hiện ra họ có gì đó bất thường. Ông bảo, khi đó không ai biết tình hình dịch bệnh, nên các nhân viên y tế đều không đeo khẩu trang.

"Bệnh nhân này đã lây sang một y tá của khoa" - Ông chia sẻ. "Sau đó bác sĩ Lý Văn Lượng lên tiếng, lúc đầu chúng tôi tưởng là tin đồn thất thiệt, lãnh đạo cấp trên cũng nói vậy, sau này khi tôi tiếp nhận bệnh nhân này, lập tức báo lên, mới biết là không phải (tin đồn)."

Ngày 30/12/2019, bác sĩ Lý Văn Lượng của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán - là 1 trong 8 người đầu tiên cảnh báo về khả năng lây từ người sang người của căn bệnh chết người này. Ngày 12/1, anh nhập viện sau khi khám cho một ca nhiễm Covid-19. Sáng sớm ngày 7/2, anh đã mãi mãi ra đi. Không chỉ Lý Văn Lượng, gần 3.400 bác sĩ khác ở Trung Quốc cũng đã bị nhiễm hoặc nghi nhiễm vì không được cảnh báo kịp thời, vì không có đủ đồ bảo hộ trong khi số bệnh nhân tăng lên hàng nghìn, thậm chí hơn vạn người mỗi ngày.

Các tình nguyện viên cắt tóc cho các y bác sỹ tại Bệnh viện Hàn Khẩu Vũ Hán. (Ảnh Tân Hoa Xã)

Nhiều người trong số họ cũng giống như Lý Văn Lượng không bao giờ còn có thể trở về với người thân. Họ là nữ bác sĩ Hạ Tư Tư; là bác sĩ Bành Ngân Hoa cũng mới 29 tuổi, làm việc tại khoa hô hấp và chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhân dân số 1 thành phố Vũ Hán, người đã phải hoãn đám cưới dự kiến tổ chức vào ngày 1/2 và tham gia vào cuộc chiến chống dịch, trong khi vợ chưa cưới của anh đang mang thai ở tháng thứ 6; là bác sĩ Lưu Trí Minh, Giám đốc Bệnh viện Vũ Xương, người vẫn làm việc trên giường bệnh cho đến những giờ phút cuối cùng. Không hẳn vì dịch bệnh, nhiều bác sĩ còn ra đi vì phải làm việc quá sức trong thời gian dài, bởi lúc cao điểm có tới 15.000 người bệnh cùng lúc đến khám tại các cơ sở y tế ở Vũ Hán.

Mong một ngày bình thường trở lại Vũ Hán

Bác sĩ Chung Minh, Phó chủ nhiệm Khoa hồi sức tích cực (ICU) Bệnh viện Trung Sơn thuộc Đại học Phúc Đán, thành phố Thượng Hải, người từng tham gia cả đợt dịch SARS, trận động đất ở Vấn Xuyên, nay lại nằm trong đợt bác sĩ đầu tiên chi viện cho Hồ Bắc trong đợt dịch Covid-19 lần này. Anh được phân công hỗ trợ các đồng nghiệp tại Bệnh viên Kim Ngân Đàm, nơi điều trị các bệnh nhân nặng nhiễm Covid-19.

Anh cho biết, vẫn còn rất nhiều giả thuyết về cách thức lây lan của virus SARS-CoV-2, bản thân anh cũng chưa cảm thấy có gì chắc chắn về việc liệu mình có an toàn trước dịch bệnh hay không. Mỗi khi bước vào phòng ICU, những bác sĩ như anh sẽ không có thời gian để nghĩ đến bất cứ điều gì. Chỉ là mỗi khi xong việc, anh lại tự kiểm tra xem mình có đau họng không, có sốt không.

Khi được hỏi sẽ làm gì đầu tiên sau khi dịch kết thúc, anh bảo: "Tôi muốn đi làm một ngày bình thường, trải qua một kỳ nghỉ cuối tuần bình thường, rồi cảm nhận lại cuộc sống thường nhật mà mỗi ngày tôi vẫn trải qua nhưng lại không hề nhận thấy nó quan trọng, đáng trân trọng và đáng quý nhường nào. Lần sau tôi sẽ còn quay trở lại, gỡ bỏ khẩu trang, thoải mái hít một hơi không khí trong lành của Vũ Hán. Đó là những gì tôi nghĩ".

Thay cho lời kết, hay nghe chia sẻ giản dị của một y tá khi được cử chi viện cho Hồ Bắc và phải cạo trọc đầu: "Đến mạng chúng tôi còn không màng tới, tiếc gì mái tóc." Những y bác sĩ xông pha nơi tuyến đầu dập dịch của Trung Quốc đã tham gia vào chiến dịch chống Covid-19 "chưa từng có" này với một tinh thần như vậy! ./.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận