Dịch viêm phổi cấp có làm Trung Quốc suy yếu?

Khi con số thiệt hại về người và của vẫn tăng lên từng ngày thì dư luận đặt ra câu hỏi liệu dịch viêm phổi cấp có làm Trung Quốc suy yếu?

 

Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra tại Trung Quốc khi con số thiệt hại về người và của vẫn tăng lên theo từng ngày thì dư luận đặt ra câu hỏi liệu bệnh dịch có làm Trung Quốc suy yếu đi không?

Thách thức an ninh phi truyền thống lớn nhất

Kể từ động đất Tứ Xuyên năm 2008 khiến gần 70.000 thiệt mạng và gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD thì có thể nói dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra (từ tháng 12/2019) là thách thức an ninh phi truyền thống lớn nhất mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải gánh chịu trong 10 năm qua. Khi dịch được xác định vẫn chưa chạm đỉnh và con số người mắc, tử vong đang tăng lên từng ngày thì để thống kê con số thiệt hại chính xác là rất khó, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể đánh giá được một số thiệt hại trực tiếp và lâu dài đối với Trung Quốc.

Đoàn cứu trợ tỉnh Vân Nam lên đường đến vùng dịch.

Về thiệt hại trực tiếp đến ngày 4/2, bệnh dịch đã khiến hơn 400 người thiệt mạng, hơn 20.000 người nhiễm bệnh và gần 30.000 người nghi nhiễm. Dịch bệnh cũng đã càn quét tất cả các địa phương của Trung Quốc khiến giao thông tại nhiều nơi tê liệt như Vũ Hán phong tỏa thành phố (23/1), hơn 10 thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc hạn chế giao thông đi lại. Một số tỉnh thành khác như thủ đô Bắc Kinh cũng dừng hoạt động của các tuyến xe khách liên tỉnh, tạm ngừng 41 tuyến đường sắt từ ngày 28/1 đến 26/2, hàng loạt các chuyến bay từ các địa phương khác đến Vũ Hán và nhiều thành phố của tỉnh Hồ Bắc buộc phải tạm dừng.

Dịch bùng phát vào đúng dịp nghỉ Tết nguyên đán cũng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Nếu trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019, doanh thu từ bán lẻ và ăn uống của Trung Quốc đạt 1.005 tỷ nhân dân tệ (khoảng 150 tỷ đô la Mỹ), doanh thu từ du lịch đạt 513,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 76,13 tỷ đô la Mỹ), doanh thu từ các phòng vé đạt 5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 740 triệu đô la Mỹ)... thì chỉ riêng đợt nghỉ Tết năm 2020, dịch viêm phổi cấp buộc các tour du lịch trong và ngoài nước phải hủy bỏ, chính quyền hạn chế các hoạt động tụ tập đông người... đã khiến kinh tế Trung Quốc thiệt hại trực tiếp hàng trăm tỷ USD.

Đoàn y bác sỹ Nam Ninh lên đường chi viện cho Vũ Hán.

Trong đó, thiệt hại từ bán lẻ và ăn uống được cho là vào khoảng 20 tỷ USD, du lịch thiệt hại khoảng 40 tỷ USD, ngành giải trí cũng thiệt hại nặng khi 07 bộ phim chuẩn bị ra rạp trong dịp Tết đã buộc phải dừng lại, cùng với đó là các ngành dịch vụ khách sạn, sản xuất... bị ảnh hưởng theo hiệu ứng dây chuyền. Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, chính phủ Trung Quốc cũng đã đầu tư khoảng 13 tỷ USD cho các thiết bị y tế và công tác điều trị cứu chữa người bệnh.

Về thiệt hại lâu dài, điều này phụ thuộc rất lớn vào khả năng khống chế dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc, trong bài viết này chúng ta chỉ đưa ra các đánh giá về thiệt hại trong trường hợp Trung Quốc khống chế được dịch bệnh trong vòng 2 tháng tới (tức là đến tháng 4/2020). Các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, giao thông vận tải và tiêu dùng sẽ là những ngành chịu thiệt hại nhiều nhất.

Người dân giúp đỡ nhau trong tâm dịch.

Theo một số chuyên gia nếu đến tháng 4/2020, Trung Quốc khống chế được dịch bệnh thì bắt đầu từ tháng 6/2020 trở đi ngành du lịch mới bắt đầu hồi phục và quay trở lại quỹ đạo cũ, khi đó thiệt hại sẽ rơi vào khoảng 40% doanh thu năm 2019 (khoảng 600 tỷ USD), chuỗi bán lẻ, ngành giao thông vận tải cũng sẽ phục hồi một cách tương đối chậm.

Theo thống kê năm 2019, ngành dịch vụ của Trung Quốc chiếm 53,9% GDP, do đó ngành dịch vụ giảm sút nghiêm trọng sẽ tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc. Theo giáo sư Trương Minh - Viện khoa học xã hội Trung Quốc, bệnh dịch có thể khiến kinh tế Trung Quốc giảm 1 - 1,5% tăng trưởng trong quý I và quý II năm 2020.

Cắt tóc trước khi vào vùng dịch để hạn chế tối đa sự lây nhiễm.

Ngoài ra, ảnh hưởng lâu dài thứ hai đó là tâm lý của nhà đầu tư, khi nhiều nhà đầu tư sẽ buộc phải tính đến các phương án rút vốn khỏi Trung Quốc trong bối cảnh các nhà máy không thể hoạt động vì thiếu công nhân.

Ảnh hưởng lâu dài thứ ba đó là việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020, do đây là năm có ý nghĩa quan trọng khi Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng được xã hội khá giả toàn diện cũng như tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập trong thập niên 2010-2020.

Trong bối cảnh năm 2019, kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thương chiến Trung - Mỹ thì dịch bệnh lần này được cho là lý do càng khiến hàng hóa khan hiếm hơn, chỉ số giá tiêu dùng CPI, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, sản xuất sụt giảm... Đây là những thách thức không nhỏ để Trung Quốc có thể thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra.

Cách Trung Quốc vượt qua khủng hoảng

Bên cạnh những lo lắng của toàn xã hội về dịch viêm phổi cấp, đặc biệt là tâm lý hoang mang, bất ổn của một bộ phận người dân Trung Quốc, chúng ta vẫn thấy những điểm tích cực và chủ động của nước này trong đối phó và xử lý khủng hoảng. Những quyết sách cứng rắn và quyết liệt từ Trung ương xuống địa phương được thực hiện một cách thống nhất và nghiêm ngặt. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra nhiều chỉ thị yêu cầu toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn.

Có lẽ chỉ ở Trung Quốc chúng ta mới thấy việc xây dựng bệnh viện dã chiến 1.000 giường bệnh trong thời gian thần tốc 8 ngày, hay phong toả toàn bộ một thành phố lớn như Vũ Hán, hạn chế giao thông đi lại của nhiều tỉnh thành, kiểm soát người dân đi lại ở các vùng dịch cũng như kéo dài thời gian nghỉ Tết... Ngoài các đoàn công tác cứu trợ và hàng hóa liên tục được chuyển về Hồ Bắc thì việc Thủ tướng Lý Khắc Cường đích thân đến tâm dịch Vũ Hán ngay mùng 3 Tết Nguyên đán (27/1) cho thấy quyết tâm cũng như tinh thần không sợ nguy hiểm của lãnh đạo Trung Quốc trong việc xử lý dịch bệnh.

Tính đến đầu tháng 2/2020, dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra tại Trung Quốc đã khiến hơn 400 người dân nước này thiệt mạng, hơn 20.000 ca nhiễm bệnh, gần 30.000 ca nghi nhiễm và hàng trăm nghìn người vẫn đang phải tiến hành theo dõi y tế. Thiệt hại kinh tế ước tính hàng trăm tỷ USD.

Tại cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (3/2) cũng đã xác định dịch viêm phổi cấp là thách thức quan trọng đối với hệ thống chính trị và khả năng quản lý đất nước của Trung Quốc. Trung Quốc cũng thừa nhận còn nhiều điểm hạn chế và cần phải rút kinh nghiệm, tuy nhiên nước này khẳng định hoàn toàn có đủ năng lực để xử lý dịch bệnh.

Đâu đó trên đất Trung Quốc vẫn còn có sự kỳ thị người dân Vũ Hán, vẫn còn những hành động trục lợi, nhưng có lẽ đó chỉ là thiểu số trong hàng trăm triệu trái tim người dân Trung Quốc đang hướng về Vũ Hán. Và ngay tại Vũ Hán - nơi được coi là thành phố chết (khi trung bình mỗi ngày đều có hàng nghìn ca nhiễm bệnh mới và hàng chục người tử vong) trong đêm vẫn vang vọng những tiếng động viên “cố gắng lên” giữa những người dân các khu nhà cao tầng còn ở lại.

Người Trung Quốc thường có thói quen chiết tự (chơi chữ), như từ “nguy cơ” thường được hiểu là trong nguy có cơ, nghĩa là luôn tìm thấy cơ hội trong những tình huống khó khăn nhất. Do đó có thể tin tưởng rằng, với kinh nghiệm xử lý khủng hoảng dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS năm 2003 cũng như hàng loạt các khủng hoảng an ninh phi truyền thống trước đó, dịch viêm phổi cấp lần này sẽ chỉ khiến người dân Trung Quốc mạnh mẽ và đoàn kết hơn./.

Chí Thành/VOV- Bắc Kinh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận