Chuyện máy bay chở khách bị bắn rơi

Chuyện máy bay chở khách bị bắn rơi không còn xảy ra nhiều nhưng vẫn là một nguy cơ lớn đối với ngành hàng không dân dụng thế giới.

 

Những hệ lụy tai hại

Tuy không phải ngay lập tức nhưng rồi Iran cũng đã xác nhận là tên lửa phòng không của Iran đã bắn rơi chiếc máy bay chở khách của Ukraine khiến 176 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Phía Iran đã xin lỗi, nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường thiệt hại. Hệ lụy của việc này tai hại như thế nào trên mọi phương diện đối với Iran là chuyện khác. Điều đáng nói ở đây là thế giới không thể loại trừ được hoàn toàn nguy cơ máy bay chở khách bị súng đạn hay tên lửa của cá nhân hay quốc gia nào đó bắn rơi.

Nguyên nhân xảy ra những chuyện như vậy có nhiều và rất đa dạng. Có những vụ được làm sáng tỏ nhưng cũng có những vụ vẫn bí hiểm. Thường thì việc điều tra chiếc máy bay chở khách đã bị bắn rơi như thế nào dễ đạt kết quả hơn là việc trả lời câu hỏi tại sao chiếc máy bay ấy lại bị bắn rơi. Xưa thì có thể khác chứ ngày nay, khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại đã đủ khả năng để giúp con người rất nhanh chóng tìm ra được sự thật những chiếc máy bay chở khách đã bị rơi như thế nào. Như có thể thấy ở vụ chiếc máy bay chở khách của Ukraine bị bắn rơi ở Iran.

Iran ngày 11/1/2020 thừa nhân quân đội nước này đã bắn nhầm chiếc Boeing 737-800 của Ukraine chở 176 người và khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng hôm 8/1. (Ảnh: Reuters)

Không đầy 24 giờ sau khi chiếc máy bay đó bị rơi ở Iran, những chuyên gia và nhân viên điều tra của Ukraine đã đến Iran. Chỉ không đầy 3 giờ sau đó, họ đã có thể kết luận là loại tên lửa Iran mua của Nga cách đấy mấy năm đã được sử dụng để bắn rơi chiếc máy bay này. Mỹ và Anh đã cung cấp cho Ukraine những hình ảnh, băng ghi âm và ghi hình liên quan để chứng minh là tên lửa phòng không của Iran đã bắn rơi chiếc máy bay. Phía Iran cuối cùng phải công khai xác nhận là tên lửa phòng không của Iran đã bắn rơi chiếc máy bay này.

Máy bay chở khách có thể bị bắn rơi bởi bom sa đạn lạc khi chiến tranh xảy ra, nhưng cũng còn bởi chủ ý của ai đó hoặc bởi quyết định sai lầm trong tình trạng thần hồn nát thần tính hay bởi thiết bị kỹ thuật và công nghệ không hoạt động tốt.

Đa dạng những nguyên nhân

Trong quá khứ đã xảy ra không ít lần máy bay chở khách bị bắn rơi.

Tháng 6/1980, một chiếc máy bay DC-9 của Italy với 81 hành khách và phi hành đoàn bị rơi xuống vùng biển phía Bắc đảo Sicilia của Italy. Chính phủ Italy coi đây là một vụ tai nạn. Trên thực tế, chiếc máy bay này bị trúng tên lửa khi máy bay tiêm kích của Pháp, Libya và Mỹ tập trận bắn tên lửa thật trong khuôn khổ một cuộc tập trận chung quy mô lớn của NATO ở vùng biển xung quanh đảo Sicilia.

Tháng 9/1983, một chiếc máy bay Boeing chở khách của Hàn Quốc bị máy bay của Nga bắn rơi xuống biển Nhật Bản. Tất cả 269 người trên máy bay thiệt mạng. Chiếc máy bay này đã đi lệch đường bay thông thường và xâm nhập rất sâu vào không phận của Liên Xô. Hồi ấy có một giả thuyết cho rằng cơ quan CIA của Mỹ cố tình đưa chiếc máy bay này xâm nhập vào không phận của Liên Xô để do thám và khiêu khích Liên Xô, kích động thù địch Liên Xô trong bối cảnh chiến tranh lạnh đang diễn ra.

Một phần thân chiếc máy bay DC-9 của Italy bị rơi hồi tháng 6/1980. (Ảnh: AP)

Tháng 7/1988, một chiếc máy bay chở khách của Iran trên đường từ Dubai qua Vịnh Ba Tư bị tên lửa của Mỹ phóng từ tàu chiến bắn rơi. Tất cả 290 người trên máy bay thiệt mạng. Phía Mỹ coi đấy là sự nhầm lẫn. Bảy năm sau, phía Mỹ chấp nhận bồi thường. Nhưng cho đến nay, phía Mỹ chưa chính thức xin lỗi và chính thức nhận trách nhiệm. Trong vụ việc vừa xảy ra ở Iran, phía Iran đã chính thức công nhận trách nhiệm, chính thức xin lỗi và tuyên bố bồi thường thiệt hại.

Tháng 9/1993, chiến binh ly khai ở Grudia đã dùng tên lửa bắn vào một chiếc máy bay chở khách của Grudia khi nó đang hạ cánh. Chỉ có 24 trong tổng số 132 người trên chiếc máy bay sống sót. Một ngày trước đấy, phiến binh đã bắn rơi một chiếc máy bay chở khách rơi xuống Biển Đen làm 27 người thiệt mạng.

Tháng 10/1998, phiến binh ở miền đông Congo dùng tên lửa khoác vai đất đối không bắn rơi một chiếc máy bay Boeing chở khách của Hãng hàng không Congo khiến 41 người thiệt mạng.

Tháng 10/2001, chiếc máy bay Tu-154 của Nga bị tên lửa bắn nổ tung ở độ cao 11km trên Biển Đen. Tất cả 78 người trên máy bay đều không có cơ hội sống sót. Quân đội Ukraine tập trận trên bán đảo Crimea và đã bắn rơi chiếc máy bay này.

Tháng 7/2014, chiếc Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia bị trúng tên lửa và rơi ở miền đông Ukraine. Nạn nhân là 298 hành khách và phi hành đoàn. Kết quả điều tra cho thấy chiếc máy bay này bị trúng tên lửa do Nga chế tạo. Bốn nhân vật cấp cao của phe ly khai nổi dậy chống chính phủ ở Ukraine bị truy tố trước tòa án quốc tế ở La Haay (Hà Lan). Nhiều khả năng cách thức giải quyết về phương diện pháp lý quốc tế vụ máy bay của Malaysia bị bắn rơi ở Ukraine này sẽ được áp dụng cho trường hợp chiếc máy bay của Ukraine bị bắn rơi ở Iran. Một điều đáng được chú ý ở đây, Ukraine là quốc gia liên quan đến cả việc bắn rơi máy bay chở khách, có máy bay chở khách bị bắn rơi và có chuyện máy bay chở khách của nước khác bị bắn rơi trên phạm vi lãnh thổ của mình.

Nhìn lại lịch sử thì có thể thấy chuyện máy bay chở khách bị bắn rơi đã có từ lâu rồi. Trong thời gian chiến tranh, chuyện ấy xảy ra nhưng không gây thiệt hại lớn về người vì thủa ấy không có máy bay chở được nhiều hành khách.

Ngày 21/2/1973, không quân Israel bắn rơi chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Libyan Arab Airlines làm 108 người bị thiệt mạng và chỉ có 5 người sống sót. Những vụ máy bay chở khách bị bắn rơi sau đấy không nhiều, có một vụ khiến 38 người chết xảy ra ở Zimbabue năm 1978 và một vụ khiến 59 người chết xảy ra cũng ở Zimbabue năm 1979.

Trong lịch sử hàng không dân dụng thế giới, máy bay chở khách rơi gây thiệt hại lớn về người và của còn có nguyên nhân do tai nạn, do trục trặc kỹ thuật và bị khủng bố. Chuyện máy bay chở khách bị bắn rơi không còn xảy ra nhiều nhưng rõ ràng là vẫn xảy ra và do vậy bị bắn rơi vẫn còn là một trong những rủi ro lớn và nguy cơ lớn đối với ngành hàng không dân dụng. Giữa Mỹ và Iran vừa qua không có chiến tranh mà chỉ có đối địch và thù địch. Máy bay chở khách có thể bị bắn rơi bởi bom sa đạn lạc khi chiến tranh xảy ra, nhưng cũng còn bởi chủ ý của ai đó hoặc bởi quyết định sai lầm trong tình trạng thần hồn nát thần tính hay bởi thiết bị kỹ thuật và công nghệ không hoạt động tốt. Bởi thế, trách nhiệm về bắn rơi máy bay chở khách thuộc về con người trước hết và chủ yếu chứ không thể đổ cho hoàn cảnh./.

Sa Thảo

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận