Nếu “Climate emergency" (tình trạng khẩn cấp về khí hậu) được coi là “từ của năm 2019” thì Greta Thunberg là một trong những danh từ riêng được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua.
Ở tuổi 16, “Nhân vật của năm” đã được xem là nữ chiến binh đầy bản lĩnh chiến đấu vì môi trường, sẵn sàng đối mặt cũng như “vững như đồng” với mọi tranh cãi, hoài nghi, thậm chí cả những phản ứng gay gắt từ nhiều nhân vật thế lực.
Bản lĩnh để biến áp lực bệnh tật thành động lực
“Họ nhắm vào tôi, vào ngoại hình, vào quần áo, vào các hành động và sự khác biệt của tôi so với người khác… Khác biệt không phải là một căn bệnh còn thứ khoa học ưu việt nhất hiện tại không phải là đưa ra ý kiến mà là nêu sự thật” - đó là đáp trả của Greta Thunberg được cô bé đăng công khai trên trang Twitter của mình trước những lời chỉ trích, mỉa mai, dè bỉu về những hành động mà họ cho là “quá khác thường” của cô cũng như căn bệnh mà nhiều năm qua cô bé đã phải mang trên người.
7 năm trước, cô bé sinh năm 2003 tại Stockholm này bị chẩn đoán mắc Asperger - hội chứng nằm trong rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder) khiến người mắc rất kém trong giao tiếp - căn bệnh được xem là bí ẩn nhất thế giới hiện tại với khoảng 0,06% dân số mắc hội chứng này. Theo nhiều nghiên cứu, những người bị hội chứng Asperger thường cảm nhận thế giới quanh mình rất khác biệt, vì thế cách xử sự có vẻ kỳ quặc, lập dị do sự khác biệt trong hoạt động của hệ thần kinh, đôi khi lại có chỉ số thông minh đặc biệt xuất sắc trong một số lĩnh vực. Theo kết quả nghiên cứu của giáo sư Simon Baron Cohen (Anh), những người bị hội chứng Asperger có thể trở thành nhân vật xuất chúng nếu họ xác định được mục tiêu thích hợp trong cuộc sống.
Nhưng trước khi có thể bản lĩnh tuyên ngôn rằng “khác biệt không phải là một căn bệnh”, cô bé cũng đã phải rất bản lĩnh mới có thể vượt qua được những khó khăn mà căn bệnh Asperger gây ra. Suốt những năm từ 8-11 tuổi, chứng Asperger đã khiến cô bé Greta Thunberg bị trầm cảm, lãnh đạm, thậm chí ngừng ăn uống và nói chuyện. Với một cô bé mới lớn như Greta Thunberg, việc không thể kết nối mối quan hệ bình thường với bạn bè và những người xung quanh là nỗi buồn, sự hẫng hụt quá lớn. Buồn bã hơn là em gái của Greta Thunberg cũng mắc hội chứng này.
Phải mất đến ngót 2 năm, với sự đồng hành “trợ giúp” sát sao từ bố mẹ, cô bé Greta Thunberg mới dần học biết chấp nhận căn bệnh như một phần trong con người mình và thậm chí đã biết tận dụng những ưu điểm riêng biệt mà những người mắc chứng Asperger có được vào một công việc mà em sớm cho rằng cần phải có những người “siêu năng lực” và khác biệt như em: bảo vệ môi trường. “Căn bệnh ấy khiến em có cái nhìn thấu mọi việc từ bên ngoài. Em không dễ dàng bị lừa dối, em có thể nhìn thấu mọi thứ” - Greta Thunberg chia sẻ. Sự “nhìn thấu sự việc” cũng chính là cách mà cô bé nhìn nhận về câu chuyện bảo vệ môi trường hiện nay cũng như lựa chọn cho mình một hướng đi riêng trong hành trình chiến đấu vì một hành tinh xanh.
Bản lĩnh để đối mặt với mọi lời chỉ trích
Ở tuổi 15, cô bé Greta Thunberg bắt đầu được thế giới chú ý trước hành động chưa từng có tiền lệ trước đó: liên tục suốt 21 ngày ròng rã, từ ngày ngày 20/8 - 9/9/2018, từ 8h30 sáng đến 15h00 chiều bằng đúng một ngày học, cô bé học sinh lớp 9 ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển tại thủ đô Stockholm với tấm biển có dòng chữ: “Skolstrejk for Klimatet” - “Bãi khóa vì khí hậu”. Điều kỳ lạ là Greta Thunberg không cô đơn. Những ngày sau đó, ngày càng đông bạn trẻ cùng bãi khóa, cùng biểu tình phản đối những hành động đang làm cho hành tinh nóng lên. Phong trào “bãi khóa về khí hậu” được dấy lên từ đó.
Cũng từ phong trào “Bãi khóa vì khí hậu”, phong trào “Ngày thứ Sáu của Tương lai - Fridays for the Future” - cùng nhau nghỉ học để kêu gọi chính quyền có tác động quyết liệt hơn đến biến đổi khí hậu đã phát triển mạnh mẽ. Ngày 15/3/2019, "Fridays for Future" cùng Greta Thunberg đã làm nên lịch sử khi có sự tham gia của khoảng 1,4 triệu người với hơn 2.000 cuộc biểu tình, trở thành phong trào lớn nhất trong lịch sử, phản đối sự thờ ơ của chính quyền trước những đe dọa của biến đổi khí hậu. Không dừng lại ở đó, cô bé 16 tuổi còn mang thông điệp bảo vệ hành tinh xanh đến với nhiều diễn đàn quan trọng: Quốc hội châu Âu tại Brussels, Quốc hội Anh, Quốc hội Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh R20 thế giới tại Áo… "Hãy hành động thực sự", “hành động bây giờ, hoặc không bao giờ”… là nội dung chính trong những thông điệp của Greta Thunberg.
Sự quyết liệt trong hành động, trong phát ngôn, như cái cách cô bé nói trong bài phát biểu mang tựa đề “How dare you? Sao các người dám làm thế?" tại phiên họp toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì Biến đổi Khí hậu tại trụ sở LHQ tại New York (Mỹ) ngày 23/9/2019: “Các ngài đã đánh cắp ước mơ và tuổi thơ của chúng cháu bằng những lời nói sáo rỗng… Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự tuyệt chủng quy mô lớn nhưng tất cả những gì các ngài nói là về tiền và những câu chuyện cổ tích về tăng trưởng kinh tế vĩnh cửu…” - đã khiến những trái tim đang nóng rực trước trực trạng ấm lên toàn cầu cảm thấy như được “tiếp thêm lửa”.
Nhưng cũng chính cung cách “tiếp lửa” mang sắc màu quyết liệt, thẳng thắn, trực diện, không e dè ấy của cô bé đã “đổ thêm dầu” vào ngọn lửa chỉ trích từ nhiều phía. Nhà triết học người Pháp Michel Onfray mô tả cô bé là một "người máy", nhà bình luận bảo thủ người Mỹ Michael Knowles thì cáo buộc cô bé "bị bệnh tâm thần, cuồng loạn về khí hậu". Các nguyên thủ, chính trị gia - đối tượng hướng tới của nhiều bài phát biểu gay gắt của Greta Thunberg thì cho rằng cô bé đã quá hỗn xược với thái độ không đúng mực. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phản đối quan điểm mà ông cho là “cực đoan” của Greta Thunberg, ông cho rằng quan điểm ấy làm sói mòn nền tảng chung trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ Doanld Trump có lẽ là nguyên thủ thường xuyên lên tiếng mỉa mai, chỉ trích “nữ chiến binh” hơn cả. Khi Time quyết định “Nhân vật của năm 2019” là Greta Thunberg, ông chủ Nhà Trắng đã viết dòng tweet đầy vẻ cay cú chỉ trích quyết định của Time là “lố bịch” đồng thời nói rằng Greta Thunberg nên làm tốt việc kiểm soát cơn giận dữ của mình và đi xem phim với bạn bè như những thiếu niên bình thường. Nhiều ý kiến thì cho rằng cô bé đang bị “chính trị hóa”, rằng những thông điệp Greta Thunberg đưa ra thực chất là đang làm rối loạn thông điệp khoa học của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, gây tổn hại cho những sáng kiến công nghệ và che giấu những thách thức môi trường khác. Họ cho rằng cô cần phải nghiên cứu nhiều hơn trước khi đưa ra các thông tin liên quan đến khoa học.
Tuy nhiên, không né tránh, cũng chẳng nản lòng, chẳng nhụt chí… đó là cách “nữ chiến binh vì môi trường”, “thủ lĩnh của thế hệ tiếp theo” đối mặt với làn sóng chỉ trích. Chỉ có một điều cô bé băn khoăn rằng: “Tôi thực sự không hiểu tại sao người lớn lại dành thời gian để xỉa xói và đe dọa những thiếu niên và trẻ em đang thúc đẩy khoa học, trong khi họ có thể làm những điều tốt đẹp. Tôi đoán họ đơn giản là cảm thấy bị chúng tôi đe dọa". Trong cô bé hiện diện một niềm tin vững chắc: “Thế giới đang thức tỉnh. Thay đổi sẽ xảy ra dù họ có thích hay không”.
Chính niềm tin ấy đã tiếp thêm ngọn lửa nhiệt thành, làm dày dặn thêm bản lĩnh chiến binh trong con người Greta Thunberg. Bản lĩnh ấy là nhân tố tối cần thiết, bởi hành trình đấu tranh cho một hành tinh xanh, sẽ luôn là hành trình không hề dễ dàng.
Greta Thunberg - cô bé 16 tuổi giờ đây đã trở thành “người hùng môi trường trẻ tuổi” như công nhận của WWF (Quỹ Thiên nhiên thế giới), được Time vinh danh là một trong 25 thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất thế giới; là nguồn cảm hứng cho hàng triệu triệu bạn trẻ, được xem như phát ngôn viên không chính thức cho thế hệ của mình về mối đe dọa không thể xem thường của tình trạng nóng lên toàn cầu… |
Hà Anh