150 năm bưu thiếp

Vào thời điểm ra đời cách đây 150 năm, bưu thiếp được đánh giá phương tiện thông tin mới nhất và hiện đại nhất.

 

Trước khi con người trên trái đất này bước vào kỷ nguyên của tin nhắn qua điện thoại và các thiết bị di động, của SMS và Chat, của các ứng dụng truyền thông trên các thiết bị máy tính, có một phương tiện truyền tin được con người sử dụng rất nhiều. Vào những dịp kỷ niệm riêng và ngày lễ chung như chúc mừng nhau nhân sinh nhật, Giáng sinh hay năm mới..., nó được sử dụng chẳng khác gì một truyền thống văn hoá hay phong tục tập quán của dân tộc. Đấy là bưu thiếp và ra đời cách đây 150 năm.

150 năm ra đời “văn hóa thư tín”

Bưu thiếp là tên gọi chung cho một dạng thư tín ngỏ, tức là không trong phong bì được dán kín, thường ở dạng khổ nhỏ, một mặt là ảnh hay tranh vẽ còn mặt kia để trống dành cho người gửi thông tin và thông điệp tới người nhận. Bưu thiếp phải được dán tem gửi qua bưu điện đến địa chỉ cần đến. So với những hình thức chuyển tài thông tin và thông điệp ở thời thế giới hiện đại ngày nay thì việc sử dụng bưu thiếp vừa tốn kém (mua bưu thiếp và tiền tem bưu điện) lại vừa không thể nhanh chóng tức thì và đương nhiên không thể tiện lợi bằng vì ít nhất thì cũng phải mua nó về và sau đó đem đi gửi chứ không thể làm được ở bất cứ mọi nơi vào mọi lúc như hiện tại. Nhưng bưu thiếp là sự hiện hữu vật chất, lưu giữ bút tích và những dấu ấn riêng mà các hình thức truyền thông và thông điệp khác không thể có được.

Vào thời điểm nó ra đời cách đây 150 năm, bưu thiếp được đánh giá phương tiện thông tin mới nhất và hiện đại nhất. Những tiện ích nổi trội của nó so với thư tín là ngắn gọn, bớt hình thức rườm rà, rẻ tiền hơn và nhanh chóng hơn. Ở thời kỳ ban đầu này của bưu thiếp, lo ngại lớn nhất của người sử dụng là thông tin bị lộ và bị lợi dụng. Bưu thiếp vì thế tạo nên một kiểu "văn hoá thư tín" mới, tức là người sử dụng bưu thiếp phải luôn ý thức được rằng mọi thông tin ở trên đó không chỉ dành riêng cho một đối tượng.

Những bưu thiếp đầu tiên hoàn toàn trắng cả hai mặt. Khuôn mẫu bưu thiếp chung là một nửa ở một mặt được dùng để ghi địa chỉ người nhận và dán tem bưu điện. Những chỗ còn lại dành cho người gửi viết hoặc vẽ. Từ năm 1896, người ta bắt đầu sử dụng một mặt bưu thiếp là hình ảnh, chủ yếu là những danh lam thắng cảnh, phong cảnh đẹp, hình ảnh những con vật đáng yêu, các loại hoa hoặc ảnh nhân vật nổi tiếng. Cũng từ đấy mà hình thành tập tục là đi đến đâu, mọi người mua bưu thiếp in hình ảnh biểu trưng nơi đó gửi cho người thân yêu hay bạn bè để làm kỷ niệm hay để ngầm thể hiện nỗi nhớ mong, thậm chí cũng còn sử dụng làm một hình thức để chứng thực và báo cáo bởi từ dấu bưu điện đóng lên con tem trên đó có thể thấy được những thông tin xác minh và chứng thực cần thiết.

Bưu thiếp được ra đời ở châu Âu, cụ thể là ở Áo và do một người dân của thủ đô Viên của nước Áo phát minh ra. Ngày 26/1/1869, tờ nhật báo Báo thành Viên đăng bài báo "Về một hình thức truyền tin mới thông qua bưu điện" của nhà kinh tế học Emanuel Herrmann. Trong bài báo này, nhà kinh tế học kia khuyến nghị sử dụng loại bưu thiếp như thế giới có cho đến nay. Ngành bưu chính Áo tiếp nhận và thực hiện ngay ý tưởng này. Ngày 1/10/1869, tấm bưu thiếp đầu tiên được cơ quan bưu chính Áo chính thức chấp nhận nhận chuyển. Cả hai ngày nói trên về sau đều được coi là ngày sinh của bưu thiếp. Nó được người dân chấp nhận ngay lập tức và trở thành mốt thời thượng. Chỉ 4 tuần sau khi chính thức được chấp nhận lưu hành đã có tới 1 triệu tấm bưu thiếp được sử dụng tại Áo. Các nước khác ở châu Âu lục tục làm theo. Bưu thiếp đã giúp nước Áo thực hiện một điều mong muốn của ông Herrmann thể hiện trong bài báo nói trên là "Nước Áo một lần đi trước các nước lớn ở châu Âu".

Giá trị của bưu thiếp

Trong thực chất, Emanuel Herrmann không phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về bưu thiếp. Tại hội nghị bưu chính lần thứ 5 của nước Đức năm 1865/1866, ông Heinrich von Stephan đưa ra đề nghị sử dụng một "tờ bưu chính" thay thế cho thư tín thông dụng lâu nay với lý do như thế sẽ rẻ hơn, nhẹ hơn và chuyển nhanh hơn. Đề nghị này bị bác bỏ ngay lập tức với lý do là vi phạm quy định về bí mật thư tín, không nghiêm túc và gây thiệt hại cho ngành bưu chính vì làm giảm thu nhập. Năm 1870, ông Stephan quyết tâm thực hiện trong khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý bưu chính của mình và đã rất thành công khi ngay trong ngày đầu tiên đã bán ra được 45.000 tấm bưu thiếp.

Bưu thiếp đã phổ cập hoá việc viết thư vốn cho tới khi ấy được coi là dành riêng cho người học cao hiểu sâu và quyền quý. Từ năm 1872, giá tem bưu chính giảm đi rõ rệt ở châu Âu giúp cho việc sử dụng bưu thiếp càng thêm rộng rãi và mạnh mẽ.

Có hai nhân tố đóng góp rất quan trọng và quyết định vào thành công đầy ấn tượng của bưu thiếp là chụp ảnh và ảnh màu. Từ hình vẽ và ảnh đen trắng đến ảnh màu là bước chuyển giai đoạn thực thụ trong lịch sử của bưu thiếp. Bưu thiếp không còn chỉ truyền tải thông tin và thông điệp nữa mà còn gửi đi hình ảnh và đưa thế giới nơi xa đến với mọi người. Gửi tấm bưu thiếp còn là gửi bằng chứng về sự sống ở thời chiến tranh, bạo lực và loạn lạc. Một nhà thơ Đức năm 1907 thậm chí còn có bài thơ về bưu thiếp mà nổi tiếng thế giới nhất ở trong đó là hai câu: "Mong muốn gì khi lên đến thiên đường/Là ở đó có bưu thiếp để gửi về trần gian". Ở nước Đức cũng còn có thời mọi người dùng bưu thiếp để hẹn hò nhau trong ngày vì bưu điện nhận chuyển bưu thiếp rất nhiều lần trong ngày.

Theo thời gian, bưu thiếp còn trở thành kỷ vật thật sự chứ không chỉ là chứng cứ cho kỷ niệm cuộc đời con người. Bưu thiếp được sưu tầm và sưu tập. Bản thân tấm bưu thiếp và con tem trên đó đều có giá trị tinh thần cũng như vật chất rất to lớn. Chúng không phải là đồ cổ theo nghĩa đen của ngôn từ, nhưng hiện thân cho và là hình ảnh của rất nhiều cái mà về sau này không thể nào có lại được nữa.

Sứ mệnh lịch sử của bưu thiếp

Kỷ nguyên của xã hội thông tin, công nghệ truyền thông và kỹ thuật số đã làm cho việc sử dụng bưu thiếp giảm đi rất rõ rệt và hiện tại chỉ còn ở mức độ gần một phần năm của mức độ trước khi thế giới bước vào thiên niên kỷ mới. Những thế hệ con người sau này không những chỉ ít sử dụng mà còn gần như quên hẳn bưu thiếp. Thế hệ con người hiện đại trong thế giới hiện đại là thế. Tranh luận hay phán xét như vậy đúng hay sai hoặc nên hay không nên đều không cần thiết. Cái gì trên thế gian này cũng đều có thời của nó. Bưu thiếp chẳng phải đã làm nên cả cuộc cách mạng thực thụ trong truyền thông hay sao. Nó có sứ mệnh lịch sử của nó và không thể không công nhận rằng nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó.

Sau 150 năm, bưu thiếp được sử dụng ít đi, nhưng vẫn còn được sử dụng. Những người hoài cổ thường rất coi trọng hoài niệm và vẫn coi trọng nó, yêu thích nó và sử dụng nó. Đối với họ, nhận được tấm bưu thiếp vẫn có cảm giác đặc thù riêng và rất khác so với nhận được một tin nhắn hay thư điện tử qua thiết bị truyền thông di động./.

Sa Thảo

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận