Quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam
“Trong khó khăn mới biết ai là bạn”. Thấm được câu nói ấy cũng đồng nghĩa với việc nhận rõ được giá trị đặc biệt không gì đánh đổi được trong tình cảm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cuba. Những năm 1959, 1960 là thời kỳ đất nước hình chữ S ngập chìm trong gian khó. Hai miền chia cắt, phân li. Trên bình diện quốc tế, trong khi Trung Quốc, Liên Xô, các quốc gia cộng sản Đông Âu đều công nhận tính chính danh của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) đối với lãnh thổ Việt Nam thì nhiều nước khác, dưới sức ép của Mỹ, trở nên dè dặt, phân vân.
Nhưng Cuba, bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi, bất chấp những ngáng trở, bất chấp hoàn cảnh cũng khó khăn nan giải chẳng kém, không lâu sau ngày cách mạng thành công (1/1/1959), đã có ngay cho mình quyết định. Ngày 2/12/1960, Cộng hòa Cuba đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với VNDCCH, trở thành nước Mỹ Latinh đầu tiên và duy nhất thời điểm đó bắt tay làm bạn với Việt Nam. Cuba cũng là nước Mỹ Latinh đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1962) và thành lập Ủy ban toàn quốc đoàn kết với nhân dân miền Nam Việt Nam (năm 1963); là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cũng là nước đầu tiên đặt “Đại sứ quán trong rừng” ở Tây Ninh (năm 1969)…
Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ KH&CN Việt Nam với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba về tăng cường hợp tác KH&CN
“Việt Nam cần gì đã có Cuba bên cạnh”
Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Anh hùng Núp được Đảng, Nhà nước Cuba mời sang thăm. Ngày chia tay, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một hộp xì gà - đặc sản của Cuba cùng lời nhắn gửi với Bác Hồ rằng: Trong cuộc chiến đấu mới này, Việt Nam cần gì đã có Cuba bên cạnh.
Người Cuba đã nói là làm. Đúng vào những năm 1960 ấy, đất nước Cuba, bởi lệnh cấm vận của Mỹ, cũng đứng trước bộn bề khó khăn. Nhưng, Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba vẫn dốc sức, dốc lòng chắt chiu, dành dụm những gì có thể cho người bạn của mình. Một phong trào quần chúng rộng rãi ủng hộ Việt Nam đã được triển khai khắp Cuba; Ðài phát thanh La Habana đã dành riêng một kênh phát bằng tiếng Anh sang Mỹ để giới thiệu với nhân dân Mỹ về tình hình Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, góp phần cùng Việt Nam tranh thủ dư luận tiến bộ Mỹ, ủng hộ Việt Nam, đòi chấm dứt chiến tranh. Bất chấp sự phong tỏa bằng bom, mìn của đế quốc Mỹ, các tàu Cuba vẫn cập cảng Hải Phòng vận chuyển hàng cứu trợ của nhân dân Cuba giúp nhân dân Việt Nam. Thời kỳ đó, đã có những thông tin trái chiều ngay tại đất nước Cuba về việc Cuba gửi đường sữa cho Việt Nam trong lúc người dân Cuba vẫn còn rất thiếu thốn những thứ này. Chủ tịch Fidel Castro ngay lập tức đã đăng đàn phát biểu với hàng chục vạn quần chúng tại thủ đô Cuba rằng “điều đáng tiếc là chúng ta không có đủ đường sữa để gửi cho nhân dân Việt Nam”. Ông thậm chí nhấn mạnh: “Cả máu chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng cho nhân dân Việt Nam”. Fidel cũng nhiều lần khẳng định: “Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối”. Hàng nghìn thanh niên Cuba thời đó đã viết đơn tình nguyện xin đến Việt Nam để cùng nhân dân Việt Nam đánh Mỹ. Rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Cuba đã sang giúp chữa trị cho các thương binh và người dân Việt Nam bị thương trong chiến tranh. Cuba còn cử chuyên gia về cầu đường sang tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh, giúp đào tạo hơn 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học…
Ngày 15/9/1973, bất chấp nguy hiểm, Chủ tịch Fidel Castro đã đến tận khu giải phóng Quảng Trị - trở thành nguyên thủ quốc tế đầu tiên đặt chân lên vùng đất lửa này. Cũng trong chuyến thăm lần đầu tiên vào năm 1973 này, Chủ tịch Fidel Castro và nhân dân Cuba anh em đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội); Bệnh viện Việt Nam-Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình); đường Xuân Mai; Trại bò giống Ba Vì; Xí nghiệp gà Lương Mỹ.
Chiến tranh kết thúc, Cuba cũng là nước có vai trò rất quan trọng trong việc vận động các nước Mỹ Latinh ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tại Khóa họp 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1977. Trong suốt thập niên 80 thế kỷ XX, khi cả hai nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, Cuba cũng là nước Mỹ Latinh duy nhất kề bên Việt Nam cùng chống lại chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba thăm thị trấn Đông Hà (Quảng Trị) bị chiến tranh phá hủy, đang được khôi phục lại (tháng 9/1973)
Viết tiếp những trang mới
Những sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa ấy trong những năm tháng bộn bề khó khăn đã khiến mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cuba, như lời lãnh tụ Fidel Castro, trở thành “mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế”. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm sâu đậm và những sự giúp đỡ vô giá mà nhân dân Cuba đã dành cho mình. Những năm sau này, đáp lại tình đoàn kết, sự giúp đỡ quý báu mà đã Cuba dành cho Việt Nam, với ý thức coi việc đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với Cuba là một nguyên tắc, một mệnh lệnh của trái tim, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã huy động một nguồn lực kinh tế quý báu giúp nhân dân Cuba vượt qua những thiếu thốn vật chất trong thời kỳ đặc biệt. Các phong trào 20.000 tấn gạo, 5.000.000 suất giấy bút, 5.000 bộ quần áo… đã liên tục được tổ chức, tuy rất khiêm tốn về khối lượng, nhưng thấm đượm nghĩa tình anh em “nhường cơm sẻ áo”.
Với những ân tình đã có suốt 58 năm qua, Đảng, Nhà nước, và nhân dân Việt Nam - Cuba luôn xác định mối quan hệ hữu nghị hiếm có giữa hai nước là tài sản vô giá cần giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. Cả Việt Nam và Cuba thống nhất đánh giá hai nước là đối tác quan trọng của nhau, không chỉ là những đối tác thủy chung, những người đồng chí sống chết có nhau trong các giai đoạn phát triển của hai đất nước, mà còn là hai nền kinh tế của hai châu lục có yêu cầu và nhu cầu phối hợp hỗ trợ, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm mang lại những giá trị lợi ích cho nhau trong quá trình xây dựng và phát triển. Những năm gần đây, song song với quan hệ chính trị tốt đẹp, hai nước cũng quan tâm phát triển quan hệ kinh tế, thương mại thông qua các chương trình, dự án hợp tác và đầu tư. Việt Nam hiện là một trong 10 nước dẫn đầu và đứng thứ hai ở châu Á về trao đổi thương mại với Cuba. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt 224,3 triệu USD. Hai bên phấn đấu nâng con số này lên mức 500 triệu USD vào năm 2020./.
Box: Nhận lời mời của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Miguel Mario Diáz Canel Bermúdez, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba và Phu nhân thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 8-10/11/2018./.