Tù binh chiến tranh đặc biệt

Câu chuyện ly kỳ gây xúc động về cô chó Judy trong Chiến tranh Thế giới thứ hai đã trở thành huyền thoại với rất nhiều binh lính nước Anh.

 

Chuyện ly kỳ gây xúc động

Tháng 8/2006, Viện bảo tàng chiến tranh Đế chế Anh tại thủ đô London có trưng một hiện vật lịch sử rất đặc biệt, có thể được coi là độc nhất vô nhị trên thế giới. Doris Willams, quả phụ của ông Frank Williams, đã tặng lại cho viện bảo tàng này tấm Huy chương Dickin - phần thưởng cao quý nhất ở nước Anh dành cho những con vật được xác nhận và công nhận có đóng góp to lớn cho nước Anh nói chung và trong những cuộc chiến tranh của nước Anh nói riêng. Tấm huy chương ấy năm 1946 được trao cho một con chó có cái tên là Judy. Con chó này đã đồng hành cùng với ông Frank Williams suốt cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và đã cứu sống nhiều chiến binh của Anh. Thế giới biết đến con chó này nhiều hơn bởi nó được công nhận là tù binh chiến tranh - con vật đầu tiên và duy nhất trên thế giới từ trước đến nay được công nhận chính thức là tù binh chiến tranh, tù binh mang số hiệu 81A.

Judy - con vật đầu tiên và duy nhất trên thế giới từ trước đến nay được công nhận chính thức là tù binh chiến tranh, tù binh mang số hiệu 81A.

Câu chuyện về nó rất ly kỳ và gây xúc động. Nó được coi là con vật biểu trưng cho con tàu pháo hạm HMS Grasshopper của Hải quân Anh hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương trong thời Chiến tranh Thế giới thứ 2. Hồi đấy, người Anh cho rằng quân đội Nhật Bản không thể đánh chiếm được Singapore, có nghĩa là thuộc địa này của Anh không bao giờ bị thất thủ. Nhưng rồi hải quân Anh bị thua trận thảm hại ngày 15/2/1942 ở Singapore và phải tháo chạy. Con tàu HMS Grasshopper mang theo nhiều dân thường rời Singapore đi về châu Âu. Trên đường đi, đến vùng đảo Sumatra của Indonesia bây giờ, con tàu này bị không quân Nhật Bản đánh chìm. Phần lớn người trên tàu sống sót và dạt vào đảo Sumatra. Frank Williams là kỹ sư điện tín trên con tàu này phát hiện ra con chó Judy bị kẹp trong đống mảnh vỡ sắp chìm của con tàu. Anh đã cứu nó và rồi cả hai trở thành bạn của nhau.

Trên đảo, những người sống sót tìm cách sinh tồn. Khi tất cả dường như đã tuyệt vọng vì không tìm thấy nước ngọt thì chính con chó Judy này đã tìm ra nguồn nước ngọt cho họ. Rồi tất cả bị quân đội Nhật Bản bắt và trở thành tù nhân chiến tranh, bị đối xử tàn tệ và đói khát. Frank Williams đã chia sẻ khẩu phần lương thực và thực phẩm của mình với con chó Judy. Con chó này đã siêng năng bắt rắn và chuột về cho các tù nhân cải thiện.

Một lần, quân lính coi tù phát hiện bị mất trộm một tải gạo và tổ chức truy tìm. Ai cũng biết rằng, nếu bị tìm ra thì những người liên quan sẽ bị trừng trị rất nặng và nhiều khả năng sẽ bị xử tử. Không biết có phải do cảm nhận thấy mức độ nguy hiểm đang đe doạ tù nhân hay không mà Judy đã hành động như thể lên cơn điên, lồng lộn gào rú khiến binh lính Nhật hốt hoảng bỏ cuộc. Nhưng binh lính Nhật Bản quyết tâm thủ tiêu Judy.

Williams và bạn chó Judy (ảnh: Internet)

Frank Willams nghĩ ra cách rất đặc biệt để cứu Judy. Nếu con chó này được công nhận chính thức là tù binh chiến tranh thì nó sẽ tránh bị thủ tiêu. Frank Williams tìm cách thuyết phục viên giám quản của trại giam công nhận Judy là tù binh chiến tranh bằng cả cách hối lộ người này “một đứa con” của Judy để người này đem tặng người tình. Và con chó Judy được công nhận là tù binh chiến tranh với số hiệu 81A.

Một năm sau, những tù binh trên đảo được quân đội Nhật Bản đưa đến một nơi khác để lao động khổ sai. Con tàu đưa họ đi bị tàu ngầm của Hải quân Anh tấn công và vỡ vụn. Giữa làn nước, cô chó Judy đã cứu nhiều người bằng cách bơi miệt mài, cố đẩy những tấm ván tàu đến chỗ những người không biết bơi để họ bám vào và cố bơi đến chố an toàn cho tới khi kiệt sức. Sau đấy, cho tới khi Nhật Bản đầu hàng và những tù nhân được giải phóng, con chó luôn ở bên Frank Williams.

Con chó duy nhất được công nhận tù binh chiến tranh

Sau chiến tranh, những câu chuyện về hành động anh hùng trong chiến tranh được lục tìm và công bố như một mốt thời thượng. Mọi người nhớ đến Judy. Năm 1946, nó được trao Huân chương Dickin. Sau đấy, Frank Williams và con chó này cùng sang Đông  Phi. Năm 1950, nó qua đời sau khi không qua khỏi một cuộc phẫu thuật. Frank Williams đã chôn cất, lập mộ cho nó và ngày nay ngôi mộ đó vẫn còn ở Tanzania.

Khi trao tấm Huân chương Dickin của Judy cho Viện Bảo tàng chiến tranh Đế chế Anh, bà Doris Williams thổ lộ rằng tuy chưa từngmột lần gặp con chó này bởi nó chết trước khi bà kết hôn với Frank Williams, nhưng xưa nay trong thâm tâm bà vẫn luôn luôn coi nó là thành viên thân thiết của gia đình. Bà tặng tấm huân chương này cho viện bảo tàng để những hành động dũng cảm của Judy không bị quên lãng với thời gian, và cũng không phải để kỷ niệm chiến tranh mà để kỷ niệm những con người đã đi qua chiến tranh và kỷ niệm về một tù nhân chiến tranh đặc biệt.

Ở nhiều nơi trên thế giới cũng có nhiều câu chuyện đầy cảm động và khiến con người phải suy ngẫm về hành động của con vật giúp ích cho con người và cứu sống nhiều người. Thế giới động vật cho tới tận ngày nay vẫn đầy bí hiểm và còn có biết bao nhiêu câu hỏi chưa thể được trả lời. Nhưng rõ ràng thế giới con người và thế giới động vật có nhiều điều rất tương đồng với nhau và cái chữ "tình" xem ra dễ cảm nhận được hơn là giải thích được.

Frank Williams chải lông cho Judy - cô chó săn thuần chủng Anh quốc, đã cùng anh trải qua ba năm rưỡi trong trại tù của quân Nhật. (ảnh: Internet)

Không chỉ trở thành một linh vật chính thức của hải quân Hoàng gia, Judy còn được trao huy chương Dickin, thường được gọi là "Huy chương động vật" bởi lòng dũng cảm tuyệt vời và sức sống bền bỉ trong các trại tù của Nhật Bản.

Ngày nay, quân đội quốc gia nào trên thế giới cũng gần như đều sử dụng động vật, đặc biệt là loài chó. Không ít động vật trong số ấy và cả không ít động vật góp công cứu hoả, cứu nạn, cứu trợ... được vinh danh, được đề cao ngang bằng với con người. Con người cũng biết tri ân động vật đấy chứ. Nhưng câu chuyện về Judy vẫn rất đặc biệt bởi nó gắn liền với một thời kỳ lịch sử cụ thể và trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Nó kịch tính bởi bề dày số lượng của sự kiện. Hai lần bị đắm tàu, hai lần chuyển trại giam và lao động khổ sai, đói khát nhiều tháng năm ròng, được công nhận là tù binh chiến tranh và được trao phần thưởng cao quý nhất của nước Anh dành cho động vật. Những trải nghiệm ấy chẳng có con chó thứ hai hay động vật nào khác trên thế giới từ xưa tới nay có được.

Năm 1947, Frank Williams di cư sang Tanzania, mang theo Judy - bạn đồng hành qua những trận chiến cùng anh. Đáng buồn thay, Judy qua đời 3 năm sau đó vào năm 1950, ở tuổi 14. Thi thể của Judy được bao bọc trong một chiếc áo khoác Hải quân Hoàng gia và đặt trong một quan tài bằng gỗ đơn giản. Judy qua đời, nhưng ký ức về nó luôn sống trong trái tim của những người biết quá khứ về cô chó trung thành và thông minh này.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận