Kênh đào Suez: Chuyện trăm năm

150 tuổi, kênh đào Suez mang trong mình nó vô số những thăng trầm.

 

Cách đây tròn 150 năm, ngày 17/11/1869, kênh đào Suez - tuyến vận tải biển lớn nhất và quan trọng thế giới nối liền Địa Trung Hải với biển Đỏ, động mạch của nền kinh tế toàn cầu chính thức bắt đầu thông thương. 150 tuổi, kênh đào Suez mang trong mình nó vô số những thăng trầm.

Hàng trăm năm cho một hải trình

Đối với người dân Ai Cập, kênh đào Suez là một trong những công trình vĩ đại mà đất nước của dòng sông Nile đã cống hiến cho nhân loại. Và để hiện hữu đến ngày nay tuyến hải trình quan trọng nhất thế giới, có thể giảm bớt được tới 7.000km hành trình qua lại giữa Ấn Độ và châu Âu, ít người biết rằng đó là thành quả, là công sức, là khát vọng cháy bỏng đã được ấp ủ qua hàng trăm năm, qua nhiều triều đại. Lịch sử Ai Cập đã ghi nhận nhiều đời Pharaoh đã nung nấu ý định làm sao để có một “lối tắt từ phương Đông sang phương Tây”, rút ngắn hết mức có thể tuyến đường ấy, giúp tàu thuyền không phải đi qua mũi phía nam châu Phi đầy bất trắc.

Kênh đào Suez là một trong những công trình vĩ đại mà đất nước của dòng sông Nile đã cống hiến cho nhân loại. (ảnh: KT)Không chỉ là nung nấu, các Pharaoh còn tìm mọi cách biến ước mơ thành hiện thực. Các nhà sử học cho rằng Pharaoh Senusret III, Pharaoh Necho II, Darius Đại đế… đã từng bày tỏ ý định, thậm chí đã bắt tay xây dựng một kênh đào nối Biển Đỏ với sông Nile vào khoảng năm 1850 trước Công Nguyên. Nhưng đáng tiếc, bởi rất nhiều lý do, những nung nấu ấy đều thất bại.

Đến thời Napoleon Bonaparte - một trong 8 nhà chinh phục đại tài nhất thế giới, ước mơ hiện thực hóa một con kênh đào nối từ Biển Đỏ sang Địa Trung Hải lại một lần nữa trỗi dậy. Năm 1798, sau khi chinh phục Ai Cập, vị Hoàng đế lừng danh đã cử một đội nghiên cứu độ khả thi của việc cắt ngang dải đất Isthmus of Suez và xây kênh đào. Tuy nhiên, sau 4 cuộc khảo sát, đội nghiên cứu kết luận rằng Biển Đỏ cao hơn Địa Trung Hải ít nhất 9m và cảnh báo Napoleon nếu xây dựng kênh đào, lũ lụt sẽ ngập tràn đồng bằng sông Nile. Kết luận này cộng với việc phải quay về nước Pháp đã khiến Napoleon Bonaparte đành bỏ lửng dự định của mình.

Kênh đào Suez là một trong những công trình vĩ đại mà đất nước của dòng sông Nile đã cống hiến cho nhân loại. (ảnh: KT)Dù vậy, ý tưởng của Napoleon Bonaparte không tàn lụi mà được tiếp nối gần 50 năm sau bởi… một nhà ngoại giao người Pháp có tên gọi  Ferdinand de Lesseps. Hoàn toàn có thể coi nhà ngoại giao người Pháp này là “cha đẻ” của kênh đào Suez khi chính ông là người đã khơi lại ý tưởng của Napoleon Bonaparte, đồng thời tiến hành khảo sát lại kết luận của đội nghiên cứu của vị Hoàng đế năm xưa. Kết quả khảo sát lại cho thấy không có chuyện mực nước Biển Đỏ cao hơn Địa Trung Hải, nên việc xây dựng một con kênh nhân tạo là hoàn toàn có thể. Một thành công nữa của Ferdinand de Lesseps là việc ông đã bằng mọi cách đạt được một thỏa thuận với toàn quyền Ottoman tại Ai Cập để xây dựng một kênh đào kéo dài 100 dặm qua eo đất Suez. Sau đó, năm 1856 Công ty Kênh đào Suez được thành lập để quản lý, điều phối việc xây dựng kênh đào bởi ngay thời điểm ấy, ông đã nhận thức rất rõ rằng việc xây dựng kênh đào khổng lồ này hao tổn rất nhiều sức lực và tiền bạc.

Từ nỗ lực của Ferdinand de Lesseps, tháng 4/1959, dự án xây dựng kênh đào Suez chính thức được khởi công. Dù đã lường trước những khó khăn, thậm chí nguy hiểm của việc thiết lập một con đường qua biển lớn, nhưng những người thực hiện dự án cũng không thể ngờ mọi việc lại gian nan đến vậy. Thời kỳ đầu, 2,4 triệu công nhân đã phải đào kênh… bằng tay (về sau, mới được bổ sung tàu hút bùn và máy đào chạy bằng hơi nước). Việc dựa chủ yếu vào sức người, căn bệnh dịch tả khủng khiếp (ước tính 125.000 người thợ đã thiệt mạng), tranh chấp lao động, bất đồng chính trị… tất cả đã khiến tiến độ xây dựng vô cùng chậm chạp. Phải đến tròn 10 năm sau, ngày 17/11/1869, kênh đào Suez mới chính thức bắt đầu thông thương.

Nguồn cơn của những… cuộc chiến

Với chiều dài 163km, sâu 17m, rộng 150m, nối liền thành phố cảng Port Said trên bờ Địa Trung Hải và thành phố cảng Suez trên bờ Biển Đỏ, kênh đào Suez đã góp phần rút ngắn tuyến đường biển cho những con tàu (dưới 150.000 tấn) đi từ Đại Tây Dương qua Địa Trung Hải đến Biển Đỏ rồi qua Ấn Độ Dương hay ngược lại. Cũng nhờ có kênh đào Suez, con đường biển từ London (Anh) tới Mumbai (Ấn Độ) đã rút ngắn được gần 12.000km. Kênh đào Suez trở thành tuyến đường vận chuyển nhanh nhất giữa châu Âu và châu Á.

Cũng bởi lợi ích vô cùng to lớn ấy mà nếu như năm đầu hoạt động, chỉ có khoảng gần 500 tàu đi qua kênh Suez thì không lâu sau đó, kênh đào Suez nhanh chóng phát triển thành một trong những tuyến vận tải biển lớn nhất thế giới khi mỗi năm có khoảng gần 19.000 tàu đi qua. Đồng thời là phong vũ biểu của các hoạt động thương mại quốc tế khi mỗi năm, ước tính có khoảng 7,5% hàng hóa thế giới qua đường biển được chuyển qua kênh đào này.

Ai Cập kỳ vọng có thể nâng doanh thu từ tuyến đường này từ 5,3 tỷ USD năm 2015 lên 13,2 tỷ USD vào năm 2023. (ảnh: KT)Nhưng cũng chính lợi ích vô cùng to lớn ấy đã biến kênh đào Suez thành miếng mồi ngon giằng xé bởi nhiều quốc gia. Năm 1875, Anh trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Kênh đào Suez sau khi mua hết lượng cổ phiếu của tân toàn quyền Ottoman tại Ai Cập. Năm 1936, Ai Cập gần như độc lập, nhưng Anh vẫn bảo lưu quyền bảo hộ con kênh. Mọi xung đột bắt đầu từ đây. Sau Thế chiến II, Ai Cập buộc quân đội Anh phải di tản khỏi Khu vực Kênh đào Suez. Tháng 7/1956, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tuyên bố muốn quốc hữu hóa kênh đào với hy vọng lệ phí đường thủy của con kênh sẽ trang trải cho việc xây dựng con đập Aswan trên sông Nile.

Sự kiện này châm ngòi cho phản ứng quyết liệt từ phía các cường quốc phương Tây. Một cuộc họp bí mật giữa Ngoại trưởng Anh Eden, Thủ tướng Pháp Guy Mollet và Thủ tướng Israel David Ben Gurion đã diễn ra tại khu ngoại ô Sevres, gần Paris. Từ cuộc họp này, Anh-Pháp- Israel cùng thống nhất về cái gọi là “kế hoạch quân sự bí mật” mang tên "Nghị định thư Sèvres" nhằm thủ tiêu chế độ mới của Ai Cập, đồng thời giành lại quyền kiểm soát kênh đào Suez, theo kế hoạch này, Israel sẽ xâm chiếm bán đảo Sinai do Ai Cập kiểm soát Tuy nhiên, liên quân này đã có một sai lầm chết người là cố tình ngó lơ Mỹ.

 “Kế hoạch quân sự bí mật” ấy chính là việc ngày 29/10/1956, liên minh Anh-Pháp-Israel đã mở cuộc tấn công đồng loạt trên bộ lẫn trên biển gồm 45.000 lính Anh, 34.000 lính Pháp và 175.000 lính Israel. Một tuần sau, không quân Anh, Pháp bắt đầu chiến dịch oanh tạc xuống Ai Cập, tập đoàn quân thủy bộ Anh - Pháp đổ bộ đánh chiếm thành phố cảng Port Said trong Địa Trung Hải; Israel cũng lợi dụng tình hình chiếm giữ bán đảo Sinai. Dù vậy, mục tiêu chính là đánh chiếm được kênh đào Suez lại không hề dễ dàng.

Và chính trong thời điểm giằng co ấy, “sai lầm chết người” ngày nào đến lúc phải trả giá. Sự tức giận dồn nén, cộng với nỗi lo ngại Liên Xô - đồng minh của Ai Cập sẽ nhảy vào “cứu bạn” -  Mỹ đã ra điều kiện buộc quân Anh, Pháp và Israel phải chấp nhận ngừng bắn và rút quân hoàn toàn khỏi Ai Cập vào ngày 7/11/1956. Kênh đào Suez vẫn thuộc về Ai Cập.

Năm 1967, sau cuộc chiến tranh 6 ngày (giữa Israel với và các nước Ai Cập, Syria, Jordan, Iraq) Ai Cập đóng cửa kênh đào Suez. Mãi tới năm 1975, Tổng thống Ai Cập Anwar el-Sadat mới mở cửa kênh đào Suez trở lại như một cử chỉ hòa bình sau các cuộc đàm phán với Israel.

Nơi nuôi dưỡng “giấc mơ vĩ đại”

Với người Ai Cập, dường như việc tạo nên những công trình vĩ đại như Kim tự tháp hay kênh đào Suez chưa bao giờ là đích đến cuối cùng. Với họ, kênh đào Suez đã là giấc mơ vĩ đại trong hàng trăm năm qua, nhưng giờ đây, họ muốn nuôi dưỡng giấc mơ ấy vĩ đại hơn nữa: Tăng vị thế quốc tế của Ai Cập, hướng tới mục đích xây dựng quốc gia này thành một "cái rốn" thương mại trọng điểm đồng thời tạo dựng nguồn thu khổng lồ cho đất nước sông Nile. Việc tạo dựng một kênh đào Suez mới nằm chính trong mong muốn ấy.

Tháng 8/2014, Ai Cập khởi công dự án đào kênh Suez mới với số vốn đầu tư 9 tỷ USD (phần lớn từ nguồn xã hội hóa từ người dân). Dự án kênh mới này bao gồm cả việc xây dựng hệ thống kênh mới và nạo vét lòng kênh cũ, nhằm cho phép tàu thuyền di chuyển hai chiều, đồng thời giúp tăng gấp đôi công suất vận tải thủy. Kênh đào Suez mới giúp rút ngắn thời gian di chuyển của tàu bè từ 11 giờ xuống còn 3 giờ, nhờ đó tăng gấp 4 lần lưu lượng vận chuyển hàng hóa. Ai Cập kỳ vọng có thể nâng doanh thu từ tuyến đường này từ 5,3 tỷ USD năm 2015 lên 13,2 tỷ USD vào năm 2023.

Kênh đào Suez là một trong những công trình vĩ đại mà đất nước của dòng sông Nile đã cống hiến cho nhân loại. Ngày 6/8/2015, Ai Cập đã khánh thành kênh đào Suez mới. Truyền thông Ai Cập đã ca ngợi sự kiện này như một thắng lợi của quốc gia và là một bước ngoặt sau nhiều năm bất ổn của đất nước này.

Trên hết và quan trọng nhất, sự ra đời của kênh đào Suez mới lại một lần nữa chứng minh người Ai Cập hoàn toàn có thể tự biến những “giấc mơ vĩ đại” của mình thành hiện thực.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận