La Habana: 500 năm 'Thành phố kỳ quan'

La Habana - 'trái tim' của đất nước Cuba vẫn luôn là điểm đến, là hấp lực trong lòng du khách muôn phương.

 

“Thành phố kỳ quan”, “Thành phố của xì gà và cocktail”, “thành phố của tình yêu và những điều kỳ diệu”, “thành phố màu sắc lưu giữ ký ức của thời gian”… chủ nhân của hàng loạt cụm từ mỹ miều ấy là La Habana - “trái tim” của Cuba, thành phố mà ngày 16/11 sẽ tròn 500 năm tuổi (16/11/1519 - 16/11/2019).

Quảng trường trung tâm Khu Phố cổ Havana. (Nguồn: Smithsonian)San Cristóbal de La Habana, Havana hay La Habana?

Với nhiều người Việt Nam, đất nước bên kia bán cầu Cuba và thủ đô La Habana từ lâu đã trở thành những cái tên rất đỗi quen thuộc. Nhưng trên báo chí quốc tế, “trái tim” của đất nước Cuba lại thường được gọi dưới cái tên Havana. Vậy tên gọi chính xác của thủ đô quốc gia vùng châu Mỹ Latinh và vùng Caribe này là Havana hay La Habana?

Ngược dòng lịch sử cách đây 5 thế kỷ, sẽ thấy Havana hay La Habana chỉ là hai tên gọi trong hai giai đoạn khác nhau của thành phố này. Nếu lịch sử đất nước Cuba được xem là bắt đầu từ việc ngày 27/10/1492, khi nhà hàng hải người Tây Ban Nha Christopher Columbus sau hai tuần phát hiện ra châu Mỹ, trên hành trình khám phá của mình đã phát hiện ra hòn đảo Cuba thì lịch sử thành phố Havana được xem là bắt đầu vào năm 1509 khi những người châu Âu ghé thăm vùng đất này bằng đường biển. Đến năm 1510, những người Tây Ban Nha thực dân xâm chiếm vùng đất này và 5 năm sau, ngày 25/8/1515 thành lập thành phố San Cristobal de La Habana.

Khách sạn Ambos Mundos, nơi nhà văn Ernest Hemingway từng ở trong vòng 7 năm và viết cuốn “Chuông nguyện hồn ai”, được tu sửa và tôn tạo đầu tiên. (Nguồn: Smithsonian)Nhưng thực tế phải đến 4 năm sau, ngày 16/11/1559, khi San Cristobal de La Habana được di dời về phía bắc, trong cảng tự nhiên của Vịnh Havana, thì San Cristobal de La Habana mới chính thức được thành lập và được gọi là Havana. Người ta cho rằng tên gọi Havana có thể xuất phát từ Habaguanex, tên gọi của 1 tù trưởng da đỏ từng kiểm soát khu vực này. Thời kỳ đó, San Cristobal de La Habana hay Havana đã từng là một hải cảng sầm uất, giàu có, là trung tâm buôn lậu và mua bán nô lệ, trung tâm đóng tàu thủy đầy tiên trong vùng Caribean. Năm 1902 Cuba tuyên bố độc lập, Havana (hay La Habana) chính thức trở thành thủ đô của quốc gia châu Mỹ Latinh và vùng Caribe này.

“Một trong bảy thành phố kỳ quan của thế giới”

Ngày 7/12/2014, cùng với 6 thành phố khác trên thế giới (thủ đô La Paz - Bolivia, Durban - Nam Phi, Beirut - Lebanon, Doha - Qatar, Kuala Lumpur - Malaysia và thành phố Vigan - Philippines), thủ đô La Habana của Cuba đã được tổ chức New7Wonders của Thụy Sỹ vinh danh là thành phố kỳ quan của thế giới. Có rất nhiều yếu tố “vàng” đã giúp La Habana vượt qua hơn 1.200 thành phố “đối thủ nặng ký” trong cuộc bình chọn gắt gao trải dài suốt 2 năm của New7Wonders, trong đó, được nhắc đến, ngợi ca, trầm trồ nhiều nhất chính là vẻ đẹp yên bình và xinh đẹp, lãng mạn và cổ kính, độc đáo và đầy sự khác biệt của La Habana.

Pháo đài El Morro (ảnh: KT)Nét cổ kính, độc đáo khác biệt ấy đến ngay từ “trái tim” của La Habana - khu phố cổ Havana hay còn gọi là Havana cổ, nơi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại vào năm 1982. Tại đây đến nay tồn tại một quần thể kiến trúc thời thuộc địa cổ nhất châu Mỹ được người Tây Ban Nha xây dựng vào đầu thế kỷ 16. Một thống kê cho thấy, tại khu phố cổ Havana hiện có tới 88 công trình có giá trị cao về lịch sử và văn hóa, 860 công trình có giá trị sinh thái và 1.780 công trình kiến trúc khác tạo nên bộ mặt độc đáo cho Thủ đô của đất nước Cuba.

Giá trị hiếm có của Havana cổ không chỉ ở hàng ngàn tòa nhà được xem như những công trình nghệ thuật quốc gia mà còn ở nét kiến trúc hài hòa được thể hiện trên một diện tích 156ha được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Chính khu phố cổ Havana đã là nhân tố chính mang lại vẻ đẹp vừa yên bình, vừa lãng mạn, cổ kính, độc đáo cho thủ đô của Cuba với những ngôi nhà nhiều màu sắc, có ban công bằng song sắt và các cửa ra vào bằng gỗ quý nằm trên những con phố nhỏ, ngõ nhỏ được lát đá. Trong quần thể kiến trúc của khu phố cổ Havana, nổi bật hơn cả là Nhà thờ Lớn La Havana được xây dựng vào năm 1763. Nhà thờ Lớn La Havana, tương truyền từng là nơi bảo quản thi hài của nhà thám hiểm Cristoph Columbus, được xây dựng theo nghệ thuật kiến trúc Baroque với những đường cong, những mảng trang trí đắp nổi cầu kỳ và những bích họa rực rỡ.

Nhà thờ lớn Havana với lối kiến trúc Baroque (ảnh: KT)Pháo đài El Morro cũng là một di sản văn hóa nữa nơi phố cổ. Pháo đài được xây dựng trong 41 năm từ năm 1589 đến 1630 với nhiệm vụ trấn giữ cửa biển. Ngày 21/6/1845, ngọn hải đăng cũ được thay thế bằng một ngọn mới xây bằng những phiến đá tảng, cao 45m so với mực nước biển, chính là ngọn hải đăng mà ngày nay chúng ta vẫn được ngắm nhìn - biểu tượng bất diệt của La Habana.

Trong các địa điểm đáng chú ý ở thành La Habana cổ còn có ngôi nhà nhỏ, trên đường Paula, nơi người anh hùng dân tộc CubaJose Marti ra đời năm 1853 nay trở thành Bảo tàng Quốc gia trưng bày những kỷ vật của Người Anh hùng Dân tộc. Điểm hấp dẫn của trung tâm thành phố cổ còn là những địa danh liên hệ mật thiết với đại văn hào người Mỹ Ernest Hemingway (1894-1961): nhà hàng-bar Bodegita del Medio, được xây dựng năm 1942, nằm giữa cung điện Agnace-Clarace có trên đường Empedrado, nơi nhà văn hay lui tới trong thời gian ông ở La Habana với món thức uống yêu thích cocktail mojito; khách sạn Ambos Mundos - tòa nhà màu hồng, nơi Hemingway lưu trú đến 7 năm và đặt bút viết tác phẩm trứ danh “Chuông nguyện hồn ai”; Đài tưởng niệm con tàu cách mạng Granma - con tàu mà vào cuối năm 1956, dưới sự chỉ huy của Fidel Castro, 82 chiến sĩ đã từ Mehico vượt biển về Cuba để giành được độc lập vĩnh viễn cho Cuba; Viện Hàn lâm Khoa học, Quảng trường Cách mạng nằm trên đồi Catalanez - nơi đặt Tượng đài Jose Marti, nhà hát quốc gia…

Đường phố La Habana như một bức tranh với những chiếc xe cổ rực rỡ sắc màu.Sức mê hoặc của La Habana còn đến từ chất nghệ thuật đặc quánh của thành phố khi La Habana là nơi có nhiều nhà hát, rạp chiếu phim, nhiều trung tâm biểu diễn ca nhạc và các phòng trưng bày triển lãm nghệ thuật; những chiếc xe cổ tràn ngập màu sắc trên đường phố; bầu không khí thoáng đạt, quanh năm tràn ngập nắng gió khi giữa thủ đô còn có một khu rừng nhiệt đới, diện tích lên đến 170km2 cùng với con vịnh mang tên thành phố…

Những năm qua, dù lệnh cấm vận đã gây ảnh hưởng tiêu cực khá nặng nề đến đất nước Cuba nói chung, thủ đô La Habana nói riêng, nhưng vượt lên trên gian khó, trước vô vàn thử thách, La Habana vẫn vững vàng phát triển. Điểm nhấn trong sự phát triển ấy, vẫn là ngành du lịch.

Bộ trưởng Du lịch Cuba Manuel Marrero hồi tháng 8/2019 đã vui mừng thông báo tính đến thời điểm tháng 8, đảo quốc Caribe đã đón tổng cộng 3 triệu du khách quốc tế và kỳ vọng đón 4,3 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm nay. Trong đó, thủ đô La Habana vẫn là điểm đến yêu thích nhất của du khách khi đến “Hòn đảo tự do” này.

Thời gian tới, Cuba tiếp tục nỗ lực phát triển ngành du lịch, bất chấp những trở ngại do sự phong tỏa kinh tế, tài chính và thương mại. Chủ tịch Cuba Diaz-Canel nhấn mạnh, ngành du lịch ngoài việc là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, còn là một cầu nối đưa du khách tới thăm Cuba, phá vỡ mọi nỗ lực phong tỏa từ các thế lực bên ngoài. Cũng nằm trong những nỗ lực ấy, thủ đô La Habana, trải qua bao thăng trầm, vẫn luôn giữ cho mình sự duyên dáng, vẻ đẹp cổ kính lãng mạn, những con người dễ mến, hiền hậu, thân thiện với nụ cười luôn rạng rỡ trên môi… - những điều đó sẽ khiến La Habana, 500 năm tuổi, vẫn  luôn là điểm đến, là hấp lực trong lòng du khách muôn phương.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thủ đô La Habana của Cuba. (Ảnh: TTXVN)

Nằm giữa trung tâm thủ đô, cạnh Đại lộ 26 là công viên Acapulco (sau đổi là công viên Hòa Bình) nay là công viên Hồ Chí Minh, một trong những công viên đẹp nhất của thủ đô, là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của La Habana là nơi đặt tượng đài bán thân bằng đồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh do kiến trúc sư Yoel Diaz Gutiérrez, người có nhiều năm gắn bó với Việt Nam, đảm nhiệm thiết kế và giám sát thi công, được khánh thành vào năm 2003.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận