Chủ nhân giải thưởng Nobel Hòa bình 2019: Bí quyết làm nên bất ngờ

Để vượt qua được 300 ứng cử viên cho giải thưởng Nobel Hòa bình 2019 danh giá nhất, vị nguyên thủ 43 tuổi này có bí quyết riêng của mình.

 

Việc giải thưởng Nobel hòa bình 2019 xướng tên người đứng đầu chính phủ Ethiopia được xem là một bất ngờ lớn bởi trước đó, cái tên được nhắc nhiều nhất cho giải thưởng danh giá này là Greta Thunberg - nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển.

Tại sao lại là Abiy Ahmed Ali? là câu hỏi được giăng lớn trên nhiều mặt báo. Nhưng để vượt qua được 300 ứng cử viên cho giải thưởng Nobel danh giá nhất, vị nguyên thủ 43 tuổi này có bí quyết riêng của mình.

Dám mạo hiểm cho nền hòa bình quý giá

Có lẽ từ lâu lắm rồi thủ đô Addis Ababa của Ethiopia mới lại sống trong một bầu không khí đậm chất lễ hội hoan ca đến thế. Những ngày trung tuần tháng 10 vừa qua, khi hạng mục được trông đợi bậc nhất của giải thưởng Nobel danh giá xướng tên Thủ tướng Abiy Ahmed Ali, cả Ethiopia như vỡ òa trong niềm hạnh phúc, tự hào. Thậm chí, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi, vì những xúc cảm, niềm vui không thể nào che giấu…

Thủ tướng Abiy Ahmed Ali (trái) cùng nhà lãnh đạo Eritrea Isaias Afwerki trong lễ mở lại Đại sứ quán Eritrea tại thủ đô Addis Ababa. (Ảnh: CNN)Có lẽ phải là một người dân của đất nước Ethiopia, phải trải qua hàng thập kỷ sống trong cảnh đất nước chìm trong vấn nạn tham nhũng, bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng và xung đột biên giới dai dẳng, đẫm máu với quốc gia láng giềng Eritrea khiến khoảng 80.000 người mất mạng, khiến bao gia đình phải trong cảnh ly tán… mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc, tự hào ấy. Như cậu thanh niên 24 tuổi Hagos, đến từ thị trấn Zalambesa. Cậu lớn lên ở Ethiopia nhưng cha cậu lại sống ở Eritrea, luôn mong mỏi một ngày được gặp người thân ở bên kia biên giới. Và cuối cùng, chàng thanh niên đã được toại nguyện khi bản “Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị" giữa Ethiopia và Eritrea được ký kết, hai nước chính thức nối lại quan hệ vào tháng 7/2018.  

Nhưng ít người biết rằng để biến ước mơ đoàn tụ của những người như Hagos thành hiện thực là một điều không hề dễ dàng. Cuộc xung đột dai dẳng kéo dài suốt 20 năm đã khiến vết nứt gãy trong quan hệ ngoại giao giữa Ethiopia và Eritrea trở nên vô cùng khó hàn gắn. Mọi giải pháp tưởng chừng luôn trong cảnh bế tắc… Mối xung đột ấy càng kéo dài, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hai nước mà còn khiến tình hình nội bộ của chính Ethiopia thêm rối ren, phức tạp… Tình thế ấy đã buộc ông Abiy Ahmed Ali đi đến một quyết định hết sức bất ngờ, thậm chí là mạo hiểm: chấp nhận phán quyết của Ủy ban Ranh giới Eritrea - Ethiopia (EEBC) được Liên hợp quốc ủng hộ năm 2002, trao vùng lãnh thổ tranh chấp bao gồm thị trấn Badme cho Eritrea để đổi lấy hòa bình với nước láng giềng từng là một nhà. Mạo hiểm, bởi chủ quyền luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm.

Thủ tướng Abiy Ahmed Ali. (ảnh: KT)Nhưng cũng nhờ sự mạo hiểm hơn người ấy, tháng 9/2018, lần đầu tiên sau hai thập kỷ, biên giới Ethiopia - Eritrea được mở cửa trở lại, hệ thống giao thông, liên lạc giữa hai nước được kết nối, các chuyến bay giữa Addis Ababa và Asmara được nối lại và những gia đình bị chia cắt đoàn tụ với giọt nước mắt hạnh phúc.

Hành động quyết liệt vì một lời hứa

Ngày 2/4/2018, chính trị gia Abiy Ahmed Ali - lãnh đạo đảng cầm quyền Mặt trận Dân chủ cách mạng nhân dân Ethiopia (EPRDF) và Tổ chức Dân chủ dân tộc Oromo (OPDO) chính thức trở thành Thủ tướng thứ 12 của Ethiopia. Ngày tuyên thệ nhậm chức, Vị Thủ tướng 43 tuổi đã có lời hứa với những người dân Ethiopia rằng sẽ xoa dịu căng thẳng giữa các nhóm sắc tộc trong nước, nhanh chóng kết thúc chiến tranh biên giới, đưa ra những chính sách cải cách hợp lý để phát triển đất nước, nỗ lực nhiều hơn nữa để thay đổi Ethiopia theo hướng tốt đẹp.

Và đến nay, sau hơn 1,5 năm trên cương vị người đứng đầu đất nước, Abiy Ahmed Ali đã cho thấy ông đã quyết liệt như thế nào để biến lời hứa của mình thành hiện thực. Cùng với việc mạnh dạn ký kết “Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị" giữa Ethiopia và Eritrea, với thông điệp “đất nước cần phải đạt được thành công bằng ý tưởng táo bạo, chứ không phải bằng nòng súng”, ngay sau ngày nhậm chức, Thủ tướng Ahmed đã liên tục đưa ra những chính sách cải cách quan trọng về nhiều mặt.

Về an ninh, tư pháp, ông tuyên bố bãi bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia, thả tự do cho hàng ngàn tù nhân chính trị, tiến hành biện pháp hòa giải với các lực lượng đối lập, cho phép những người bất đồng chính kiến sống lưu vong được trở về quê hương, sa thải các quan chức bị nghi ngờ tham nhũng, bổ nhiệm nhiều nữ bộ trưởng vào nội các (dưới thời của Thủ tướng Ahmed, một nửa trong số 20 Bộ trưởng là phụ nữ, trong đó có nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của đất nước châu Phi này), cam kết tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và tự do tại nước này…

Abiy Ahmed Ali cũng đặc biệt chú trọng tới cải cách kinh tế. Ông quyết định mở cửa truyền thông, điện lực, hàng không, chấm dứt tình trạng “cấm cửa” hàng trăm kênh truyền hình và trang web. Tới thời điểm này, báo chí thế giới đánh giá, Ethiopia mặc dù vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất nhưng đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Thủ tướng Abiy Ahmed Ali còn đặc biệt chú trọng tới các hoạt động bảo vệ môi trường, tiêu biểu là chiến dịch "Di sản xanh", với mục tiêu trồng hàng triệu cây xanh ở Ethiopia để đối phó với biến đổi khí hậu…

Thủ tướng Abiy Ahmed Ali trong sự tung hô của người dân Ethiopia. (ảnh: KT)Nếu biết rằng bao nhiêu thập kỷ, Ethiopia luôn “mang tiếng” là quốc gia luôn chìm trong hạn hán, chiến tranh, tham nhũng, bất bình đẳng xã hội, kìm hãm tự do ngôn luận… thì những điều mà Thủ tướng Abiy Ahmed Ali đã làm được, thực sự là khác biệt. Nó khiến chính những người dân Ethiopia cũng cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn lại đất nước mình, thấy hình như đã có một Ethiopia rất khác và điều quan trọng hết thảy, mỗi người trong số họ dường như đều đã được truyền cho nguồn sinh lực mới, đầy khát vọng, về “một cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai tươi sáng hơn”, về một “Ethiopia - Chân trời Hy vọng Mới - quốc gia thịnh vượng cho tất cả".

Còn với vị nguyên thủ 43 tuổi này, đơn giản chỉ là “không gì là không thể”, vấn đề là ta có quyết liệt đi tới cùng với mục tiêu của mình hay không. Đơn cử như từ sự khởi sắc của nền kinh tế quốc gia, ông đặt mục tiêu vào năm 2020 dự kiến GDP đạt khoảng 100 tỷ USD biến Ethiopia trở thành nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông và Trung  Phi.

"Thành Rome không thể được xây trong một ngày"

“Thành Rome không thể được xây trong một ngày, và sự phát triển hòa bình và dân chủ sẽ không đạt được trong một khoảng thời gian ngắn”- đó là lý giải ngắn gọn nhưng cũng đầy hàm ý của người phát ngôn giải thưởng Nobel năm nay trước những ý kiến tranh cãi, thậm chí là không đồng tình với sự lựa chọn của các thành viên Ủy ban Nobel.

Lý giải này có thể không nhận được sự tán đồng của nhiều người nhưng “Thành Rome không thể được xây trong một ngày” lại là điều không ai có thể phủ nhận. Có thể những cải cách của Thủ tướng Abiy Ahmed Ali mới chỉ mang tính chất bước đầu và cũng khó có thể đoán định được tác động của những chính sách cải cách tiếp theo của ông có đạt hiệu ứng tích cực hay không. Nhưng, quay ngược trở lại, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi chưa đầy 2 năm ấy, những gì chính quyền Abiy Ahmed Ali đã làm trên một cái nền chính trị và kinh tế - xã hội như Ethipopia, những gì ông tận hiến cho nền hòa bình của Ethiopia, cho cả mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia láng giềng như Sudan, Eritrea và Djibouti, Kenya và Somalia… là thực sự đáng ngạc nhiên.

Quan trọng hơn hết thảy đó là việc Abiy Ahmed Ali là một chính khách dám làm, dám chấp nhận thử thách và đương đầu, “biến hòa bình, bao dung và hòa giải thành những thành tố chính sách chủ chốt trong chính quyền", luôn nỗ lực cho "hòa bình và hòa giải". Những điều đó, nói như Uỷ ban giải thưởng Nobel, là việc "đáng được công nhận và cần được khích lệ”.

Hạnh phúc đoàn viên của những người dân bình dị có lẽ là sự tưởng thưởng lớn nhất dành cho vị Thủ tướng và với ông, sự mạo hiểm ấy, dường như là đáng giá.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận