Áp thuế du khách: Phía sau một xu hướng

Những năm qua, thu thuế du lịch hay áp thuế lên du khách đã trở thành một xu hướng được khá nhiều nước trên thế giới, từ Á sang Âu áp dụng.

 

Tuy nhiên, phía sau “trào lưu” có vẻ ngày càng thịnh hành này là rất nhiều những quan điểm trái chiều.

Từ cái lý của Tanzania, Malaysia, Bhutan…

Chưa có một thống kê chính thức nhưng Tanzania - nơi được mệnh danh là nóc nhà châu Phi, có thể là một trong những quốc gia đi đầu trong xu hướng đánh thuế lên du khách. Ngay từ năm 2016, Tanzania đã bắt đầu tính 18% thuế VAT từ năm 2016 dành cho các dịch vụ du lịch như giao thông, công viên nước, hướng dẫn du lịch, các gói xem động vật hoang dã… Lý lẽ mà chính phủ nước này đưa ra để giải thích cho động thái áp thuế này là tiền thuế du lịch sẽ được dùng vào các hoạt động như bảo trì cơ sở hạ tầng, nâng cấp bảo tàng và các điểm du lịch…

Bali đánh thuế du lịch với mong muốn bảo vệ môi trường (Ảnh: GRID-ARENDAL / LAWRENCE HISLOP).Quốc gia Đông Nam Á Malaysia cũng sớm có ý tưởng trong việc đánh thuế lên du khách. Báo chí hồi năm 2017 đã nói nhiều về việc Quốc hội Malaysia đã thông qua dự thảo Luật Thuế du lịch sau một phiên thảo luận kéo dài kỷ lục lên đến gần 20 tiếng đồng hồ. Theo đó, từ ngày 1/8/2017, Luật Thuế du lịch Malaysia cho phép Chính phủ đánh thuế với khách du lịch ở tại bất kỳ cơ sở lưu trú nào với mức thuế cố định theo luật quy định. Số tiền thu được sẽ bổ sung vào ngân sách phát triển du lịch của Malaysia. Chưa hết, kể từ tháng 9/2019, tất cả khách du lịch rời Malaysia phải đóng thuế xuất cảnh từ 8-150 ringgit, khoảng 2,65-50 USD. Chính phủ Malaysia cho biết, tiền thuế này dự kiến khoảng 1 tỷ ringgit hàng năm, được sử dụng nhằm khuyến khích phát triển du lịch nội địa và bổ sung cho các kho bạc quốc gia.

Venice thu phí du khách để trang trải chi phí giữ gìn vệ sinh và tăng cường an toàn (Ảnh: Getty)Bhutan - quốc gia nhỏ bé nằm kín trong lục địa tại Nam Á, giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nơi được mệnh danh là “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” - cũng là một trong những nước sớm có ý nghĩ về việc hạn chế du khách thông qua việc đánh thuế rất cao (thuộc hàng cao nhất) vào khách du lịch. Từ năm 2018, du khách đến “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” có thể sẽ thấy bớt đi chút ít hạnh phúc khi biết được rằng họ sẽ bắt buộc phải móc hầu bao 200 - 250 USD mỗi ngày, tùy vào thời điểm trong năm. Chính phủ Bhutan sẽ trích 65 USD từ khoản thu của du khách để phân bổ cho công tác bảo tồn môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân.

Tới xu hướng được hơn 40 quốc gia áp dụng

Tờ The Insider, trong một bài báo xuất bản ngày 28/2/2019 đã thống kê sơ bộ tới thời điểm tháng 2/2019, các nước áp dụng thuế du lịch đã lên tới con số 41.

Các quốc gia châu Á có vẻ rất xăng xái trong câu chuyện áp phí lên du khách. Sau Malaysia, Bhutan, đất nước nghìn hòn đảo Indonesia từ lâu đã áp dụng mức "thuế chia tay" bao gồm trong vé mọi chuyến bay nội địa và quốc tế. Hành khách còn phải đóng thuế sân bay từ 40.000 - 200.000 IDR (từ 65.000 đến hơn 320.000 đồng) khi khởi hành từ sân bay quốc tế Bali Ngurah Rai và Jakarta Soekarno-Hatta. Riêng chính quyền hòn đảo thiên đường Bali của đất nước này thì từ tháng 1/2019 cũng tuyên bố đánh thuế 10 USD trên mỗi khách nước ngoài để gây quỹ bảo vệ môi trường và gìn giữ văn hóa.

Scotland thu thuế du lịch để bảo vệ di sản (Ảnh 3: JANE BARLOW/PA)Từ tháng 1/2019, xứ sở hoa anh đào cũng áp dụng cái gọi là  "thuế chia tay" (sayonara tax) 1.000 yen, tương đương 9,3 USD, đối với khách quốc tế khi rời khỏi Nhật Bản. Loại thuế mới này được áp dụng với cả du khách nước ngoài lẫn người Nhật Bản khi rời nơi đây bằng máy bay hoặc tàu biển. Doanh thu từ "thuế chia tay" ước đạt 50 tỷ yen (gần 460 triệu USD) trong năm tài khóa 2019 sẽ được dùng cho các chương trình nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch của Nhật Bản trước thềm Thế vận hội Mùa hè 2020 tại Tokyo. Còn về lâu dài, sẽ được sử dụng để thu hút thêm du khách nước ngoài, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, cải thiện thủ tục nhập cảnh cũng như thanh toán điện tử tại các sân bay.

Các quốc gia châu Âu cũng rất nhanh chân trong xu hướng này. Kể từ tháng 7/2019, du khách muốn tới thành phố Venice của Ý sẽ phải nộp thuế "vào cửa" từ 2,9 - 11,5 euro tùy theo mùa. Các quan chức thành phố ước tính thuế mới sẽ giúp mang lại nguồn thu khoảng 50 triệu euro mỗi năm. Nguồn thu này sẽ giúp nhà chức trách trang trải chi phí giữ gìn vệ sinh và tăng cường an toàn cho Venice vốn trước đây được lấy từ tiền thuế do người dân thành phố đóng góp. Tại Pháp, khoản thuế du lịch (taxe de séjour) phụ thuộc vào nơi du khách dừng chân. Mới đây nhất, trong một quyết định vừa được đưa ra đầu tháng 10/2019, bắt đầu từ năm 2020, du khách tới thủ đô Amsterdam (Hà Lan) sẽ phải trả thêm 3 euro (gần 76 ngàn đồng) cho mỗi đêm nghỉ lại. Với mức tăng này, Hà Lan trở thành quốc gia châu Âu đánh thuế cao nhất với khách du lịch.

Danh sách các quốc gia châu Âu thu thuế với khách du lịch còn có Thụy Sĩ, Hy Lạp, Bỉ,  Bulgaria, Croatia, Czech,  Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... và có vẻ chưa có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh đó, trong danh sách 41 quốc gia trên thế giới áp dụng thu phí du khách còn có một số bang của Mỹ, khảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Caribbean...

Những tranh cãi gay gắt

Bhutan, Venice , Tanzania, Amsterdam... đều có chung lý lẽ khi quyết định đánh thuế du khách là phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản... và đều nuôi niềm tin rằng, thuế không phải là rào cản để ngăn du khách đến với đất nước, thành phố của họ. “Du khách quốc tế sẽ đồng ý với loại thuế này vì chúng tôi có chương trình hành động rõ ràng theo luật pháp. 10 USD cũng không phải là số tiền lớn, họ sẽ vui vẻ trả vì nó góp phần bảo vệ môi trường và văn hóa trên đảo" - giới chức Bali tỏ ra rất tin tưởng. Thậm chí, có những quốc gia như Bhutan, sẵn sàng đón đợi việc lượng du khách có thể giảm xuống nhưng lại đi theo hướng mà họ đang mong muốn “giá trị cao, tác động thấp”. Hàm ý giá trị cao trong du lịch của Bhutan nằm ở chỗ tăng cường các tour du lịch cao cấp với đối tượng du khách “có tiền”, gia tăng phí dịch vụ du lịch lên mức đắt đỏ nhưng cũng cực kỳ chất lượng, tăng các loại phí vào cửa ở các di tích và di sản nổi tiếng… Nhờ vậy, lượng du khách không cần quá lớn trong khi vẫn tạo ra lợi ích kinh tế đáng kể mà lại “tác động thấp” nghĩa giảm thiểu tác động tiêu cực lên các cảnh quan, môi trường và cuộc sống người dân bản địa. 

Theo lý giải của chính phủ Bhutan, phát triển du lịch là bài toán phải cân bằng giữa lợi ích và phí tổn, bất chấp việc du lịch luôn là ngành mang lại ngân sách lớn nhất cho nước này; phải có chiến lược phát triển du lịch thận trọng và bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Lượng du khách lỷ lục đến Bhutan  những năm qua, với chính quyền nơi đây, không hề là niềm hạnh phúc, thậm chí còn gia tăng áp lực lên môi trường, hạ tầng, gây khó khăn cho đời sống của người địa phương, và đặc biệt là hủy hoại các công trình kiến trúc và môi trường của các điểm tham quan.

Venice thu phí du khách để trang trải chi phí giữ gìn vệ sinh và tăng cường an toàn (Ảnh: Stefano Rellandini/Reuters)Tuy nhiên, không phải không có những luồng ý kiến trái chiều. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã từng kiến nghị chính phủ Malaysia xem xét lại quyết định áp thuế do việc đánh thuế này có thể gây tác dụng ngược, làm giảm lượng khách du lịch quốc tế, gây hại nhiều hơn là có lợi. Hồi tháng 5/2019, Thái Lan đã công bố kết quả nghiên cứu khả thi về việc áp thuế du lịch đối với du khách nước ngoài và sử dụng số tiền thu được để duy tu, bảo tồn các điểm du lịch. Tiền thuế được cho là sẽ ở mức tối thiểu và không tác động nhiều tới "túi tiền" của khách du lịch. Tuy nhiên, mới đây, Thái Lan lại quyết định lùi kế hoạch áp thuế du lịch đối với du khách nước ngoài với mối lo ngại rằng việc đánh thuế này có thể làm nản lòng du khách và đẩy "ngành công nghiệp không khói" của nước này vào cảnh khó khăn hơn, nhất là khi bối cảnh kinh tế nước này đang trong cảnh trì trệ.

Xu hướng nào cũng có tính hai mặt. Quan trọng là sự phù hợp với điều kiện, thực trạng cũng như quan điểm của nền du lịch mỗi nước. Bởi vậy, nên dù là đi theo xu hướng hay đứng bên ngoài xu hướng, mỗi một quốc gia đều sẽ phải tạo lập một bài toán cho riêng mình, mục tiêu cuối cùng vẫn là việc tạo ra sự phát triển bền vững cho nền du lịch mỗi quốc gia.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận