Tình hữu nghị Việt - Ấn và mối tương đồng mang tên Gandhi - Hồ Chí Minh

Nhiều thập kỷ đã đi qua, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ vẫn đậm đà, thủy chung và sẽ còn mãi trường tồn cùng thời gian

 

Ngày 2/10, Ấn Độ cùng thế giới kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi (2/10/1869 - 2/10/2019). Năm 2018, Ấn Độ cũng kỷ niệm 60 năm chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ (1958-2018). Có lẽ trên thế giới hiếm có mối quan hệ hữu nghị nào lại sở hữu nhiều mối tương đồng, từ lịch sử, văn hóa cho đến cả những điểm tương đồng kỳ lạ giữa hai lãnh tụ dân tộc như quan hệ hữu nghị Việt - Ấn.

Cả cuộc đời đồng hành cùng dân tộc bị áp bức

Lúc sinh thời, trả lời phỏng vấn của Báo Granma (Cuba), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình mình, trong bản Di chúc được cân nhắc từng ý, từng lời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì để hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Và thực tế, cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhân dân Việt Nam, đồng hành với dân tộc để chống lại thế lực đế quốc, thực dân và rồi trở thành trái tim của phong trào giành độc lập cho dân tộc.

Mahatma Gandhi là một trong những vị lãnh tụ tinh thần của nhân dân Ấn Độ (ảnh: KT)Tại đất nước của sông Hằng, cách đây tròn 150 năm, cũng đã có một vĩ nhân như thế Mahatma Gandhi - người đã dành cả cuộc đời mình để phản đối hình thức khủng bố bạo lực, gây ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bằng hòa bình và phi bạo lực ở Ấn Độ và quốc tế, dẫn dắt nhân dân Ấn Độ giành độc lập, thoát khỏi sự cai trị của thực dân Anh.

Con đường đến với cách mạng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc của chàng luật sư mang tên Mohandas Karamchand Gandhi - tên thật của Mahatma Gandhi- bắt đầu từ khi chàng sang Nam Phi làm tư vấn pháp lý cho một hãng buôn của Ấn Độ. Chính thời gian dài làm việc tại đây, Gandhi được tận mắt chứng kiến chính sách phân biệt chủng tộc của thực dân Anh, đồng thời thấu hiểu nỗi bất công, cơ cực của đồng bào mình cũng như người da màu Nam Phi. Tư tưởng “đề kháng bất bạo động” nổi tiếng sau này của Mahatma Gandhi cũng hình thành từ bối cảnh ấy.
Cũng bởi sự thấu hiểu ấy mà năm 1914, Mahatma Gandhi quay trở lại Ấn Độ, với mong muốn đấu tranh giành lại tự do cho nhân dân. 4 năm sau, ông gia nhập Đảng Quốc Đại và không lâu trở thành nhà lãnh đạo của Đảng này.

Dưới sự lãnh đạo của Gandhi, Đảng Quốc Đại trở thành một chính đảng lớn, rất uy tín của Ấn Độ. Với cương lĩnh “Đề kháng bất bạo động” của Gandhi, phong trào chống thực dân Anh, đòi quyền độc lập dân tộc nhờ đó dâng cao mạnh mẽ tại đất nước này. Từ năm 1929 - 1933, trên tư cách đại diện cho cho Đảng Quốc Đại và nhân dân Ấn Độ, tại “Hội nghị bàn tròn (London, Anh) Gandhi đã đấu tranh đòi thực dân Anh phải trả độc lập cho Ấn Độ. Gandhi cũng đã phát động “Cuộc đi bộ đòi muối” chống lại Luật độc quyền muối của thực dân Anh.
Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Mahatma Gandhi cùng Jawaharlal Nehru đã phát động một cuộc đấu tranh rộng lớn ở Ấn Độ chống thực dân Anh với khẩu hiệu “Bọn thực dân hãy rút khỏi Ấn Độ! Chúng ta hãy hành động hay là chết”.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru tiếp tục tiến hành đấu tranh chính trị với thực dân Anh trong những cuộc thương thuyết Anh-Ấn kéo dài (1945-1946), bất chấp việc nhiều lần Mahatma Gandhi bị thực dân Anh cầm tù. Sự lãnh đạo sáng suốt của Mahatma Gandhi và ý chí đấu tranh kiên trì, bền bỉ nhân dân Ấn Độ cuối cùng cũng đã được tưởng thưởng xứng đáng. Ngày 15/8/1947, thực dân Anh buộc phải trao trả nền độc lập cho Ấn Độ.

Vĩ nhân truyền cảm hứng

“Người là Cha, là Bác, là Anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Đúng như hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiển hiện trong tâm trí người dân Việt Nam qua vô số những tên gọi thắm đượm tình thương yêu “vị cha già dân tộc”, “Bác Hồ”, “cụ Hồ”, “già Hồ”, “Hồ Chủ tịch”, “người anh hùng dân tộc vĩ đại”… Suốt cuộc đời mình, Người đã khiến vạn vạn trái tim yêu mến, cảm phục không chỉ bởi tài trí, đức độ mà còn cả tấm lòng thương yêu con người, thương yêu đồng loại hết sức rộng lớn, sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ năm 1958 (ảnh: KT)Cũng một sự tương đồng thú vị, trong lịch sử Ấn Độ hiện đại, Mahatma Gandhi là một trong số hiếm hoi những chính trị gia giành được sự yêu mến gần như tuyệt đối. Nhân dân Ấn Độ gọi Mahatma Gandhi bằng những tên gọi thể hiện tấm lòng tôn kính, trìu mến như: Babuji (Cha kính yêu), Mahatma Gandhi (Tâm hồn vĩ đại Gandhi), hay “The Father of the Nation” (Vị cha già dân tộc). Khi Mahatma Gandhi ra đi vào cõi vĩnh hằng, sau khi hoả thiêu, người Ấn đã đem tro thi hài của ông rải trên toàn cõi Ấn Độ, xuống sông Ấn, sông Hằng, sông Yamuna và những con sông lớn ở khắp Ấn Độ với quan niệm những hạt tro thiêng liêng hoà vào non nước Ấn che chở cho đất nước Ấn Độ, để thấy “Thánh Gandhi đang ôm lấy Ấn Độ trong đôi tay khổ hạnh nhưng ấm áp tình người”.

Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tất cả, Mahatma Gandhi giờ đây không chỉ đơn thuần là tên riêng của một vĩ nhân kiệt xuất, mà còn gợi nhớ cho đông đảo những người yêu chuộng hòa bình trên khắp hành tinh về khát vọng độc lập dân tộc, tinh thần đấu tranh bất bạo động, dựa trên tính nhân bản, lòng khoan dung và tinh thần vị tha. Cũng chính điều đó, kể từ năm 2007, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã ra nghị quyết lấy ngày 2/10, ngày sinh của Mahatma Gandhi làm Ngày Thế giới Không có bạo lực (International Day of Non-violence), nhằm truyền tải thông điệp về hòa bình, lòng bao dung, sự thấu hiểu và tinh thần phi bạo lực.

Hội ngộ Gandhi - Hồ Chí Minh và tình hữu nghị mãi bền lâu Việt - Ấn

Nhiều điểm tương đồng là thế nhưng vòng xoay của lịch sử đã khiến hai vị cha già, hai lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ không có cơ hội gặp gỡ. Mãi đến năm 1958, tròn 10 năm sau ngày Mahatma Gandhi từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ đã đến và đặt vòng hoa tưởng niệm Gandhi. Trong bút tích của Người có đoạn: “Con người đã nêu cao đạo đức yêu nước, khắc khổ, nhẫn nại, suốt đời hi sinh cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho Hòa bình”. Cũng trong chuyến thăm này, chia sẻ với báo giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết lối sống của ông Mahatma Gandhi đã truyền cảm hứng cho Người. “Tôi và những người khác có thể là những người cách mạng, nhưng chúng tôi đều là môn đồ của Mahatma Gandhi, dù trực tiếp hay gián tiếp, nhiều hơn hay ít hơn”.

Nguồn cảm hứng ấy, sự hội ngộ kỳ thú trong tư tưởng hai vĩ nhân đã chắp cánh cho mối quan hệ vốn dĩ đã hết sức đặc biệt Việt - Ấn ngày càng đơm hoa kết trái. Ngày 7/1/1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, Ấn Độ và Việt Nam tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ bất chấp sức ép của các thế lực thù địch.

Từ bấy đến nay, đã tròn 46 năm Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố, ngày càng phát triển. 46 năm qua, hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Những chuyến thăm ấy đã trở thành những dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động.

Thời gian gần đây, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Tin cậy chính trị ngày càng được thắt chặt thông qua việc duy trì đều đặn các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân.

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đang có những bước tiến chuyển quan trọng, nhất là sau khi hình thành khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và các chuyến thăm song phương của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Hai bên có những cơ chế hợp tác hiệu quả. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng và chiến lược; được mở rộng trong cả 3 quân binh chủng: Hải, lục, không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng.

Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 15 tỷ USD vào năm 2020.

Nhiều thập kỷ đã đi qua, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ vẫn đậm đà, thủy chung và sẽ còn mãi trường tồn cùng thời gian.

Tên tuổi, hình ảnh ông xuất hiện trên những chiếc phong bì, trên các đồng tiền giấy của Ấn Độ. Ghi nhớ công ơn của Mahatma Gandhi, chính phủ Ấn Độ đã quyết định lấy ngày 2/10 - ngày sinh của ông - làm ngày lễ quốc gia của Ấn Độ.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận