Mối liên hệ kỳ lạ
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - người từng nhiều lần tiếp xúc với ông Nguyễn Hữu Hạnh (nguyên Chuẩn tướng quân đội Việt Nam Cộng hòa, người kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng hoà buông súng ngày 30/4/1975) trong quá trình làm việc tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho biết, ông Hạnh gần như không đề cập gì đến việc tại sao Trung ương Cục miền Nam “nhắm” đến ông để liên hệ công việc khi ông đang là sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng hòa năm 1963.
Tuy nhiên, theo ông Truyền, việc này có thể xuất phát từ 2 lý do chính sau: Thứ nhất, cả cuộc đời ông Hạnh theo nghiệp nhà binh. Hơn thế nữa, dù từng được đào tạo những công việc “có liên quan đến CIA” nhưng ông Hạnh tỏ ra không mấy hứng thú mà còn nói rằng “đây là một lĩnh vực càng biết nhiều càng sợ”.
Ngoài ra, ông Hạnh “lọt vào mắt xanh” của Trung ương Cục miền Nam còn bởi ông có mối quan hệ rất khăng khít với ông Dương Văn Minh. Khi ông Hạnh là chuẩn úy thì ông Minh là thiếu úy cùng tiểu đoàn. Mối quan hệ với ông Minh trải dài theo suốt quá trình hoạt động của ông Hạnh và đóng vai trò rất quan trọng đối với công tác binh, địch vận của Trung ương Cục miền Nam.
Theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Truyền, Trung ương Cục miền Nam tiếp xúc chính thức với ông Hạnh lần đầu tiên vào năm 1963 khi bố ông Hạnh mất. Trước khi qua đời, cụ thân sinh của ông Hạnh có nguyện vọng tha thiết muốn được chôn cất ở Mỹ Tho, quê hương cụ (vùng do Mặt trận Giải phóng kiểm soát).
Theo ông Truyền, ông Hạnh đã thực hiện được nguyện vọng này của cụ thông qua một thỏa thuận với quân giải phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại đây do lực lượng này kiểm soát. Hai bên thỏa thuận ngừng bắn trong 3 ngày để ông Hạnh làm đám ma cho ông cụ thân sinh. Việc hai bên thực thi nghiêm túc thỏa thuận này chính là cơ sở để Trung ương Cục miền Nam quyết định đặt niềm tin vào ông Hạnh.
Sự tin tưởng tuyệt đối của Trung ương Cục miền Nam với ông Hạnh được thể hiện ở chỗ, suốt trong một thời gian dài (12 năm từ năm 1963-4/1975), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không giao bất kỳ nhiệm vụ gì cho ông để đảm bảo ông không gặp bất lợi gì trong công việc hàng ngày trong quân đội Việt Nam Cộng hòa và “chờ thời cơ làm việc lớn”.
Tầm nhìn của Trung ương Cục miền Nam
Trong tài liệu của Trung ương Cục miền Nam có nêu, đến năm 1974, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng “lệnh cho Tỉnh ủy Mỹ Tho đưa bằng được ông Nguyễn Hữu Hạnh về Sài Gòn. Nếu gặp khó khăn thì phải đi bằng con đường giao liên để kịp về Sài Gòn gặp ông Dương Văn Minh trước ngày 28/4”.
Đây là chi tiết cho thấy rõ sự sắc sảo trong nhìn nhận con người và cục diện chung vào thời điểm đó của Trung ương Cục miền Nam khi sớm phát hiện ra mối quan hệ đặc biệt giữa ông Hạnh và ông Minh và khả năng tác động lớn đến mọi quyết định của Tổng thống Dương Văn Minh của ông Hạnh. Điều này xuất phát từ việc ông Hạnh là người luôn coi ông Minh là “người thầy về quân sự” của mình và luôn bảo vệ Tổng thống Dương Văn Minh và nhóm của ông Minh trong những lần xảy ra mâu thuẫn trong chính quyền Sài Gòn.
Khi ông Nguyễn Hữu Hạnh đến Sài Gòn nhận nhiệm vụ chính thức mà chính quyền cách mạng giao cho ông thì ông Dương Văn Minh còn 40 giờ làm Tổng thống và ông Hạnh chỉ còn vẻn vẹn 20 tiếng để thực thi công việc của mình.
“Trong một thời gian rất ngắn, dưới áp lực ghê gớm, làm sao thay đổi được chính quyền mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xây dựng trong 10 năm? Chỉ có tinh thần yêu nước, tư tưởng cởi mở về hòa hợp, hòa giải dân tộc mới khiến ông Hạnh thuyết phục được ông Dương Văn Minh tạo điều kiện cho chính quyền mới đảm nhiệm, thiết lập và xử lý được tình huống hết sức gấp gáp như vậy”, ông Truyền nhận định.
Theo ông Truyền, đánh giá về vai trò của ông Hạnh cần phải lưu ý rằng, “dù chúng ta đang tiến vào Sài Gòn với khí thế như vũ bão thì Việt Nam Cộng hòa cũng vẫn đang duy trì nhiều lực lượng ở Sài Gòn và các khu vực lân cận sẵn sàng tử thủ nếu cần thiết. Nếu địch chống trả thì dù chúng ta đang chiếm ưu thế cũng vẫn gây tổn thất rất nghiêm trọng về người và của. Bản thân chúng ta cũng không muốn gây nhiều thiệt hại và cũng vận động địch theo đuổi mục tiêu chung”.
Nhắc đến vai trò của Tổng thống Dương Văn Minh và quyền Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Hữu Hạnh, Trung ương Cục miền Nam có đưa ra nhận xét: “Về vai trò của Dương Văn Minh trong thời điểm kết thúc chiến tranh. Lúc đó, mặc dầu Dương Văn Minh chưa đáp ứng được yêu cầu của ta là sớm đầu hàng không điều kiện, nhưng tuyên bố của Dương Văn Minh và nhật lệnh của Nguyễn Hữu Hạnh đã có tác dụng nhất định làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân ngụy vào giờ chót của chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi để đại quân ta tiến nhanh vào giải phóng Sài Gòn, thúc đẩy Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn thức thời đó là một thành công của công tác binh địch vận đã biết chọn đúng đối tượng để tác động vào đúng thời điểm. Đó là một đóng góp quan trọng của mũi binh địch vận trong thời điểm chiến tranh”.
Theo ông Truyền, vào thời điểm đó, tình trạng bỏ trốn khỏi Sài Gòn diễn ra rất ghê gớm. Không chỉ những quan chức, tướng lĩnh, sĩ quan, binh sĩ trong quân đội Việt Nam Cộng hòa mà ngay cả những người không có hoạt động gì trong chế độ cũ cũng tìm cách bỏ chạy. Tâm lý thua thiệt và những tổn thất mà họ phải gánh chịu trong thời gian đó đã làm nảy sinh sự thù hận trong những con người này khiến họ không thấy được bản chất vấn đề.
Việc làm của ông Minh và ông Hạnh không chỉ giúp giảm thiệt hại trong thời khắc lịch sử đó mà còn góp phần giúp cho những người ở “phía bên kia chiến tuyến” hiểu được rằng quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn không phải để gây giết chóc và đổ máu. Trên thực tế, vào thời điểm đó, cả ông Hạnh và ông Minh đều “có đầy đủ điều kiện để tháo chạy” nhưng cả hai ông đều không làm như vậy mà đã chọn ở lại.
Đây cũng là một hành động giúp lan tỏa tư tưởng hòa hợp và hòa giải dân tộc trong cộng đồng kiều bào ở nước ngoài, không chỉ với những người có dịp trở về đất nước và hiểu rõ bản chất của cuộc chiến mà còn cả tới những người còn nuôi tư tưởng thù hận trong lòng để họ xóa bỏ tư tưởng sai lầm này.
Những biểu tượng hòa giải dân tộc sau chiến tranh
Cũng theo ông Truyền, sau giải phóng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã luôn chú ý đến những cá nhân tiêu biểu, gồm nhân sĩ, trí thức, công, thương gia là những người hoạt động trong chế độ cũ, tìm cách vận động và phát huy vai trò của những người này, đặc biệt là những người có đóng góp tiêu biểu cho dân tộc. Ông Nguyễn Hữu Hạnh là một trong những người tham gia hoạt động của Mặt trận từ rất sớm và được giới thiệu là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc TP.HCM và Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiều khóa.
Cùng vào Mặt trận với ông Nguyễn Hữu Hạnh khi đó còn có một số nhân sĩ, trí thức khác như ông Nguyễn Xuân Oánh, người hai lần là Quyền Thủ tướng trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa và sau này là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Có, Trung tướng Việt Nam Cộng hòa sau này tham gia Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Giáo sư Lý Chánh Trung, nguyên Giám đốc Nha Trung học Công Lập của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây đều là những người được coi là biểu tượng của sự hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù sau chiến tranh./.
Sau thời gian dài điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất, lúc 6h40 sáng 29/9, nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 95. Sau khi mất, ông Nguyễn Hữu Hạnh được con cháu đưa về ngôi nhà ở huyện Củ Chi để tổ chức tang lễ.
Lễ viếng ông Nguyễn Hữu Hạnh được tổ chức lúc 18h ngày 29/9; lễ truy điệu lúc 5h30 ngày 2/10; lễ động quan lúc 6h ngày 2/10. Ban lễ tang gồm 9 thành viên do bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM làm trưởng ban.
Đến viếng ông Nguyễn Hữu Hạnh có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung. Gia đình nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng gửi vòng hoa đến viếng.
|
Trần Khánh/VOV.VN